Vụ chồng ca sĩ Thu Minh bị tố quỵt nợ: Quá nhiều kinh nghiệm hay!

Ngày 24-8, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) đã tổ chức buổi tọa đàm Quản trị rủi ro trong mua bán quốc tế. Mục tiêu là chia sẻ kinh nghiệm khi làm ăn với các đối tác nước ngoài, nhất là sau vụ việc lùm xùm giữa một vài hội viên với Công ty Global Home.

Đầu xuôi, đuôi có chuyện

Ông Nguyễn Hữu Ngọc, đại diện Công ty Gia Hân, chia sẻ từ năm 2012 đã giao dịch với Global Home. Sau một thời gian hợp tác tốt thì đến tháng 4-2015, Global Home trễ chi trả nên ông đã gửi email để đòi tiền. Tiếp đó, Global Home vẫn lấy hàng, vẫn không trả tiền. Cuối tháng 7, Global Home gửi email nói gặp mặt, vừa gửi email, sau ba tiếng đồng hồ lại hủy hẹn và cho rằng chúng tôi không hợp tác vì không xác nhận cuộc hẹn.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền (Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh), hỗ trợ pháp lý cho Gia Hân, cho biết hợp đồng Gia Hân đã ký là hợp đồng khung, trong đó có rất nhiều điều khoản bất lợi cho doanh nghiệp (DN) Việt. Ví dụ, Global Home toàn quyền kiểm soát về chất lượng với rất nhiều quy trình nhưng không hề có một ủy quyền nào về ông A, ông B sẽ là đại diện cho Global Home để chứng nhận chất lượng tại xưởng của DN Việt.

Thủ thuật của nhiều công ty nước ngoài là gửi email vào 5 giờ sáng, xong yêu cầu DN Việt xác nhận trong vòng ba giờ, nếu không thì coi như không xác nhận. Trong 10 DN thì hết chín DN bị dính vào thủ thuật này, ông Truyền chia sẻ.

Ở đây, Gia Hân đã tin tưởng vào đối tác. Mỗi đơn hàng đều đặt cọc 10.000 USD. Global Home luôn có hai đến năm người trực tiếp tại xưởng cùng làm, cùng kiểm tra chất lượng, cùng giao hàng đi nên Gia Hân tin cậy.

Tại buổi tọa đàm, ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch HAWA (đứng), cho biết ông Otto đã đến gặp riêng ông để trình bày vụ lùm xùm này. Ảnh: QUỲNH NHƯ

Nhiều công ty đã “bỏ của chạy lấy người”

Chia sẻ câu chuyện làm ăn của mình với Global Home, ông Phan Tiến Đam, Phó Giám đốc Công ty CP Cửu Long (Hà Nội), cho biết đã từng làm vài đơn hàng với Global Home. “Họ tự tìm đến chúng tôi, bảo khả năng anh làm được bao nhiêu thì anh tự điền vào giấy. Chúng tôi quen làm hàng ngoài trời, nay làm hàng trong nhà cũng chưa có kinh nghiệm lắm. Chúng tôi đã không làm mẫu trước, vì mỗi mẫu chỉ đặt mấy mươi cái. Giao được mười mấy container, nhận ngay 60.000 USD. Có thời gian chúng tôi nhắm bị trễ hàng nên email thông báo và xin trễ, ông ấy chấp nhận. Thế nhưng đến khi giao hàng xong, không nhận được tiền, mà nhận thông báo phạt 60.000 USD. Vô lý là đơn hàng chưa đến ngày giao cũng bị tính là trễ và phạt luôn 60.000 USD nữa! Tính ra chúng tôi vừa làm hàng cho họ mà vừa nợ họ đến hơn chục ngàn đô” - ông Đam chia sẻ.

Đại diện gỗ Việt Mỹ cũng chia sẻ từng làm hàng cho Global Home năm 2011. “Ba đơn hàng đầu thì mượt mà lắm nhưng đến đơn hàng thứ tư, thứ năm thì họ bắt đầu chậm trả tiền. Chậm trả nhưng cứ đặt hàng tiếp, hối thúc giao hàng. Chúng tôi thấy không tin tưởng nên ngừng luôn sau vài đơn hàng. Đòi nợ thì họ trả nhỏ giọt 10.000 USD mỗi bận. Tổng cộng làm với nhau khoảng 200.000 USD. Đến nay cũng còn nợ chúng tôi khoảng 66.000 USD”, công ty này chìa công nợ ra cho xem.

Global Home đã đến giải trình

Chiều 24-8, lúc 13 giờ, ông Otto đã đến văn phòng Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) để trao đổi về các thông tin quanh việc Công ty Global Home nợ các công ty gỗ. Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch HAWA, đã trực tiếp làm việc với ông Otto đến khoảng 14 giờ.

Ông Hạnh cho biết ông Otto (đại diện pháp luật của Công ty Global Home) có đưa ra một số bằng chứng giao dịch giữa Global Home với các công ty Việt Nam, trong đó có Công ty Gia Hân, Công ty Cửu Long và một công ty ở Đà Nẵng. Ông Otto nói rằng có bằng chứng về các giao dịch và ông sẽ gặp các công ty để thỏa thuận giải quyết số công nợ với các công ty.

Ông Hạnh đề nghị các công ty nên cung cấp thông tin và bằng chứng để HAWA có thể hỗ trợ cho hội viên tốt hơn. Có hai công ty đã gửi hồ sơ cho HAWA nhưng trường hợp Công ty Gia Hân thì đến nay vẫn chưa thấy cung cấp bằng chứng gì.

“Ông Otto đã cung cấp bằng chứng của phía Global Home nhưng ông ấy vừa mới đưa thôi nên tôi cũng chưa xem và chưa có đánh giá gì. Hơn nữa, hội chỉ là cầu nối của các DN chứ hội không có quyền phán quyết, quyền tài phán hay xét xử gì, hội sẽ hỗ trợ hội viên hết khả năng có thể” - ông Hạnh cho biết.

___________________________________

Gỗ Hạnh Phúc cũng từng làm đơn hàng cho Global Home. Kinh nghiệm của chúng tôi là có bộ phận theo dõi, đánh giá khách hàng. Thấy khách hàng có biểu hiện không tốt, ví dụ chậm trả tiền, tránh né liên lạc, có thông tin xấu về tài chính hay giao dịch... là ngừng hợp đồng.

Thậm chí khách đặt hợp đồng vài chục ngàn, vài trăm ngàn USD thì không nên tiếc vài ba ngàn USD đi đến tận nơi để xem khách hàng của mình lớn chừng nào, đàng hoàng hay không. Sau đó cân nhắc ký hợp đồng hay... bỏ chạy.

Tôi từng đi giao hàng, người ta bắt khiêng lên ba cầu thang, qua lối hẹp, đẩy thùng cho ngã ra sàn, rồi lập biên bản là hàng không chất lượng. Do đó, chúng ta phải quan sát đối tác có thiện chí hợp tác hay muốn “chơi ác” với mình.

Ông LÊ XUÂN TÂN, Công ty Gỗ Hạnh Phúc

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm