Khi doanh nghiệp nước ngoài “qua mặt” cơ quan thuế

Một trong những sự kiện đáng chú ý nhất trong vài ngày gần đây, đó là cơ quan thuế TP.HCM thông báo có đến hơn 700 doanh nghiệp có vốn nước ngoài (FDI) báo cáo thua lỗ. Câu chuyện “lãi thật lỗ giả” lại lặp lại y như nhiều năm trước. Đáng nói hơn là việc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã qua mặt cơ quan thuế một cách ngang nhiên. Ngân sách nhà nước cũng vì thế mà thất thu một khoản không hề nhỏ, nhưng các cơ quan quản lý gần như bó tay. Tình trạng này sẽ lặp lại vào năm sau nếu như chúng ta không có biện pháp chấn chỉnh.

Theo Cục thuế TP.HCM trong số 1.254 doanh nghiệp có vốn nước ngoài FDI nộp hồ sơ báo cáo thuế năm 2008, có đến 708 doanh nghiệp báo lỗ, trong đó có đến gần 90 % hoạt động trong lĩnh vực may mặc.

Doanh nghiệp FDI có lỗ hay không? Có thể khẳng định, các doanh nghiệp này không lỗ. Thứ nhất, dù các doanh nghiệp này thường xuyên kê khai làm ăn thua lỗ trong nhiều năm qua, nhưng lại liên tục mở rộng qui mô sản xuất và tăng doanh thu trong suốt thời gian này. Cũng xin nói thêm chính trong giai đoạn này, họ có mức tăng trưởng rất cao. Thứ hai, thật vô lý và không bình thường khi hầu hết doanh nghiệp may mặc Việt Nam, dù phải nhập khẩu nguyên phụ liệu của nước ngoài, đều làm ăn có lãi, nhưng hơn 80% doanh nghiệp may mặc có vốn đầu tư nước ngoài lại báo lỗ… Trong khi họ luôn có lợi thế hơn các doanh nghiệp trong nước khi có các công ty mẹ ở chính quốc sản xuất nguyên phụ liệu, sợi bông dệt vải, các phụ liệu khác luôn sẵn sàng cung cấp cho các công ty con ở nước ngoài.

Vậy thì các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kêu thua lỗ đã dùng “thủ thuật” “biến lãi thành lỗ” như thế nào? Phương pháp của họ là "chuyển" giá. Tức là nhiều doanh nghiệp FDI cố tình thua lỗ ở Việt Nam để chuyển lãi về công ty mẹ. Họ chấp nhận nhập khẩu nguyên liệu máy móc đầu vào từ công ty mẹ với giá thật cao, rồi bán lại hàng hóa sản xuất ở Việt Nam cho công ty mẹ với giá thật thấp để không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, mà thậm chí lại còn được hoàn thuế giá trị gia tăng. Một khi họ báo lỗ họ sẽ không phải đóng thuế thu nhập và các khoản thuế khác nữa.

Tác hại của thủ thuật này không chỉ là ngân sách nhà nước bị mất đi một khoản thuế lớn, mà hàng năm chúng ta còn phải dành một lượng ngoại tệ không nhỏ cho việc nhập về những nguyên liệu, máy móc cao hơn giá trị thực của nó. Nhưng nguy hiểm hơn nữa đó là khi tình trạng thua lỗ ảo kéo dài, đại diện phần vốn của Việt Nam trong liên doanh có thể không chịu nổi và nhanh chóng rút vốn, nhường sân cho đối tác. Thực tế cho thấy, không ít các doanh nghiệp liên doanh đã bị các công ty mẹ ở nước ngoài “thôn tính” theo kiểu này.

Đáng nói nữa là dù biết khá rõ thủ thuật lách thuế của các doanh nghiệp FDI, nhưng việc chứng minh điều này không phải dễ đối với ngành thuế. Cho đến giờ việc kiểm soát giá nội bộ để chống gian lận qua chuyển giá là một thách thức lớn đối với các cơ quan quản lý ở Việt Nam. Lý do một phần vì ở ta chưa có luật chống chuyển giá..., một phần vì Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp chưa đủ chặt chẽ để quản lý và chế tài hành vi này. Ngành thuế vẫn phải áp dụng các biện pháp cũ là phân loại doanh nghiệp, yêu cầu doanh nghiệp giải trình và giám sát chặt chi phí mức tiêu hao vật tư và hợp đồng mua bán của các doanh nghiệp này. Và tất nhiên, hiệu quả của các biện pháp vừa nêu không hiệu quả, thậm chí là “bó tay” đối với các thủ thuật trốn thuế của các doanh nghiệp FDI.

Rõ ràng, chúng ta cần phải xử lý nghiêm, ngăn chặn hành vi gian lận kiểu này của một bộ phận doanh nghiệp FDI để trách những tác hại, đồng thời tạo ra sự bình đẳng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước- một vấn đề mà chính các doanh nghiệp FDI luôn mong muốn.

Theo Đức Thành (VOV)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm