GẶP GỠ ĐẦU TUẦN

Kinh tế chưa ổn, tin đồn còn đất sống

- TS Lê Thẩm Dương, trưởng khoa quản trị kinh doanh ĐH Ngân hàng TP.HCM, nói sau vụ tin đồn ông Trần Bắc Hà, chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển VN (BIDV), bị bắt xảy ra trong ngày 21-2 làm chao đảo thị trường chứng khoán.

TS Lê Thẩm Dương nói: Nếu so theo chuỗi sự kiện sẽ thấy tin đồn càng lúc càng tinh vi, mức độ ảnh hưởng ngày càng lớn. Đặc biệt, các đối tượng tung tin rất có dụng ý khi chọn đúng “điểm rơi” của thị trường. Các đối tượng đã nhằm vào việc nhà đầu tư dễ dàng bị kích động bởi tâm lý đám đông, nhẹ dạ, bị áp lực nhóm dẫn đến hành động theo chiều hướng tiêu cực. Với vụ tung tin ông Trần Bắc Hà bị bắt, đối tượng tung tin đã không cần sự kiện mà vẫn có thể dựng thành một câu chuyện nhờ vào “ăn theo” sự kiện tái cấu trúc ngành ngân hàng. Với tính chất logic như vậy, nhà đầu tư sập bẫy là chuyện đương nhiên.

Kinh tế chưa ổn, tin đồn còn đất sống ảnh 1

TS Lê Thẩm Dương - Ảnh: A.H.

* Theo ông, nguyên nhân nào khiến tin đồn liên tục xuất hiện trên thị trường tài chính trong thời gian gần đây?

- Hiện nay các yếu tố kinh tế vĩ mô chưa ổn định, niềm tin của nhà đầu tư bị lung lay dẫn đến họ dễ tin vào tin đồn. Một nguyên nhân quan trọng khác là nhà đầu tư thiếu thông tin. Hiện các thông tin để ra quyết định đầu tư thiếu trầm trọng. Kênh thông tin chính thống thì thiếu, yếu vì nhà đầu tư không có cơ hội tiếp cận. Họ chủ yếu lấy thông tin qua kênh truyền miệng, loại thông tin này rất khó kiểm chứng và không chính xác. Chưa kể thị trường tài chính hiện chưa minh bạch, nhiều thông tin bị giấu hoặc nói khác đi. Chính sự không minh bạch của thị trường là môi trường thuận lợi cho tin đồn xuất hiện.

Một yếu tố khác là thị trường VN hầu hết là nhà đầu tư nhỏ lẻ, dễ bị kích động. Đối tượng tung tin đã nhắm vào điểm yếu này để trục lợi.

* Theo ông, việc điều tra người tung tin đồn có khó không?

- Điều tra người tung tin đồn cực kỳ khó vì tin đồn chủ yếu lây lan theo đường truyền miệng. Giả sử có nghi ngờ một số đối tượng nào đó có những giao dịch mua “khủng” tập trung vào thời điểm xảy ra tin đồn thì cũng khó có cơ sở để kết luận họ là đối tượng tung tin nhằm hưởng lợi vì khi thị trường xuống họ thấy thời cơ kinh doanh, thấy có lợi nên đã chớp thời cơ mua vào. Từ trước đến nay chưa có trường hợp nào trên thị trường tài chính bị xử vì tung tin đồn.

Hiện nay mức chế tài cho hành vi tạo dựng thông tin sai sự thật cao nhất chỉ 70 triệu đồng. Còn mức phạt tối đa 2 tỉ đồng chỉ mới nằm trong dự thảo. Như vậy là quá thấp và không đủ sức răn đe.

* Vậy xử lý tin đồn, theo ông, phải đi từ đâu?

- Điểm lại suốt thời gian qua và trong sự việc mới nhất vừa xảy ra cho thấy cơ quan chức năng luôn ở thế bị động, để tin đồn lan ra rồi mới tìm biện pháp xử lý. Trong việc xử lý tin đồn, việc tìm bắt đối tượng tung tin, theo tôi, không phải là thượng sách mà cơ quan chức năng phải có kế hoạch chủ động ứng phó với nó. Trong đó, cách quan trọng nhất là minh bạch thông tin. Ở tầm quốc gia phải có hệ thống thông tin, giám sát, chất lượng thông tin phải hoàn thiện, đồng thời tăng độ minh bạch. Tiến đến cơ quan chức năng có thể dự báo để cảnh báo cho người dân những loại tin đồn có thể xảy ra trong từng thời điểm để họ chuẩn bị tâm lý ứng phó. Quan trọng nhất là cải tiến hệ thống tài chính, vì một nền tài chính mạnh thì tin đồn không có đất sống.

Trong trường hợp đã lường trước hết mà tin đồn vẫn xảy ra thì phải có sẵn kịch bản để xử lý. Trong đó quan trọng nhất là phải làm nhanh, chạy đua với thời gian, đồng thời phối hợp với người đủ khả năng, thẩm quyền, uy tín để cung cấp thông tin cho người dân trên nguyên tắc tôn trọng sự thật, không tránh né.

Ông LÊ VĂN CHÂU (chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán VN):

Cần chỉ đạo xử lý nghiêm làm gương

Những tin đồn như tin bắt ông Trần Bắc Hà, chủ tịch Ngân hàng BIDV, như vừa qua làm không ít nhà đầu tư bị thiệt hại, đảo lộn suy nghĩ, không yên tâm vào thị trường chứng khoán. Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn như hiện nay, những tin như vậy gây tác hại khôn lường. Theo tôi, Chính phủ nên chỉ đạo cơ quan chuyên môn tập trung vào đối tượng tung tin đồn kiểu này bởi từ trước đến nay, do đặc thù khó bắt nên thi thoảng lại tung tin, thu lợi hoặc gây hại nhằm mưu đồ nào đó. Khó như thao túng chứng khoán chúng ta đã bắt được và tạo được dấu ấn tốt thì nếu tập trung vào vấn đề tin đồn, bắt được một vài vụ thôi sẽ răn đe, hạn chế thiệt hại sau này.

Ông NGUYỄN HOÀNG HẢI (phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính):

Nên học kinh nghiệm của Thái Lan

Trong chuyện xử lý tin đồn, VN nên học tập kinh nghiệm của Thái Lan. Thái Lan từng có nhiều dạng tin đồn gây tác hại. Cách xử lý của họ là ngay khi xuất hiện tin đồn, đối tượng liên quan phải công bố thông tin. Trường hợp ông Trần Bắc Hà vừa qua đã phản ứng khá tốt, có công bố thông tin, tất nhiên còn hơi chậm. Cơ quan an ninh cũng họp báo nhưng phản ứng như thế vẫn tương đối bị động. Để hạn chế tin đồn, cần cơ quan an ninh vào cuộc, tìm ra kẻ tung tin. Như Thái Lan, có lần họ tìm ra thủ phạm trên mạng chỉ sau một tuần. Cơ quan an ninh của ta vừa vào cuộc vụ tin đồn bắt ông Trần Bắc Hà, hi vọng họ sẽ thành công, bắt được kẻ tung tin để răn đe.

C.V.Kình ghi 

Hóa giải tin đồn

Nhà đầu tư, người dân cần dựa vào thông tin chính thống để ra quyết định có lợi nhất cho mình. Đại tá Nguyễn Xuân Hiền, phó cục trưởng Cục An ninh tài chính - tiền tệ (A84) Bộ Công an, nhận định.

Kinh tế chưa ổn, tin đồn còn đất sống ảnh 2

Đại tá Nguyễn Xuân Hiền - Ảnh: Nguyễn Khánh

* Vừa qua có tin đồn ông Trần Bắc Hà, chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV, bị bắt. Xin ông cho biết cơ quan công an đã có biện pháp gì để hóa giải những tin đồn này?

- Về tin đồn nói chung, ngay sau khi có thông tin, cơ quan công an đã có phản ứng. Trước mắt phải xem xét tin đó có nội dung như thế nào, liên quan đến các cơ quan chức năng nào thì các cơ quan chức năng của Nhà nước sẽ phải phối hợp trước với nhau xác minh các thông tin đó. Trên cơ sở đó xác định mức độ tin như thế nào để cảnh báo cho người dân. Còn nếu xác định tin đồn có ý đồ, mục đích thì phải nhanh chóng bằng mọi biện pháp để điều tra xác minh.

Cụ thể, trong vụ việc tin đồn liên quan đến ông Trần Bắc Hà và BIDV, Tổng cục An ninh nội địa đã xác minh, khẳng định không có thông tin này và sau đó thông báo đến các cơ quan thông tin đại chúng nhằm ổn định tình hình, tránh gây hoang mang trong quần chúng nhân dân và nhà đầu tư.

* Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư và người dân do không đủ thông tin nên thường tin vào tin đồn và họ thường dễ bị thiệt hại nhất. Có phải nguyên nhân là do sự chậm trễ từ khi có tin đồn đến khi có thông tin chính thống?

- Sự việc tin đồn liên quan đến ông Trần Bắc Hà đã được xử lý rất nhanh. Cơ quan an ninh đã xác minh thông tin và nhanh chóng thông báo để ổn định tình hình. Sự việc này tôi đánh giá là phản ứng nhanh, đảm bảo quyền lợi cho người dân. Ở đây cần cảnh báo với người dân và nhà đầu tư là khi nghe thông tin (dù tin đồn hay không) thì phải căn cứ vào thông tin chính thống để có suy xét đối với nguồn tin. Đây là điều quan trọng nhất vì nhà đầu tư là người đưa ra quyết định mua bán, không thể vì tin đồn mà bán tống bán tháo.

Một số nhà đầu tư VN có tâm lý đám đông nên khi nghe tin đồn là bán mà không có căn cứ quan trọng để phân tích và có quyết định chính xác. Mặt khác, trình độ nhà đầu tư không đồng đều, có nhà đầu tư thật sự chuyên nghiệp thì ứng xử với tin đồn khác. Điều này cũng cho thấy ứng xử với tin đồn, tin chưa chính thống hoàn toàn phụ thuộc vào trình độ nhận thức, kinh nghiệm chuyên môn, khả năng phân tích, phán đoán của từng người.

Minh Quang thực hiện

Theo Ánh Hồng thực hiện (Tuổi Trẻ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm