Liệu lãi suất cho vay có tăng?

Điều đáng nói là nếu như từ bốn tuần trước, nhiều ngân hàng chỉ điều chỉnh lãi suất kỳ hạn dài từ trên 12 tháng trở lên thì nay còn điều chỉnh lãi suất tiền gửi ở cả các kỳ hạn ngắn làm nóng thị trường lãi suất những ngày qua.

Tăng cả ngắn hạn lẫn dài hạn

Ngay từ tháng 5, Ngân hàng ACB đã quyết định điều chỉnh thêm 0,2% cho kỳ hạn gửi tiền từ sáu đến 36 tháng. Sau đó từ đầu tháng 6 đến nay các ngân hàng khác cũng liên tục tăng.

Tại HDBank, lãi suất các kỳ hạn tăng bình quân 0,3%-0,5%. Mới đây, Ngân hàng Eximbank đã nâng lãi suất ở kỳ hạn 6-9 tháng thêm 0,2% và kỳ hạn 12 tháng lãi suất tăng từ 5,8% lên 6,2% năm.

Đây cũng chưa phải là mức lãi suất tiền gửi cao nhất cho kỳ hạn dài. Bởi tại Ngân hàng Xây dựng và Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu hiện đang huy động ở mức trên 7%/năm.

Không chỉ các ngân hàng thương mại, mà tại các ngân hàng cổ phần nhà nước như BIDV, VietinBank… cũng đã điều chỉnh tăng thêm từ 0,1% đến 0,5%/năm.

Lãi suất tiền gửi tăng, hút khách hàng gửi tiền. Ảnh: HTD

Trước việc hàng loạt ngân hàng tăng lãi suất huy động, một số chuyên gia, cho rằng mục tiêu giảm lãi suất trung, dài hạn có thể trở nên khó khăn hơn. Đặc biệt có thể dẫn tới tình trạng doanh nghiệp không dám vay trung, dài hạn và ảnh hưởng đến đà phục hồi của nền kinh tế.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM, thừa nhận lãi suất tiền gửi không chỉ ở kỳ hạn dài tăng mà ở các kỳ hạn ngắn cũng tăng. Lãi suất tăng chủ yếu ở các kỳ hạn dài từ sáu tháng đến hai năm.

“Mặc dù lãi suất tiền gửi tăng nhưng qua khảo sát cho thấy đến nay chưa có ngân hàng nào vượt rào lãi suất. Quy định về trần lãi suất tiền gửi dưới sáu tháng là 5,5%/năm, tuy nhiên đến nay lãi suất cao nhất cũng chỉ từ 5% đến 5,2%/năm mà thôi” - ông Minh nói.

Ông Đặng Quốc Tiến, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng ngay cả khi lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài được điều chỉnh tăng thêm lên 1% vẫn chấp nhận được. Và việc điều chỉnh lãi suất tiền gửi như hiện nay có lợi cho người gửi tiền, hút người gửi tiền ở kỳ hạn dài nhiều hơn.

Sẽ không tăng nữa?

Ông Tiến cũng dự báo lãi suất cho vay trung và dài hạn có thể sẽ không tăng nữa. Ông Tiến giải thích: “Hiện nay lượng tiền huy động ở các ngân hàng vẫn cao hơn lượng tiền cho vay ra rất nhiều. Các ngân hàng vừa có nhu cầu bơm tiền ra, vừa có nhu cầu giữ khách hàng tốt và tìm kiếm khách hàng mới nên lãi suất là cạnh tranh”.

Một nguyên nhân khác, theo ông Tiến, là lãi suất tiền gửi chỉ là một yếu tố trong nhiều yếu tố quyết định đến lãi suất cho vay. Ngoài ra, lãi suất cho vay như thế nào còn phụ thuộc vào sự cân đối rổ tiền tệ chung của các ngân hàng.

Đồng quan điểm này, ông Lê Thành Trung, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng HDBank, cho biết theo logic thì lãi suất tiền gửi tăng sẽ kéo lãi suất cho vay tăng. Bản thân các ngân hàng cũng phải cân nhắc tính toán trong việc tăng lãi suất sẽ khó có khách hàng vay. Một trong các biện pháp để vừa hút được lượng tiền gửi tăng nhưng không tăng lãi suất cho vay là tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả trong quản lý vốn, chất lượng tín dụng.

“Hiện nay huy động vẫn tăng tốt hơn nhiều so với cho vay. Bởi thế ngân hàng có thể tăng kỳ hạn trên 12 tháng để cân đối, tối ưu hóa nguồn vốn của mình cũng là phù hợp. Ngay cả việc lãi suất ngắn hạn tuy có điều chỉnh một chút cũng chỉ là cho nó phù hợp. Ví dụ trước đây cần huy động 10 đồng để cho vay 7-8 đồng, nay muốn cho vay 9-10 đồng thì huy động 11-12 đồng. Rõ ràng việc điều chỉnh này giúp ngân hàng cơ cấu lại nguồn vốn huy động hợp lý hơn và tạo điều kiện tốt cho thanh khoản của từng ngân hàng” - ông Trung nói.

Ông Trung cũng cho rằng nhìn chung cơ cấu nguồn vốn ở ngân hàng hiện nay khá hợp lý, phù hợp với diễn biến của kinh tế thị trường.

Từ nay đến cuối năm, lãi suất sẽ ổn định

Đó là khẳng định của Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trong cuộc họp báo sơ kết sáu tháng đầu năm 2015 diễn ra ngày 23-6. Bà Hồng cho biết gần đây có một số ngân hàng có xu hướng tăng lãi suất huy động nhưng đây không phải là xu hướng phổ biến.

“Hội đồng tư vấn tài chính quốc gia đánh giá lạm phát năm nay dự kiến hơn 3%-3,5%. Như vậy, cơ bản lãi suất sáu tháng cuối năm vẫn giữ ổn định như hiện nay” - bà Hồng khẳng định.

Theo NHNN, tính đến ngày 15-6, tổng phương tiện thanh toán tăng 4,88%, huy động vốn tăng 4,37% so với cuối năm 2014, thanh khoản của hệ thống ổn định và có dư thừa. So với những năm trước, tín dụng năm nay tăng ngay từ những tháng đầu năm.

Cụ thể, tăng trưởng tín dụng đến nay tăng 5,78% so với cuối năm 2014 và tăng 18,98% so với cùng kỳ. Trong đó, nông nghiệp nông thôn là lĩnh vực được ngành ngân hàng tích cực đầu tư.

TRÀ PHƯƠNG

Cho vay trung, dài hạn tăng nhanh

Tính đến cuối năm ngoái, cho vay trung, dài hạn chỉ chiếm 48,6% trong tổng dư nợ cho vay tại TP.HCM. Đến nay cho vay trung dài hạn chiếm đến 54%, cao hơn cả cho vay ngắn hạn. Điều này cho thấy sự phục hồi sản xuất của doanh nghiệp, sau nhiều năm hoạt động sản xuất bị đình trệ, doanh nghiệp chủ yếu vay vốn lưu động, không dám vay mở rộng đầu tư.

Ông NGUYỄN HOÀNG MINH, Phó Giám đốc NHNN
Chi nhánh TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm