Lợi dụng kẽ hở nhập lậu ngà voi, sừng tê giác

Chiều 23-8, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm buôn lậu - C74 (Bộ Công an) cho biết đã hoàn tất việc kiểm đếm và gửi mẫu vật lấy từ lô ngà voi thu giữ hôm 21-8 đến Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật trưng cầu giám định.

Trong hai ngày 13 và 21-8, C74 đã phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) phát hiện, bắt giữ nhiều container chứa sừng tê giác và ngà voi nhập lậu có tổng giá trị ước gần 200 tỉ đồng. Số hàng cấm nói trên do Công ty TNHH Vạn An (quận Hải Châu, Đà Nẵng) đứng tên nhập từ các nước châu Phi về qua đường biển.

Theo cơ quan hải quan, cả hai lô hàng nói trên được che giấu tinh vi nhằm qua mặt hệ thống soi chiếu và giám sát của cơ quan chức năng. Cụ thể, kiểm tra lô hàng đầu (doanh nghiệp (DN) Vạn An khai đá cẩm thạch đã đánh bóng trị giá hơn 476 triệu đồng từ Mozambique), lực lượng chức năng phát hiện nhiều hòn đá cẩm thạch được làm giả tinh vi. Các hòn đá này (chứa từ 10 đến 25 kg hàng cấm) được phủ một lớp giấy bạc bên ngoài, còn bên trong chứa ngà voi và sừng tê giác. “Việc dùng giấy bạc tạo đá cẩm thạch giả bọc ngà voi, sừng tê giác đã qua mặt được hệ thống máy soi chiếu” - một cán bộ hải quan cho hay. Còn ở lô hàng thứ hai, DN này khai là gỗ nhập từ Nigeria nhưng mở ra thì toàn gỗ tạp và 63 bao tải chứa ngà voi.

Lô hàng ngà voi, sừng tê giác do DN Vạn An đứng tên nhập về bị thu giữ. Ảnh: TẤN TÀI

Lô hàng một tấn ngà voi và sừng tê giác được bốc lên tàu, xuất phát từ cảng của Mozambique đến Malaysia. Tại đây, chúng được chuyển sang một tàu khác để về cảng Cửa Lò (Nghệ An) rồi vòng ra Hải Phòng. Từ ngày 8-10, tàu biển mới chở hàng vào cảng Tiên Sa (Đà Nẵng). Còn lô hàng chứa gần 2,3 tấn ngà voi (bị bắt giữ ngày 21-8) đã cập cảng Singapore, cảng Sài Gòn, cảng Hải Phòng... rồi mới về cảng Tiên Sa. Đại tá Nguyễn Văn Thành (C74) cho biết thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi nhằm qua mặt hệ thống soi chiếu và kiểm soát của hải quan. “Các lô hàng của Công ty Vạn An di chuyển qua nhiều hải cảng ở nước ngoài và trong nước trước khi cập cảng Tiên Sa. Việc này là nhằm thăm dò cơ quan chức năng, thử xem có bị theo dõi không rồi mới quyết định bốc hàng” - Đại tá Thành giải thích.

Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Vạn An chuyên hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, do ông Nguyễn Văn Sáu (Đà Nẵng) làm giám đốc. Ông Nguyễn Quang Lãng, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng, cho biết DN Vạn An đã nhiều lần nhập hàng. Qua kiểm tra, số hàng hóa và hồ sơ đều đúng thủ tục nên các chuyến sau, hàng của DN này được tự động phân vào luồng xanh (không phải kiểm tra hồ sơ, không kiểm tra chi tiết hàng hóa mà chỉ dựa vào tờ khai rồi cho thông quan - NV). Các đối tượng buôn lậu đang lợi dụng, khi hàng hóa được phân vào luồng xanh rồi tuồn hàng lậu vào, gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Một cán bộ Cục Điều tra chống buôn lậu cũng cho biết hiện thủ tục thông quan còn nhiều kẽ hở nên đang bị các đối tượng buôn lậu lợi dụng.

Đến nay cơ quan hải quan đã nhiều lần liên hệ, phát giấy mời yêu cầu DN đến làm việc nhưng công ty vẫn không hợp tác. Về khả năng DN này cho rằng gửi nhầm hàng hoặc bị đối tác lừa để phủ nhận trách nhiệm, ông Lãng cho biết lời khai từ DN chỉ là một phần. Nhưng để điều tra, cơ quan chức năng còn căn cứ vào các chứng cứ khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm