Mua xăng dầu từ 200.000 đồng: Phải khai địa chỉ

Người tiêu dùng mua xăng dầu tại khu vực vùng biên giới với trị giá trên 200.000 đồng/lần phải có hóa đơn. Đó một trong những nội dung chính của Thông tư 28/2011của Bộ Công Thương hướng dẫn quản lý kinh doanh xăng dầu ở khu vực biên giới, vừa được Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú ký ban hành, có hiệu lực từ ngày 15-9-2011.

Cây xăng vùng biên giới chỉ được bán ban ngày

Theo đó, đơn vị lập hóa đơn là cửa hàng bán lẻ xăng dầu, trong hóa đơn phải ghi rõ tên, địa chỉ người mua. Trường hợp tổng giá trị thanh toán dưới 200.000 đồng/lần thì không phải lập hóa đơn, trừ trường hợp người mua yêu cầu nhưng phải ghi và theo dõi trên bảng kê. Thông tư cũng nghiêm cấm việc vận chuyển xăng dầu có tổng giá trị từ 200.000 đồng trở lên mà không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp.

Về thời gian bán của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại khu vực biên giới, thông tư quy định là từ 6 đến 8 giờ hằng ngày. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh có thể điều chỉnh thời gian bán xăng dầu tại từng địa bàn phù hợp với tình hình thực tế.

Xe các loại được mua 50 lít/lần/ngày

Đối với định mức bán lẻ xăng dầu cho các phương tiện vãng lai nước ngoài, căn cứ vào điều kiện địa lý, địa bàn hoạt động và loại phương tiện, UBND cấp tỉnh sẽ quy định lượng xăng dầu tối đa được phép bán cho đối tượng này. Theo đó, lượng bán xăng dầu tối đa cho mỗi phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là xe ô tô; máy kéo; rơmoóc hoặc sơ mi rơmoóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy và các loại xe tương tự nhưng không được quá 50 lít/lần/ngày/phương tiện.

Mua xăng dầu từ 200.000 đồng: Phải khai địa chỉ ảnh 1

Cảnh tập kết xăng dầu chờ xuất lậu ở kênh Vĩnh Tế (huyện Tịnh Biên, An Giang). (Ảnh chụp đầu năm 2011) Ảnh: VĨNH SƠN

Lượng bán xăng dầu tối đa cho mỗi phương tiện thủy gồm tàu thuyền và các cấu trúc nổi khác có động cơ chuyên hoạt động trên đường thủy nhưng không được quá 100 lít/lần/ngày/phương tiện. Trong trường hợp do điều kiện địa lý, cần quy định lượng bán xăng dầu vượt mức quy định, UBND cấp tỉnh được phép điều chỉnh tăng lượng bán xăng dầu nhưng không quá 20% đối với từng loại phương tiện và phải thông báo về Bộ Công Thương bằng văn bản.

Thông tư này cũng giao trách nhiệm quản lý giám sát buôn bán xăng dầu cho UBND và Sở Công Thương các tỉnh khu vực biên giới. Theo đó, các cơ quan này phải chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường phối hợp với lực lượng biên phòng kiểm tra việc bán lẻ xăng dầu cho phương tiện vãng lai nước ngoài. Định kỳ hằng tháng báo cáo Bộ Công Thương về lượng xăng dầu bán ra của các cửa hàng, trong đó nêu rõ nguyên nhân tăng, giảm lượng xăng dầu bán ra và đề xuất biện pháp xử lý.

Nhiều điểm chưa rõ ràng?

Tuy nhiên, thông tư này cũng bộc lộ những điểm chưa rõ ràng. Cụ thể, ai sẽ đứng ra giám sát việc ghi hóa đơn khi thực hiện giao dịch mua bán theo số lượng xăng dầu cho phép và trường hợp người buôn lậu móc nối với chủ cửa hàng kinh doanh ghi khống số lượng? Hay làm thế nào phát hiện và xử lý trường hợp người buôn lậu chia lẻ để mua gom số lượng theo quy định? Đối với việc khống chế số lượng bán ra cho phương tiện cơ giới đường bộ và đường thủy lần lượt 50 và 100 lít/lần/ngày, như vậy trong một ngày các phương tiện vãng lai sẽ được mua bao nhiêu lần? Liệu có đảm bảo cho hoạt động vận tải hay không?

Đại diện Vụ Thương mại miền núi (Bộ Công Thương) cho biết việc ban hành thông tư này nhằm mục đích hạn chế tối đa tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới. Công việc giám sát mua bán xăng dầu theo định mức 200.000 đồng phải có hóa đơn thuộc trách nhiệm quản lý của cơ quan quản lý thị trường. Trong khi đó, đại diện Cục Quản lý thị trường cho biết: Cục đang chờ ý kiến chỉ đạo và văn bản hướng dẫn cụ thể trong trường hợp kiểm tra, phát hiện các trường hợp gian lận về số lượng xăng dầu được mua bán theo quy định. Nếu trong quá trình thực hiện có vấn đề gì vướng mắc, các địa phương sẽ báo cáo về Bộ Công Thương để kịp thời khắc phục, xử lý.

Tính đến ngày 18-7-2011, qua thanh tra 1.537 cơ sở kinh doanh xăng dầu, các cơ quan chức năng đã xử lý vi phạm 97 cơ sở, trong đó cảnh cáo 43 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 54 cơ sở với tổng số tiền trên 516,3 triệu đồng, thu hồi tiền thu lời bất chính 70,8 triệu đồng.

(Nguồn Thanh tra Bộ KH&CN)

TRÀ PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm