‘Phải trả lại tên cho chúng tôi’

Ông H., Giám đốc Công ty TNHH A.N, TP.HCM cho hay nhiều năm trước ông cùng bạn bè lập một công ty vì có một dự án kinh doanh. Nhưng vì không đủ vốn nên không tiến hành dự án được, do đó không đăng ký thuế, không có hóa đơn, không báo cáo… Sau đó công ty bị thu hồi giấy phép.

“Khi tôi muốn thành lập DN mới thì cơ quan hữu quan không cho vì từng đứng tên lập DN mà vi phạm. Tôi xin khắc phục hậu quả để hoạt động dưới tên công ty đã lập sẵn, song các cơ quan quản lý đều nói không khôi phục được” - ông H. kể.

Một trường hợp khác là Công ty S. (TP.HCM) nợ thuế, bị cưỡng chế thu hồi giấy phép. Công ty này muốn tiếp tục hoạt động bằng tên cũ chứ không muốn lập ra công ty khác, vì vậy đã cố gắng khắc phục vi phạm của mình, nộp phạt đầy đủ. Nộp thuế xong xuôi, xin trả lại giấy phép thì được cơ quan chức năng thông báo là không trả được!

Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết Luật DN 2014 quy định năm trường hợp bị thu hồi giấy phép là: Giả mạo, bị cấm lập DN, ngừng hoạt động một năm, không báo cáo theo yêu cầu và các trường hợp khác theo quyết định của tòa án. Luật này cũng giao cho Chính phủ hướng dẫn trình tự, thủ tục thu hồi.

“Tuy nhiên, Luật DN không quy định trường hợp nào thì cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ trả lại giấy phép đã thu hồi. Mà luật không quy định thì làm sao chúng tôi dám làm” - một cán bộ đăng ký kinh doanh cho biết.

Trong khi đó, không ít công ty muốn xin trả lại giấy phép đã viện dẫn quy định của Luật Quản lý thuế để yêu cầu cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế trả lại giấy phép.

Công ty S. cho rằng Luật Quản lý thuế có quy định biện pháp thu hồi giấy phép. Cụ thể: Các biện pháp cưỡng chế... chấm dứt hiệu lực kể từ khi tiền thuế, tiền phạt đã được nộp đủ vào ngân sách nhà nước. Như vậy DN đã nộp đủ tiền thuế và tiền phạt thì việc thu hồi phải “chấm dứt”, nghĩa là phải trả lại giấy phép cho DN tiếp tục hoạt động. Thậm chí là phải trả ngay lập tức mới đúng.

Thế nhưng cơ quan thuế lại cho rằng việc thu hồi giấy phép là do cơ quan đăng ký kinh doanh ra quyết định thu hồi nên DN phải “nói chuyện” với cơ quan đăng ký kinh doanh. Trong khi đó, cơ quan đăng ký kinh doanh cho rằng thu hồi dựa trên đề nghị của cơ quan thuế.

Chính vì quy định “nghịch” nhau giữa hai luật khiến cả DN, cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế đều lúng túng.

Được biết trong dự thảo nghị định hướng dẫn về đăng ký DN có quy định trường hợp khôi phục tình trạng pháp lý của DN sau khi bị thu hồi giấy phép. Theo đó, nếu xác định DN không thuộc trường hợp phải thu hồi giấy phép thì cơ quan đăng ký kinh doanh ra quyết định hủy bỏ quyết định thu hồi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm