Phạt thuế nặng dễ dẫn tới tiêu cực!

Ngày 20-3, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, trong khi nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) cho rằng cần phải nâng chế tài xử phạt bằng tiền đối với hành vi chậm nộp thuế và khai gian thuế thì Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ lại lo “nâng cao mức phạt dễ dẫn đến tiêu cực”.

Theo Ủy ban Tài chính-Ngân sách (TCNS), để nâng cao hiệu quản lý về thuế, đòi hỏi dự án luật phải có các quy định mang tính giải pháp nhằm hạn chế tình trạng gian lận thuế, đồng thời phải có chế tài, mức xử phạt đủ mạnh để ngăn chặn hành vi vi phạm như khai man, nợ tiền thuế… “Các nội dung sửa đổi trong dự thảo về cơ bản chỉ mới tập trung vào đơn giản hóa thủ tục hành chính, chưa thể hiện rõ mục tiêu tạo công cụ vĩ mô để góp phần chống thất thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời” - Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

Đi sâu vào các quy định cụ thể, Ủy ban TCNS cho rằng theo quy định hiện hành, hành vi nộp chậm tiền thuế sẽ bị xử phạt 0,05% mỗi ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp. “Do mức xử phạt thấp, nên một số DN đã chấp nhận bị phạt chậm nộp để chiếm dụng tiền thuế, gây khó khăn cho hành thu. Ủy ban TCNS đề nghị sửa đổi luật theo hướng nâng mức phạt đối với hành vi trên thành 0,1% mỗi ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp. Đồng thời, để bảo đảm tính răn đe, Ủy ban TCNS cũng đề nghị nâng mức xử phạt hành vi khai gian thuế từ 10% lên mức 20% tính trên số tiền thuế khai thiếu” - ông Hiển nói.

Phạt thuế nặng dễ dẫn tới tiêu cực! ảnh 1

Các doanh nghiệp đăng ký kê khai thuế tại Cục Thuế TP.HCM. Ảnh: HTD

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng nâng mức xử phạt thuế lên cao là không hợp lý. “Chúng tôi tính toán mức xử phạt 0,05% là cao hơn so với ngân hàng rồi. Chúng ta phạt nặng quá thì sẽ quá sức chịu đựng của người nộp thuế. Khi đó các DN phải tìm cách luồn lách, tiêu cực với cán bộ thuế, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát” - bộ trưởng Bộ Tài chính cảnh báo.

Đáp lại, ông Hiển cho rằng việc nâng mức xử phạt là nhằm ngăn ngừa các hành vi vi phạm. Bởi qua giám sát cho thấy thất thu thuế là rất nhiều, bất kỳ đối tượng nào bị thanh tra, kiểm toán đều phát hiện có thất thu. Do đó, cần phải tăng mức phạt để nâng cao trách nhiệm của người nộp thuế.

Cũng theo ông Hiển, hiện chưa có quy định về nghĩa vụ của công chức thuế phải bồi thường khi gây thất thoát tiền, tài sản Nhà nước trong việc quyết toán thuế sai… Vì thế, cùng với trách nhiệm bồi thường cho người nộp thuế, cần bổ sung quy định xử phạt, nghĩa vụ bồi thường cho Nhà nước đối với công chức thuế khi có hành vi gây thất thoát.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng hiện ở nước ta đang nảy sinh vấn đề là nhiều người luôn tìm cách gian lận thuế. Do đó, việc điều chỉnh các quy định phải linh hoạt bằng cách “cứ đèn đỏ là phải dừng, đèn xanh là được đi”. Đồng thời, phải xây dựng các quy định để thúc đẩy công tác hiện đại hóa hệ thống thuế và hải quan.

Đề nghị kiểm toán các công trình đội vốn

Chiều 20-3, thảo luận về Phương án phân bổ nguồn vốn ngân sách Trung ương cho các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2012, Ủy ban TCNS cho rằng việc ưu tiên bố trí vốn cho các công trình, dự án có khối lượng hoàn thành, đưa vào sử dụng trước ngày 31-12-2011 và các dự án dự kiến hoàn thành trong năm thiếu sự kiểm soát. Điều này dẫn đến các địa phương chỉ đạo thi công vượt khối lượng khá lớn so với số vốn được phê duyệt, không bám sát vào kế hoạch vốn được phê duyệt hằng năm để phân kỳ đầu tư, gây ra nợ khối lượng xây dựng cơ bản lớn ở nhiều địa phương, gây khó khăn cho các nhà thầu, tạo gánh nặng nợ rất lớn cho ngân sách.

Ủy ban TCNS đề nghị thực hiện kiểm toán việc sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015; kiểm toán đối với các dự án, công trình có mức tăng tổng mức đầu tư do điều chỉnh giá một cách đột biến và xử lý cương quyết các trường hợp vi phạm các nghị quyết của Quốc hội.

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm