Quyền lực thị trường vẫn trong tay tiểu thương

Báo cáo dựa trên kết quả của hơn 800 cuộc phỏng vấn trực tiếp các cửa hàng bán lẻ - có ít nhất 30 loại mặt hàng - ở đô thị và nông thôn.

Điều này cho thấy các nhà bán lẻ truyền thống hiện vẫn đang nắm giữ quyền lực chi phối đến hàng hóa tại thị trường VN, dù có lúc bị lép vế trong cuộc chạy đua với mô hình bán lẻ hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại…).

Bà Nguyễn Hương Quỳnh, Giám đốc cấp cao bộ phận dịch vụ đo lường bán lẻ của Nielsen VN, nhận địnhngười tiêu dùng gần đây phải chắt chiu hơn trong chi tiêu, kéo theo giá trị mua sắm giỏ hàng thường nhật giảm khoảng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, người tiêu dùng chuyển hướng sang mua sắm ở cửa hàng tạp hóa, chợ truyền thống vì số lượng các nhà bán lẻ hiện đại đa phần tập trung tại các TP lớn.

Bổ sung cho nhận định này, Giám đốc marketing Công ty Cổ phần Thực phẩm và Nước giải khát Dona Newtower Đỗ Phan Thanh Bảo nói sáu tháng đầu năm nay doanh thu ở kênh truyền thống tăng 15%-20%, trong khi kênh hiện đại chững lại. Nguyên nhân do hiện nayngười tiêu dùng có nhiều sự chọn lựa. Chẳng hạn, trước đây họ tin tưởng mua sản phẩm ở siêu thị yên tâm về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm… thì nay ở kênh truyền thống cũng có sản phẩm cùng loại và giá rẻ hơn.

Một doanh nghiệp (DN) trong ngành gia dụng chia sẻ trong hai, ba năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng ở kênh bán lẻ truyền thống tăng mạnh 20%-30%, còn kênh siêu thị chậm lại. “Nhiều nhà cung cấp không vào được siêu thị vì quá nhiều thủ tục và nếu DN vô được chủ yếu để làm thương hiệu, quảng bá sản phẩm mới... Ngược lại, ở kênh bán lẻ truyền thống việc hợp tác giữa DN với tiểu thương rất dễ dàng” - DN này nhận xét.

Đại diện Lotte Mart VN thừa nhận việc mạnh dạn đầu tư là do nhìn thấy được tiềm năng trong lĩnh vực bán lẻ tại VN. Song sự đổ bộ một cách ồ ạt của nhà đầu tư nước ngoài (vào kênh hiện đại, PV) sẽ không thể tránh khỏi những khó khăn nhất định như mặt bằng, nhân lực, vốn…

Từ thực tế trên, nhiều chuyên gia, DN cho rằng để giành chiến thắng trong thị trường mà kênh thương mại truyền thống đang chi phối mạnh mẽ này (hiện chiếm 80% doanh số bán hàng tiêu dùng nhanh) này, các nhà sản xuất phải xác định được đúng các cửa mục tiêu của mình.

Ở góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế Lý Trường Chiến nhận xét trong chừng mực nào đó giá sản phẩm ở siêu thị có nhỉnh hơn so với bên ngoài vì siêu thị đầu tư chi phí nhiều. Đây cũng là điểm bất lợi của siêu thị so với kênh truyền thống.

Khi tỉ trọng này càng gia tăng đến một mức nhất định, người tiêu dùng không muốn đến siêu thị mua sắm nữa mà đến cửa hàng tiện ích hay chợ thì siêu thị phải thay đổi lại cấu trúc giá và tổ chức lại để phù hợp với nhu cầu người mua, để kênh bán lẻ hiện đại thực sự có sức hấp dẫn.

Bên cạnh đó, về dài hạn, các chuyên gia cho rằng xu hướng chung là kênh bán lẻ hiện đại sẽ phát triển cùng với sự chuyển đổi trong thói quen của người tiêu dùng Việt, khi nhiều mô hình mới liên tục mở ra với nhiều chiêu lôi kéo khách hàng từ khâu bán hàng cho đến hậu mãi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm