Sự sụp đổ tài chính phố Wall và cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam

Sự sụp đổ tài chính phố Wall và cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam ảnh 1

Trên phố Wall đang diễn ra một quá trình sụp đổ sáng tạo?

Anh Đinh Tuấn Minh hiện đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ kinh tế tại UNU-MERIT, Maastricht, Hà Lan. Anh là người chịu ảnh hưởng tư tưởng trường phái kinh tế Áo. Anh cũng là người đã tham gia dịch và hiệu đính rất nhiều tác phẩm kinh tế học, đưa các tác phẩm kinh điển đến với bạn đọc yêu thích kinh tế học ở Việt Nam.
Qua bài viết anh gửi, chúng tôi cũng mong muốn giới thiệu đến bạn đọc một góc nhìn khá mạnh mẽ và táo bạo về cuộc khủng tài chính hiện tại. Các tiêu đề nhỏ do chúng tôi tự đặt.
Đợt khủng hoảng này là đợt khủng hoảng có tính thế kỷ, nên đây cũng là một cơ hội thế kỷ để cho các doanh nhân Việt Nam vươn lên vượt qua các đối thủ ở các quốc gia khác trong tương lai. Họ cần phải nhận ra rằng đây là cơ hội ngàn vàng, đòi hỏi sự tính toán và chuẩn bị các nguồn lực cần thiết để biến cơ hội thành hiện thực.

Những chính sách đúng đắn của chính phủ vào lúc này là rất cần thiết để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đón nhận cơ hội này.

Nhìn lại quá trình sụp đổ

Sự sụp đổ của các công ty tài chính phố Wall không phải là sự sụp đổ do chiến tranh. Nó chỉ là sự sụp đổ của các mối quan hệ được xây dựng từ những tính toán kinh tế tồi của các doanh nhân. Những ràng buộc, nợ nần xấu của các ngân hàng bị phá sản sẽ bị bung đứt, những doanh nhân phạm phải những sai lầm sẽ bị thua lỗ.

Nhưng nguồn lực tư bản của các doanh nghiệp sụp đổ vẫn còn đó!

Quyết định của Hạ Viện Mỹ ngày 29/09/2008 bác bỏ kế hoạch 700 tỷ USD trợ giúp thị trường tài chính khiến cho quá trình chuyển dịch cơ cấu vốn diễn ra nhanh hơn. Các nguồn lực sẽ nhanh chóng được chuyển về cho những doanh nhân khác có khả năng hơn trong việc xây dựng được những mô hình quản lý tốt hơn để biến các nguồn lực này thành những sản phẩm có giá trị cao hơn cho xã hội.

Sự sụp đổ tài chính phố Wall và cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam ảnh 2

Tác giả Đinh Tuấn Minh

Sự sụp đổ của thị trường tài chính Phố Wall là một sự sụp đổ do sáng tạo và vì sáng tạo (creative destruction), theo cách nói của Schumpeter.

Sự sụp đổ này sẽ gây tổn thương đáng kể cho một bộ phận nhất định các doanh nghiệp Mỹ cũng như trên thế giới có liên quan trực tiếp hoặc tương đối gần với các định chế tài chính phá sản này. Nhưng nhờ sự sụp đổ này mà nền kinh tế của Mỹ trong thời gian tới sẽ nhanh chóng được hồi phục.

Đối với những khu vực kinh tế bị tác động gián tiếp của sự sụp đổ này thì đây là một sự cảnh báo cần thiết. Họ sẽ phải xem xét lại toàn bộ hoạt động kinh doanh của mình, các danh mục đầu tư trong tương lai, và các mô hình quản lý cũng như mối quan hệ hiện có để phòng ngừa tai hoạ có thể sẽ xảy ra với mình.

Sự tính toán và điều chỉnh của hàng tỷ con người trên thế giới sẽ khiến cho nền kinh tế toàn cầu nhanh chóng tạo ra những sản phẩm mới, dịch vụ mới, hệ thống quản lý mới tốt hơn và hiệu quả hơn để thay thế những cái cũ kỹ hiện tại. Nhờ đó, thế giới sẽ nhanh chóng chuyển sang một giai đoạn phát triển mới.

Nhưng cơ hội này chỉ thành hiện thực cho những người biết và dám thay đổi để đón lấy cơ hội từ sự thất bại của người khác.

Nền kinh tế mới trong tương lai sẽ khó có chỗ cho những doanh nhân phớt lờ tín hiệu cảnh báo của sự kiện sụp đổ này. Những doanh nhân không chịu xem xét, tính toán lại các hoạt động kinh doanh của mình và ngồi chờ sự bảo hộ của chính phủ cứu giúp tất sẽ bị cuốn trôi theo dòng lũ. Những nền kinh tế sợ hãi sự khủng hoảng và tiến hành các biện pháp bảo hộ không điều kiện cho các doanh nghiệp của mình ắt sẽ bị bỏ lại phía sau.

Cơ hội cho Việt Nam

Đối với Việt Nam, ảnh hưởng của đợt sụp đổ của một số công ty tài chính phố Wall vẫn chỉ là gián tiếp ngay cả khi Việt Nam đã tham gia sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu. Đây là một cơ hội tốt nếu chúng ta nhận thức được rằng chúng ta phải đổi mới để biến nó thành hiện thực, nhưng nó cũng có thể là một điều xấu nếu chúng ta nghĩ rằng chúng ta không bị ảnh hưởng và không nhất thiết phải thay đổi.

Sự sụp đổ tài chính của các nền kinh tế Đông Á năm 1997-1998 là một ví dụ của việc không chớp được cơ hội từ sự sụp đổ của kẻ khác. Đáng ra sự kiện đó cần phải được xem như là một tín hiệu cảnh báo đáng suy ngẫm để đổi mới nhanh hơn thì chúng ta lại co mình lại. Phải mất vài năm sau chúng ta mới tiến hành đổi mới mạnh hơn, cởi trói đáng kể cho khối doanh nghiệp tư nhân và nhờ đó chúng ta đã có được những thành tựu kinh tế đáng kể từ năm 2001 trở đi.

Những tác động xấu gián tiếp của đợt khủng hoảng này đối với Việt Nam có thể dễ mường tượng. Nhưng nếu suy nghĩ cẩn trọng thì thực ra những tác động xấu đó không lớn như mới thoạt hình dung.

Trước hết, đó là việc một số quĩ hoặc nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài có thể sẽ rút tiền về để củng cố cho các hoạt động của mình ở nước sở tại. Tuy nhiên đây sẽ chỉ là những trường hợp bất khả kháng. Các nhà đầu tư gián tiếp sẽ không rút đi khi mà thị trường chứng khoán của Việt Nam đã xuống quá nhiều trong năm nay, và khó có thể xuống thấp hơn nữa để rút vốn. Họ càng không rút khi mà cơ hội sinh lời trong tương lai đảm bảo cao hơn so với nước sở tại của họ.

Thứ hai, một số nhà đầu tư trực tiếp có thể không thu xếp đủ vốn để theo đuổi các dự án đã cam kết ở Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, điều này chỉ đáng sợ khi những nhà đầu tư này không thấy cơ hội sinh lợi đáng kể trong tương lai. Nếu chính phủ Việt Nam đưa ra được các chính sách kinh tế rõ ràng, nhất quán, đưa nền kinh tế tiến tới một nền kinh tế thị trường thực sự, đảm bảo sự phát triển bền vững thì sự giảm sút luồng vốn đầu tư sẽ không nhiều. Trong trường hợp như thế thì ngay cả khi có một số nhà đầu tư cam kết đầu tư trước đây nhưng không thể tiếp tục thì sẽ vẫn có rất nhiều nhà đầu tư tiềm năng khác sẵn sàng nhảy vào thay thế.

Thứ ba, một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đây không phải là điều đáng lo ngại vì hàng xuất khẩu của Việt Nam đa phần vẫn là các loại hàng hoá cơ bản như sản phẩm nguyên liệu thô (dầu thô, than đá), nông sản (gạo, cà phê, hạt tiêu), may mặc và giày dép, và thuỷ sản. Độ co giãn của cầu đối với những hàng hoá này không lớn. Do vậy, nhu cầu tiêu thụ những mặt hàng này chỉ bị giảm chút đỉnh khi ngân sách chi tiêu của các hộ gia đình nước ngoài bị giảm. Bằng chứng là xuất khẩu của Việt Nam từ đầu năm tới nay vẫn tiếp tục tăng mặc dù thị trường thế giới đã giảm đáng kể so với những năm trước đó.

Như vậy, trong khi mức độ ảnh hưởng do sự sụp đổ của các định chế này gây ra cho Việt Nam chỉ là gián tiếp và không nhiều, đủ để cho các doanh nghiệp Việt Nam phòng ngừa thì nó lại đem lại những cơ hội to lớn. Vấn đề bây giờ là chúng ta có nhận thức được cơ hội và dám thay đổi để chớp lấy cơ hội hay không.

Thực ra, ngay từ tháng 3-2008, chính phủ Việt Nam đã lường được tình cảnh tồi tệ của nền kinh tế Mỹ, đã tính đến những phương án chính sách và kế hoạch trong điều kiện nền kinh tế này rơi vào suy thoái dài hạn, trong điều kiện giá dầu vẫn ở mức cao. Điểm nổi bật trong chính sách kinh tế của chính phủ Việt Nam trong thời gian vừa qua là ưu tiên chống lạm phát nhưng không chỉ đơn giản bằng công cụ tiền tệ.

Chính phủ đã nhận ra được là chi tiêu của chính phủ, đặc biệt là đầu tư công, sự méo mó của hệ thống sản xuất do khối doanh nghiệp nhà nước gây ra, và sự bảo hộ giá cả quá lâu trong một số ngành mới là những nguyên nhân sâu xa của sự yếu kém của nền kinh tế Việt Nam. Những khoản cắt giảm và giãn tiến độ thực sự về đầu tư công, việc tiếp tục kế hoạch tiến hành việc cổ phần hoá, niêm yết các công ty này trên thị trường, sự thoái vốn của SCIC ở hầu hết những doanh nghiệp sau cổ phần, và gần đây là sự quyết tâm của chính phủ trong việc để giá xăng dầu vận hành theo kinh tế thị trường là những hành động cụ thể thể hiện cam kết của chính phủ trong việc đổi mới nền kinh tế theo hướng thị trường.

Những việc cần làm

Sự kiện khủng hoảng tài chính phố Wall lần này có lẽ cũng cần chính phủ phải nhanh chóng đưa ra những chính sách và cam kết cải cách kinh tế mạnh mẽ và dứt khoát như cách chính phủ đã làm vào cuối tháng 3. Dưới đây tôi (tác giả bài viết) sẽ đề xuất một số chính sách mà chính phủ nên theo đuổi trong ngắn hạn, trung hạn cũng như dài hạn. Tôi tin rằng nhiều kiến nghị dưới đây đã được chính phủ đã và đang tiến hành cũng như nhiều đồng nghiệp khác của tôi đưa ra. Việc trình bày chúng ở đây để đảm bảo sự đầy đủ và nhất quán của các chính sách hướng tới việc đón nhận cơ hội có được từ sự khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Chính sách 1: Tiếp duy trì mức lãi suất cơ bản như hiện nay (14%) nhưng bỏ mức tín dụng trần 30% và hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc một cách có điều kiện với các ngân hàng. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc có thể giảm đối với các ngân hàng chứng tỏ được rằng những khoản nợ xấu từ đầu tư bất động sản, đầu tài chính hoặc đầu tư khác của họ là trong vòng kiểm soát.

Chính sách 2: Tiếp tục duy trì tỷ giá ổn định như hiện nay. Trong trung hạn, sau khi lạm phát đã được kiềm chế, chính sách tỷ giá có thể chuyển sang chế độ tỷ giá linh hoạt có kiểm soát.

Sau khi lạm phát đã được khống chế việc chuyển sang chế độ tỷ giá linh hoạt có kiểm soát sẽ khuyến khích doanh nghiệp thích nghi tốt hơn với sự thay đổi của nền kinh tế thế giới.

Chính sách 3: Tiếp tục việc hạn chế tiêu dùng các mặt hàng xa xỉ phẩm như ô tô, xe máy, rượu ngoại, v.v. Đối với vàng, Nhà nước có thể tiến tới việc nới lỏng việc hạn chế nhập khẩu vàng khi áp lực ngoại tệ không còn lớn và khi sự hoảng loạn về cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ qua đi.

Chính sách 4: Đẩy mạnh cổ phần hoá và cải cách doanh nghiệp nhà nước.

Việc đẩy mạnh cổ phần hoá và cải cách doanh nghiệp nhà nước sẽ giúp cho các doanh nghiệp này chủ động tìm kiếm cơ hội thị trường, và nhờ đó có thể sẽ phát triển nhanh hơn.

Nhà nước không nên e ngại việc không bán được cổ phiếu ra bên ngoài ở thời điểm cổ phần hoá. Nhà nước có thể vẫn tiếp tục nắm đa phần vốn sở hữu tại các doanh nghiệp sau khi đã cổ phần. Doanh nghiệp sau cổ phần vẫn có thể có động lực đổi mới phát triển nếu như nhà nước cam kết sẽ thưởng cho doanh nghiệp một phần lợi nhuận có được từ phần cổ phiếu thoái vốn của mình nếu như doanh nghiệp làm ăn phát đạt.

Chính sách 5: Tiếp tục các chính sách về thắt chặt chi tiêu chính phủ và đầu tư công.

Việc thắt chặt chi tiêu chính phủ và chuyển các khoản đầu tư công sang cho khu vực tư nhân sẽ góp phần vào việc giảm thuế cho khu vực doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân. Các doanh nghiệp sẽ có thêm được nguồn vốn để mở rộng sản xuất và thị trường. Đây cần phải xem như là một chính sách dài hạn để khuyến khích doanh nghiệp phát triển.

Chính sách 6: Khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư máy móc thiết bị hiện đại để phục vụ phát triển trung và dài hạn.

Sự đình đốn sản xuất ở các nước phát triển sẽ là một cơ hội tốt cho các doanh nhân Việt Nam tiếp cận được với máy móc công nghệ hiện đại với các điều kiện ưu đãi. Nâng cao năng lực sản xuất trong giai đoạn này sẽ giúp cho doanh nghiệp có thể mở rộng qui mô sản xuất trong trung và dài hạn, đáp ứng nhanh chóng được nhu cầu gia tăng của các nền kinh tế phát triển trong giai đoạn phục hồi.

Chính sách 7: Khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư ra nước ngoài.

Sự đình đốn sản xuất ở các nước phát triển tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể mua lại các cơ sở kinh doanh ở nước ngoài với giá rẻ. Những doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội này sẽ có khả năng trở thành những doanh nghiệp đa quốc gia của Việt Nam trong tương lai.

Việc đầu tư ra bên ngoài Việt Nam trong trung và dài hạn sẽ góp phần giải quyết được hiện tượng dư thừa đô la ở Việt Nam, qua đó giúp cho thị trường ngoại hối được ổn định, kích thích được xuất khẩu. Ngân hàng nhà nước cũng không phải bơm tiền ra để duy trì tỷ giá hối đoái ổn định. Nhờ đó, lạm phát sẽ được kiềm giữ.

Chính sách 8: Rà soát lại và lành mạnh hoá hệ thống tài chính, ngân hàng.

Chính phủ cần rà soát lại các ngân hàng cho vay nhiều vào khu vực bất động sản và các loại dự án có tính rủi ro cao. Với những trường hợp có nguy cơ cao chính phủ cần yêu cầu cũng như tham vấn các bên để thực hiện các biện pháp mua bán nợ nhằm chia sẻ rủi ro cho nhiều định chế tài chính khác có năng kiểm soát rủi ro tốt hơn, có mức độ thanh khoản tốt hơn. Trong trường hợp cần thiết, chính phủ nên yêu cầu các ngân hàng yếu kém sáp nhập vào các ngân hàng khác khi tình hình tài chính của các ngân hàng thương mại này vẫn còn chưa đến mức tồi tệ.

Chính sách 9: Tiến tới thị trường chứng khoán không có các biên độ.

Vai trò của thị trường chứng khoán không đơn thuần chỉ là nơi huy động vốn cho các doanh nghiệp. Chức năng chính của nó là định hướng các nguồn lực vào những lĩnh vực có khả năng đem lại lợi nhuận tốt nhất trong tương lai. Để đảm nhận được chứng năng này, thị trường chứng khoán cần những nhà đầu tư tài ba và chuyên nghiệp, biết tính toán đắn đo cho từng sự thay đổi giá trị cổ phiếu.

Tuy nhiên việc duy trì biên độ hiện tại khuyến khích những nhà đầu tư ưa mạo hiểm tham gia vào thị trường thay vì là những nhà đầu tư biết tính toán kinh tế. Khi duy trì mức giá trần và giá sàn, những nhà đầu tư sẵn sàng đặt giá trần hoặc giá sàn mà không sợ rằng mức giá đó là quá cao hoặc quá thấp vì họ nghĩ rằng ngày mai họ có thể sửa chữa được các quyết định không đúng đắn.

Chính sách 10: Các chính sách về lao động, lương bổng và an sinh xã hội.

Trước mắt chính phủ chưa tăng lương tối thiểu. Với các doanh nghiệp vẫn làm ăn phát đạt, chủ doanh nghiệp ắt sẽ đảm bảo mức lương tốt cho nhân viên để có thể phát triển lâu dài. Với các doanh nghiệp yếu kém, việc tăng lương tối thiểu chỉ dẫn đến việc doanh nghiệp sa thải nhân công để tránh thua lỗ. Như vậy khi nền kinh tế bị đình trệ, nâng lương tối thiểu không giải quyết được vấn đề cải thiện đời sống của công nhân cũng như vấn đề thất nghiệp. Nó lại có thể là một nguyên nhân gây ra lạm phát.

Việc giữ nguyên mức lương tối thiểu sẽ giúp cho doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc tính toán và điểu chỉnh lại cơ cấu sản xuất. Một khi các doanh nghiệp đã khôi phục lại được khả năng sản xuất, chúng sẽ hập thụ trở lại lượng nhân công mà chúng sa thải.

Khi lượng công nhân thất nghiệp trở lên cao do nhiều cơ sở kinh doanh yếu kém bắt buộc phải sa thải nhân công thì một phần lớn lực lượng thất nghiệp này sẽ được hấp thụ bởi khu vực nông thôn vì đa phần công nhân Việt Nam hiện nay xuất thân từ nông dân. Phần nông thôn không hấp thụ được, chủ yếu là công nhân có xuất xứ từ khu vực thành thị, cần có những chính sách hỗ trợ nhất định để tránh những bất ổn trong xã hội. Nhà nước có thể tổ chức, hỗ trợ việc tái đào tạo tay nghề cho lực lượng này để giúp họ có thể tìm được việc làm. Các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng góp phần hấp thụ được một phần lực lượng thất nghiệp này.

Chính sách 11: Xây dựng cơ chế thị trường cho các lĩnh vực cơ bản (điện, nước, than, xi măng, sắt thép, xăng dầu, đường sắt), lĩnh vực xã hội (bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, giáo dục), lĩnh vực công nghệ, lĩnh vực bất động sản, và các thị trường phái sinh.

Cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước chỉ giải quyết được một phần vấn đề khuyến khích kinh doanh hiệu quả. Nó không giải quyết được vấn đề nhà nước vẫn phải tiếp tục can thiệp vào các lĩnh vực “đặc biệt” mà các doanh nghiệp này hoạt động để ngăn cản các hành vi lạm dụng vị thế cũng như tính chất đặc thù của các loại hàng hoá này. Để có nới lỏng hoặc “buông tay” khỏi các lĩnh vực này, nhà nước nhất thiết phải thiết kế cơ chế thị trường cho chúng. Một khi cơ chế thị trường cho các lĩnh vực này được thiết lập, các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài hoàn toàn có thể tham gia mà không khiến cho người tiêu dùng sợ phải trả giá cao cũng như chất lượng dịch vụ thấp. 
                                 
                                                                                                                       
                                                                                                                       Theo Đinh Tuấn Minh (CAFEF)

huyenvi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm