Thị trường điện thoại di động Việt Nam: Thời của nghịch lý?

Bắt đầu bằng đề xuất đầy “hài hước” nhưng được coi là “rất thâm độc” của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) và VNPT về giá cước sàn và kéo dài đầu số.

Trói giá sàn: Lý lẽ kẻ mạnh đè kẻ yếu

Tại Hội nghị tổng kết Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, Nguyễn Mạnh Hùng đã đưa ra nhận định: "Thị trường viễn thông 2010 rất có thể sẽ xảy ra cuộc chiến tranh về giá cước giữa các nhà cung cấp dịch vụ và “nếu không là 2010 thì chắc chắn sẽ xảy ra trong năm 2011 nếu không có sự can thiệp của Chính phủ”.\

Thị trường điện thoại di động Việt Nam: Thời của nghịch lý? ảnh 1

Một điểm giao dịch của Viettel tại đường Nguyễn Trãi, Hà Nội. Ảnh: Minh Tú/TTXVN

Với lý lẽ này, ông Hùng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cần ban hành quy định mức giá sàn áp dụng cho cước viễn thông di động để bảo toàn lợi nhuận cho doanh nghiệp. Trái với những đề xuất trước đó của Viettel thường luôn khiến các đối thủ VinaPhone, MobiFone bất bình, thì lần này 2 đại gia của VNPT nhiệt liệt vỗ tay tán thưởng bởi lẽ, nếu quy định này được áp dụng, thì cả 3 “ông lớn” sẽ hưởng lợi.

Thực tế là bấy lâu nay, các doanh nghiệp lớn chưa bao giờ thua thiệt trong các cuộc đua về giá cước, mà chính họ với thế mạnh về hạ tầng, về tiềm lực vốn và thuê bao đã  khiến các doanh nghiệp nhỏ liêu xiêu cũng như tạo ra vấn nạn thuê bao ảo, cháy kho số với những cuộc giảm giá “cực sốc”.

Giờ đây, họ lại đặt sàn để ngăn cản không cho các nhà mạng nhỏ giảm giá, để bảo toàn mức doanh số trung bình trên thuê bao (ARPU). Tuy nhiên, theo kết quả kinh doanh của các ông lớn năm 2009, mức lợi nhuận của họ là hơn 10.000 tỉ đồng. Nhìn trên bình diện đó, dẫu có chiến tranh giá thì cũng chỉ làm các mạng di động lớn không lãi nhiều như trước chứ không thể làm họ suy yếu.

Xét về góc độ thị trường, cơ chế về giá là “bảo bối” gần như là duy nhất để các doanh nghiệp nhỏ thu hút khách hàng, đây cũng là con đường mà chính các doanh nghiệp lớn đã sử dụng. Nên, nếu cần khống chế giá sàn, thì chỉ nên áp dụng với các doanh nghiệp lớn vì với thị phần khống chế và tiềm lực mạnh, nếu họ giảm giá mạnh sẽ chèn ép các doanh nghiệp nhỏ, gây khó khăn cho họ phát triển, thậm chí đẩy họ đến độ diệt vong.

Có câu, chân lý thuộc về kẻ mạnh, nhưng khi đề xuất giá sàn, hẳn Viettel đã quên họ đã khốn đốn thế nào khi bước chân vào thị trường và lợi thế duy nhất của họ là giá cước đã bị chèn ép ra sao? Nhưng khi đó, Viettel là “kẻ yếu”, giờ sau khi đã trở thành “ông lớn”, với đề xuất giá sàn, Viettel “thản nhiên” thay đổi chiến lược cũng như hình ảnh của “kẻ tiên phong về giảm giá”, “người hùng phá độc quyền” thành “tiên phong đưa thị trường đi ngược về phía độc quyền”!

Điều này đồng nghĩa với việc, thay vì “chắc chắn xảy ra chiến tranh về giá” như ông Hùng nhận định thì thị trường “chắc chắn sẽ chứng kiến sự heo hắt và suy tàn” của các mạng di động nhỏ, mới cũng như “chắc chắn người tiêu dùng sẽ phải bị áp đặt về giá, chất lượng dịch vụ” khi mà thay vì có 8 chọn lựa, họ chỉ còn 3!

Thêm đầu số: Yếu thế, xóa cờ lập trận mới

Hệ lụy của việc cháy kho số, thuê bao ảo, sim rác được chính các mạng di động lớn tạo ra trong quá trình phát triển của mình nay được họ “khéo léo tìm giải pháp” bằng cách đề nghị kéo dài số thuê bao di động 10 số hiện nay lên thành 11 số.

Lý lẽ cháy kho số do các doanh nghiệp đề xuất kéo dài đuôi số đưa ra theo các chuyên gia kinh tế và cả dư luận cộng đồng là bất hợp lý. Đơn cử mạng Viettel, năm 2009 họ phát triển 42,3 triệu thuê bao mới, gấp 1,5 lần so với năm 2008, nhưng số thuê bao hoạt động 2 chiều phát triển mới thực tế chỉ có 16 triệu, như vậy nghĩa là 2/3 số thuê bao phát triển mới là sim “rác”.

Trên thực tế, mặc dù dãy số 11 số đã được đưa vào sử dụng gần 3 năm qua, nhưng người tiêu dùng vẫn tỏ ra không mặn mà hứng thú với các thuê bao thuộc dãy số 11 này do khó nhớ, khó phân biệt mạng rất khó cho các nhà mạng làm thương hiệu.

Chính vì vậy, ngoài cạnh tranh về giá, thì kho số 10 số đang là thế mạnh để các doanh nghiệp nhỏ tận dụng để hút khách. Vậy là, sau khi đề nghị vứt bảo bối cạnh tranh giá của doanh nghiệp nhỏ, các đại gia lại yêu cầu xóa bỏ nốt lợi thế cuối cùng về đầu số của các đối thủ và giúp họ “dễ dàng làm thương hiệu”.

Trên khía cạnh thị trường, với người sử dụng, nếu thêm đầu số thì cũng có nghĩa gần hàng chục triệu thuê bao di động hiện nay sẽ chịu sự xáo trộn lớn, trong khi đây lại là việc làm hoàn toàn không cần thiết.

Về phía nhà quản lý, với 21 dãy số đang được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ra thị trường 86 triệu dân và không phải ai cũng dùng điện thoại di động thì hoàn toàn có khả năng cung cấp đủ cho khoảng 200 triệu thuê bao. Nếu kéo dài đầu số, số phận của với 200 triệu sim mới cũng như rất nhiều sim ảo đang hiện hữu sẽ trôi nổi ra sao?

Cách đây hơn 2 năm, để đảm bảo quyền lợi cho 20 triệu thuê bao lúc bấy giờ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chọn cách cấp thêm đầu mã 01 thay vì kéo dài kho số. Giờ đây, vì lợi ích của mình, các doanh nghiệp lớn lại 1 lần nữa đẩy khó về phía người tiêu dùng (đã tăng lên gấp gần 6 lần so với thời điểm đó với trên 111 triệu thuê bao).

Đằng sau những yêu cầu vì thị trường

Nhìn vào kế hoạch năm 2010 của cả 3 “ông lớn” thì chỉ tiêu phát triển mới đều được đặt giảm một nửa so với con số của năm 2009. Cho thấy, họ cũng đồng thuận với dự đoán của các chuyên gia kinh tế rằng năm 2010 thị trường viễn thông di động sẽ dần đi vào bão hòa. Khả năng tăng thuê bao mới là không cao, nên chủ trương giữ khách sẽ là xu hướng chủ đạo của các nhà mạng. Phát triển thuê bao mới sẽ rơi vào các mạng nhỏ với hai thế mạnh chính: giá cước thấp hơn và đầu số hấp dẫn hơn.

Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, trong năm 2009, các nhà mạng phát triển mới hơn 40 triệu thuê bao (phát sinh cước); trong đó, Viettel là 16 triệu, Mobifone và Vinaphone mỗi mạng có thêm hơn 10 triệu thuê bao.

Làm con tính trừ thì 4 mạng còn lại là Sfone với đầu số là 095, EVN Telecom là 096, Beeline là 0199) và Vietnamobile là 092 chỉ phát triển mới được khoảng 4 triệu thuê bao. Nhưng theo khảo sát, hầu như không thấy phát sinh thuê bao của 095 và 096, như vậy hai mạng mới, Vietnamobile 092 (khai trương tháng 4-2009) và Beeline 0199 (khai trương tháng 8-2009) là hai mạng có tốc độ phát triển đáng nể.

Công nghệ CDMA cũng đang được dự báo sẽ chỉ còn lay lắt trong năm 2010 và khả năng tồn tại là rất thấp nên Vietnamobile và Beeline sẽ là đối thủ đáng gờm của các mạng lớn trong tương lai gần. Dễ hiểu vì sao các mạng lớn lại nghĩ ra nhiều “tuyệt chiêu” để kìm hãm các mạng nhỏ mà mục tiêu lớn nhất chính là 2 mạng di động mới này.

Theo ông Phạm Ngọc Lãng, đại diện của Vietnamobile, không chỉ các mạng nhỏ mới cần có ổn định để phát triển mà tất cả các doanh nghiệp đều cần có những chính sách ổn định để tạo nên một thị trường phát triển lành mạnh và bền vững.

Bày tỏ quan điểm của Hanoi Telecom về việc Viettel đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông khống chế giá sàn điện thoại di động với mức 800 đồng/phút, ông Lãng bức xúc: đây là kiến nghị không hợp lý, không hợp đạo lý và phụ bạc khách hàng.

Theo đó, nếu phải đặt vấn đề "cấm" thì phải "cấm" các nhà mạng lớn có thị phần khống chế như Viettel, VNPT trong việc bán phá giá mới đúng chứ không ai đời lại cấm các nhà mạng "vừa ra đời" - các nhà khai thác dịch vụ viễn thông trẻ - có thị phần cực kỳ nhỏ bé. Chưa kể, không hiểu dựa trên quyền gì và trên nguyên tắc nào mà Viettel lại đinh đoạt ra mức giá sàn, thế nào là giá sàn hợp lý, 800 đồng/phút hay 900 đồng/phút hoặc con số nào khác?

Đề nghị này của Viettel là hết sức phụ bạc khách hàng, ông Lãng nói. “Ai cũng nhớ ngày VNPT chiếm giữ độc quyền về viễn thông, nếu không được sự ủng hộ của Bộ Thông tin và Truyền thông của cộng đồng người sử dụng và dư luận thì chắc gì Viettel còn tồn tại chứ chưa nói gì đến chuyện phát triển được như ngày hôm nay. Khi đó, Viettel nêu tuyên ngôn là vì quyền lợi khách hàng thì nay lại đi ngược lại với tuyên ngôn ấy thì chẳng những họ phụ bạc khách hàng mà còn lạm dụng họ nữa.

Nhìn trên khía cạnh khách quan, thực chất, đằng sau những yêu cầu có vẻ vì thị trường, thực chất các đại gia di động đang chỉ toan tính mục đích vì chính bản thân quyền lợi của họ và hại đối thủ, mà không cần tính đến người tiêu dùng cũng như chính sách vĩ mô của nhà quản lý.

Về quan điểm của các doanh nghiệp lớn là thị trường Việt Nam hiện nay với 8 mạng di động là quá nhiều, một chuyên gia kinh tế phân tích: việc thị trường có bao nhiêu mạng di động, thế nào là nhiều hay ít không phải việc của doanh nghiệp mà là của các cơ quan quản lý Nhà nước. Nếu doanh nghiệp thấy thị trường đông, khó cạnh tranh, ít lợi nhuận thì có lẽ nên chủ động thôi không tham gia thị trường nữa, chứ không phải chèn ép để không cho các doanh nghiệp khác đẩy họ ra khỏi sân chơi chung.

Theo ý kiến của các nhà chuyên môn, với vai trò cầm trịch, ngoài đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, Bộ Thông tin và Truyền thông cần đảm bảo cho sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, có hỗ trợ các doanh nghiệp lớn để họ thành tập đoàn mạnh, nhưng không phải bằng cách theo lý lẽ của họ để triệt tiêu các doanh nghiệp nhỏ.

Bên cạnh đó, cũng cần có hoạch định chiến lược dài hơi cho thị trường, cho các doanh nghiệp, chứ không nên để các doanh nghiệp tham gia can thiệp vào chính sách nhà nước nhằm có lợi cho họ.

Bởi nếu cứ đà này, ngoài việc quyền lợi của người dùng sẽ ngày càng hạn chế thì thị trường nếu đi theo những đề xuất nghịch lý kể trên sẽ quay lại đối đầu với tất cả những chính sách mà nhà quản lý đang áp dụng và triển khai: từ việc chống sim rác, thuê bao ảo, lãng phí tài nguyên số…đến nghiêm trọng hơn là đưa thị trường quay trở về thời của độc quyền mà các nhà quản lý đã mất bao công sức, thời gian để xóa bỏ.

Theo Đoàn Ngọc Thu (Vietnam+)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm