Vàng nhảy vọt hơn 1 triệu đồng/lượng

Vàng nhảy vọt hơn 1 triệu đồng/lượng ảnh 1

Mặc dù giá vàng tăng nhưng người đem bán rất ít. (Ảnh chụp lúc 18 giờ ngày 3-8 tại khu vực chợ An Đông, TP.HCM). Ảnh: HTD

Tăng chóng mặt

Phải nộp giấy chứng nhận tuổi vàng khi xuất khẩu

Ngày 3-8, Bộ Tài chính cho biết sẽ có công văn đề nghị Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các đơn vị xuất khẩu vàng. Theo đó, để xuất khẩu vàng, DN xuất khẩu sẽ kiếm tra hàm lượng vàng cho lô hàng xuất khẩu tại bất kỳ đơn vị nào có thiết bị đo. Theo chế độ tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm, các đơn vị xuất khẩu phải có giấy chứng nhận hàm lượng vàng xuất trình cho cơ quan hải quan. Còn cơ quan hải quan sẽ hậu kiểm.

L.THANH

Ngay đầu phiên giao dịch sáng hôm qua (3-8), tại hầu hết các điểm bán, giá vàng được điều chỉnh tăng hơn 700.000-800.000 đồng/lượng. Không dừng lại ở đó, phiên giao dịch đầu giờ chiều giá vàng tiếp tục tăng thêm 200.000-400.000 đồng/lượng. Nghĩa là chỉ trong vòng một ngày, giá vàng trong nước đã được điều chỉnh tăng trên 1 triệu đồng/lượng. Đây là một điều khó hình dung và nằm ngoài sự mong đợi của giới đầu tư.

Trước mức tăng đột biến như trên, người dân không đổ xô đi bán vàng như khi giá vàng chạm mốc 40 triệu đồng/lượng cách đây mấy tuần. Chủ tiệm vàng tại 30-36 Phan Bội Châu, quận 1, TP.HCM cho biết lượng người đem bán vàng chỉ tăng thêm một chút chứ không đột biến. Có nhiều khả năng người dân đã đem bán gần hết vào giữa tháng 7 vừa qua, khi giá vàng tăng lên 40 triệu đồng/lượng rồi. Những người chưa bán thường là họ muốn giữ vàng lâu hơn chứ không đem bán vội.

Tại khu vực đường Bà Hạt, quận 10, chị Phụng - một chủ tiệm vàng cũng cho biết rất ít người bán. Nhiều người kỳ vọng giá vàng có thể tăng cao hơn nữa. “Với riêng gia đình tôi thì vẫn mong đợi giá vàng tăng cao hơn”- chị Phụng nói.

chị Phụng cho hay theo tâm lý khi giá vàng hơi giảm một chút thì đông người bán hơn vì họ sợ lỗ nên bán chốt giá.

Mua bán dè dặt

Vàng nhảy vọt hơn 1 triệu đồng/lượng ảnh 2

Giá vàng SJC biến động liên tục trong ngày 3-8.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó Tổng Giám đốc PNJ, cho biết giá vàng trong nước tăng tất cả là do giá thế giới. Mặc dù hôm qua tăng cao nhưng lượng người đem bán chỉ nhiều hơn ngày hôm trước một chút. Theo bà Cúc, lần trước, khi vàng vượt ngưỡng chạm mốc 40 triệu đồng/lượng thì người bán có hai dạng. Một là bán đi để chờ vàng xuống rồi mua, dạng thứ hai là bán để chốt lời. Lần này, khi giá vàng lên trên 41 triệu đồng, cả người mua bán đều tỏ ra thận trọng. Người bán kỳ vọng giá vàng tăng cao hơn, còn người mua thì lo ngại giá vàng đã tăng lên quá cao. Tuy nhiên, lần này chỉ còn một dạng đem bán đó là bán để chốt lời, chứ không có hiện tượng bán đi để chờ vàng hạ thấp rồi mua nữa.

Theo một chuyên gia kinh tế thuộc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM, nguyên nhân biến động giá như trên lớn là do những bất ổn từ sự phát triển của nền kinh tế thế giới, trong đó chủ yếu là châu Âu mà điểm nóng nhất là từ Ý mà sắp tới khủng hoảng nợ đồng euro. Tác động thứ hai là từ nền kinh tế Mỹ khi trần nợ sẽ được nâng lên. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng chưa thực sự có dấu hiệu nào sáng sủa báo hiệu sự phục hồi từ nền kinh tế Mỹ cả. Cụ thể nguồn thu chủ yếu từ thuế thì không rõ ràng. Việc cắt giảm chi tiêu khoảng 917 tỉ USD trong vòng 10 năm lại làm ảnh hưởng đến việc khó tạo công ăn việc làm cho người lao động. Thứ ba, cũng như nhiều ngân hàng của các quốc gia khác, mới đây ngân hàng Hàn Quốc vừa bỏ ra hơn 1 tỉ đôla để mua vàng. Vì thế vàng trong nước tăng là điều tất yếu. Tuy nhiên, không chỉ mình kim loại quý này tăng, mà các kim loại khác cũng tăng, như bạc chẳng hạn. Tuy nhiên, không tăng mạnh như vàng.

TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế: Xuất khẩu vàng gây rủi ro cho nền kinh tế

Xuất khẩu vàng đang làm biến dạng tình hình xuất khẩu của VN vì làm thâm hụt thương mại. Đặt câu hỏi vàng xuất khẩu thì ai được lợi khi hầu như hoạt động này không tạo ra công ăn việc làm. Xuất khẩu vàng hiện không bền vững, không mang lại lợi nhuận cho nền kinh tế.

Thực chất việc xuất khẩu vàng chỉ mang lợi nhuận cho những người đầu cơ giá vàng khi giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới. Đã có lần đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thừa nhận nhập lậu 20-40 tấn vàng mỗi năm. Việc nhập lậu vàng lớn như vậy khiến cho cán cân thanh toán của VN thâm hụt rất lớn, tới 10 tỉ USD mỗi năm.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn ẩn chứa nhiều bất ổn, Chính phủ nhiều nước có ra thông điệp khuyến khích người dân tích trữ vàng. Như Trung Quốc hiện dự trữ 1.057 tấn vàng và họ cũng tuyên bố sẽ nâng lên 8.000 tấn vàng trong thời gian tới. Đầu tuần này, Hàn Quốc cũng tuyên bố mua vào 25 tấn vàng. Vậy các nước thì tích cực mua vàng vào, còn VN thì đẩy mạnh xuất khẩu vàng. Liệu việc làm này có lợi gì cho nền kinh tế? Điều này cần được cơ quan quản lý đánh giá nghiêm túc và có biện pháp kịp thời để hạn chế thấp nhất những rủi ro cho nền kinh tế.

Ông Huỳnh Trung Khánh, chuyên gia cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại VN: Xuất khẩu vàng mỹ nghệ có lợi hơn

Theo Hiệp hội Kinh doanh vàng VN, việc xuất khẩu vàng mang lại lợi ích là tái tạo ngoại tệ nhanh. Tuy nhiên, theo tôi, nếu xuất khẩu vàng mỹ nghệ, chế tác thì có lợi hơn là xuất khẩu vàng nguyên chất. Nhưng vì việc xuất khẩu vàng cả vàng nguyên chất lẫn vàng mỹ nghệ, trang sức đang có lợi nên thời gian qua, nhiều công ty tài chính đã thu gom, hay nói đúng hơn là vét vàng để xuất.

Để hạn chế việc xuất khẩu vàng ồ ạt như thời gian qua, xét đề nghị của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính vừa ký thông tư hạ tuổi vàng, mở rộng đối tượng bị đánh thuế. Đây là biện pháp hết sức cần thiết. Một phần là khuyến khích xuất khẩu vàng trang sức nhằm mang lại giá trị hơn.

LÊ THANH ghi

YÊN TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm