Vốn FDI đột ngột tăng tốc

Sau 6 tháng ì ạch (lượng vốn thu hút bằng một nửa cùng kỳ), FDI bắt đầu có dấu hiệu tăng tốc trở lại trong tháng 7. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), tổng vốn đăng ký sau 7 tháng đạt khoảng 9,04 tỷ USD. Con số này hồi cuối tháng 6 mới chỉ là 5,7 tỷ USD.

Vốn FDI đột ngột tăng tốc ảnh 1
Vốn FDI vẫn đổ mạnh vào khu vực chế biến, chế tạo. Ảnh: Bloomberg
Trong hơn 9 tỷ USD cam kết nói trên, nhà đầu tư nước ngoài dành hơn 7,6 tỷ USD cho 504 dự án mới. Số còn lại được sử dụng để tăng vốn cho 147 dự án khác. Trong thời gian gần đây, do sự sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán, bất động sản… nhiều ý kiến lo ngại về việc vốn đầu tư nước ngoài có thể đổ mạnh vào các lĩnh vực phi sản xuất, trở thành dòng vốn nóng “dễ đến, dễ đi”. Tuy nhiên, theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, FDI trong 7 tháng đầu năm vẫn chủ yếu đổ vào khu vực chế biến, chế tạo (4,25 tỷ USD), ngành sản xuất - phân phối điện, khí đốt, hơi nước và điều hòa không khí (2,52 tỷ USD), xây dựng (604 triệu USD. Lượng vốn đổ vào kinh doanh bất động sản, trong khi đó, chỉ đạt khoảng 300 triệu USD. Trong tháng 7, Hong Kong (Trung Quốc) bất ngờ vượt qua Singapore để trở thành nhà đầu tư số một vào Việt Nam. Tính chung trong 7 tháng, tổng vốn FDI đến từ nền kinh tế này đã đạt 2,8 tỷ USD, tương đương 30% tổng lượng đăng ký. Singapore và Nhật lần lượt có số vốn là 1,3 tỷ USD và 541 triệu USD. Cùng với việc thu hút, tiến độ giải ngân vốn đầu tư nước ngoài cũng tương đối đảm bảo. Riêng trong tháng 7, lượng FDI thực tế được đưa vào nền kinh tế đạt khoảng một tỷ USD, đưa lượng giải ngân thực tế từ đầu năm lên mức 6,3 tỷ USD.
Theo Nhật Minh (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm