3G - Cuộc chơi xa xỉ đang đi đến đâu?

Và với việc cho ra đời 3G, chúng ta đã đánh dấu việc cung cấp Internet băng rộng trên di động. Tuy nhiên, theo dự đoán của CLB Nhà báo CNTT-TT (ICT PressClub) thì 3G chưa thể bùng nổ tại Việt Nam trong năm 2010.

Hàng trang sức để nhà mạng hút khách

Từ những kinh nghiệm về sự phát triển, trên quan điểm của cả người theo dõi lẫn người sử dụng, theo ICT PressClub thì 3G giống như một loại trang sức và chưa thể có sự bùng nổ. Nếu 2G là một món bình dân, giúp người ta "ăn no" thì 3G lại được ví như một thứ "ăn ngon, mặc đẹp". Mà đã là "ăn ngon, mặc đẹp" thì không phải ai cũng "ăn ngon, mặc đẹp" và ai cũng có điều kiện để "ăn ngon, mặc đẹp" được. Đây là yếu tố khiến trong năm 2010 tới đây, 3G vẫn chưa thể bùng nổ tại Việt Nam. Tuy nhiên, 3G lại có vai trò giúp tăng thuê bao cho 2G và tạo điều kiện cho Internet băng rộng di động phát triển.

3G - Cuộc chơi xa xỉ đang đi đến đâu? ảnh 1

Đồng tình với quan điểm này, Đại tá Tống Viết Trung, Phó Tổng Giám đốc Viettel cho rằng, 3G chưa thể tạo ra được những tình huống chuyển biến mang tính đột biến trong năm nay. Một trong những lý do mà ông Trung nêu ra là khó khăn về thiết bị máy đầu cuối. Mặc dù một số nhà cung cấp thiết bị đầu cuối đã bắt đầu đưa ra các phiên bản máy 3G rẻ tiền, tuy nhiên, máy 3G rẻ nhất hiện nay cũng phải từ tầm 2 triệu trở lên. Chưa kể, những hạn chế chưa thể cải thiện một sớm một chiều về nội dung thông tin.

Lạc quan hơn, đại diện của Vinaphone - nhà tiên phong 3G thì việc ra đời 3G ở Việt Nam trong một điều kiện tương đối chín muồi cả về mạng lưới, thiết bị đầu cuối hay nội dung và đặt niềm tin vào sự tiếp nhận của giới trẻ.

Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt của sự thành bại 3G là giá trị nội dung thì lại bộc lộ quá nhiều lỗ hổng.

Theo đại diện Viettel, đại tá Tống Viết Trung, hiện nay nhà mạng và nhà cung cấp nội dung đang dựa trên một mô hình cũ, những dịch vụ tương đối cũ và nó đã lên đến đỉnh cao cách đây 1, 2 năm. Ông Trung cũng thừa nhận khi đó, nhu cầu của xã hội nó chỉ ở mức như vậy thôi và bên cạnh đó cũng có một số hạn chế như thiếu vắng một thành tố quan trọng trong cung cấp nội dung thông tin là thanh toán.

Theo ông Trung, bây giờ, giữa CP và Operator là chia sẻ cước, việc thanh toán không phải là trực tiếp vì thế việc để có được một mô hình phân chia hợp lý hơn thì nó sẽ vướng phải cái là vấn đề cước này xử lý như thế nào? Thêm nữa là, hiện nay mô hình cung cấp nội dung thông tin dựa trên băng thông thấp như SMS, GPRS với chất lượng vừa phải thì đã không còn phù hợp nữa. Và các nhà mạng đang mong muốn có được một mô hình kinh doanh mới, dịch vụ mới. Các nhà cung cấp 3G đều đang mong muốn có ai đó, một doanh nghiệp, một xu hướng nào đó có thể dẫn dắt thị trường. Hoặc là trong trường hợp đó, bên nhà mạng sẽ phải bỏ ra một khoản đầu tư nào đó, hoặc một mô hình đặc biệt nào đó cho một vài hình thức cung cấp nội dung thông tin hoặc một vài đối tác có thể tạo ra xu hướng. Từ đó mới có thể bứt phá lên được, tạo ra mô hình kinh doanh mới, mối quan hệ mới trong khi công nghệ và xã hội đã thay đổi đi.

Theo ông Phan Quang Minh, đại diện của Công ty Tinh Vân, nhưng thực tế thì ở Việt Nam, ngành Công nghiệp nội dung chỉ là một con số 0 tròn trĩnh. Ông Minh đặt ra câu hỏi với các nhà cung cấp dịch vụ 3G rằng họ đã và sẽ làm gì cho ngành Công nghiệp đó? Theo đánh giá của ông Minh, mặc dù tất cả đều hiểu rõ 3G thành công là nhờ nội dung chứ không phải là nhờ công nghệ, và chưa hề có một chiến lược hoặc chỉ là đề xuất ở tầm vĩ mô về phát triển công nghiệp nội dung, chưa hề có sự ngồi lại giữa người làm công nghệ và người làm nội dung.

Chính vì những thực tế này, nên dù ai cũng hiểu rằng, mục tiêu tăng thuê bao không phải là mục đích của các nhà mạng khi triển khai 3G. Đích nhắm của họ là thu lợi từ dịch vụ giá trị gia tăng  nhưng với giá trị nội dung hiện có và có thể nhìn thấy trong tương lai gần rất nghèo nàn và kém hấp dẫn, có lẽ nguồn thu chính từ 3G đem lại cho các nhà mạng vẫn chỉ là tăng thuê bao.

Bài toán giá cả

Cũng với 3G, nhiều nhận định cho rằng, 3G mang yếu tố tích cực để thúc đẩy Internet băng rộng phát triển. Theo ông Tống Viết Trung, trong quá trình triển khai thử nghiệm, Viettel nhận thấy với công nghệ HSTA thì có thể cung cấp cho người sử dụng tốc độ kết nối lên tới 1Mb. Thậm chí ở một số khu vực còn có thể kết nối với tốc độ 2Mb. Như vậy là cao hơn rất nhiều so với Internet băng rộng. Hiện tại, tốc độ kết nối của ADSL mới chỉ đạt 512K. Đây sẽ là điều kiện rất tốt cho việc kết nối Internet băng rộng không dây không chỉ ở trong khu vực thành phố mà thậm chí còn có thể ở các khu vực ngoại vi.

Nhưng theo "ông trùm Internet" - Giám đốc Công ty Điện toán và Truyền số liệu Vũ Hoàng Liên thì nếu nói về khả năng dung lượng lớn chuyển tải qua cáp quang thì 3G sẽ không bao giờ đuổi nổi Internet ADSL đây là giới hạn có tính tất yếu của tài nguyên là băng tần.

Theo ông Liên, về 3G, vấn đề nằm ở chỗ giá cả và đây sẽ là điều kiện tiên quyết. Vậy giá mà chúng ta dành cho thị trường, dành cho khách hàng là gì? 3G sẽ chỉ là món đồ xa xỉ nếu mức giá của nó như hiện hành, nhưng nếu chúng ta để giá rẻ thì 3G sẽ nhanh chóng trở nên phổ biến và đi vào đời sống xã hội. Ông Liên bày tỏ quan điểm: Tôi mong rằng các nhà cung cấp dịch vụ 3G sẽ giảm giá thật nhanh, thật mạnh để mọi người đều có cơ hội tiếp cận với 3G. Tuy nhiên, điều này lại mâu thuẫn với lợi ích kinh doanh của các nhà cung cấp dịch vụ cũng như bài toán thu hồi vốn của họ.

Chính vì vậy, ông Liên cũng suy đoán theo hướng các nhà cung cấp dịch vụ sẽ sử dụng 3G như một chiêu bài khuyến mại để tăng thị phần và nâng năng lực cạnh tranh mà không phạm vào Luật khuyến mại.

Cuộc chơi có quá xa xỉ?

Theo Viettel, trên phương diện của một doanh nghiệp, họ đang đặt ra những kỳ vọng đối với việc phát triển 3G trong năm tới. Bên cạnh việc tiếp tục củng cố mạng lưới, phối hợp với các đối tác để xây dựng các gói sản phẩm phù hợp hơn, tìm kiếm các máy thiết bị đầu cuối có khả năng phổ cập cho mọi người dân. Viettel hy vọng với những nỗ lực cả về mặt trang thiết bị đầu cuối, mạng lưới và nội dung, dịch vụ 3G sẽ được phát triển.

Viettel cũng cho rằng, nhìn trên đánh giá tốc độ phát triển chung của dịch vụ 3G trong khu vực thì Việt Nam đã triển khai 3G khi các điều kiện đã đạt ở mức chín muồi chứ không như một số nước châu Âu khác đã phát triển 3G ở một thời điểm không được thuận lợi như chúng ta hiện nay. Tuy nhiên, họ cũng thừa nhận rằng đầu tư 3G là một đầu tư lớn vì về cơ bản là các doanh nghiệp phải xây dựng một mạng mới trên cơ sở hạ tầng đã cũ. Trong khi đó các doanh thu có thể thu được từ các dịch vụ này còn khá hạn chế so với quy mô đầu tư. Do vậy, Viettel coi đầu tư 3G là một sự đầu tư dài hạn và hy vọng những công nghệ họ đầu tư có thể đem lại giá trị tốt trong một thời gian dài sau đó, khoảng từ 5 đến 10 năm.

Tuy vậy nếu nhìn sang thị trường thế giới, thì hầu hết các nước đang triển khai 3G vẫn giẫm chân tại chỗ trong việc thu hồi vốn. Cho đến nay, chỉ có hai thị trường được coi là thành công với 3G là Nhật Bản và Hàn Quốc với số thuê bao của hai quốc gia này chiếm tới 56% thị trường Đông Bắc Á tính đến cuối năm 2009.

Tại Việt Nam, con số đầu tư cho 3G theo cam kết của các nhà mạng với Bộ Thông tin và Truyền thông là 2,1 tỉ USD trong vòng 3 năm. Nếu tính tất cả các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhà trạm, truyền dẫn thì khoản đầu tư cho cho 3G của Việt Nam trong 3 năm là 3 tỉ USD. 

Hầu hết số tiền này sẽ chảy vào túi các nhà cung cấp thiết bị nước ngoài, trong khi đó, tiện ích đem lại cho thị trường, cho nền kinh tế có vẻ còn rất mù mờ, và khả năng thu hồi vốn là quá xa vời.

60.000 tỉ đồng cho cuộc chơi 3G chỉ trong 3 năm và dự báo nó sẽ còn ngốn tiếp nhiều tỉ đồng nữa của các doanh nghiệp nước ta ra khỏi vòng cung chữ S, đang bắt đầu đặt dấu hỏi cho cuộc chơi quá xa xỉ này rằng, đích đến cuối cùng, chính xác hơn là lợi ích đích thực của 3G là gì? Ai sẽ trả lời được câu hỏi này?

Theo Đoàn Ngọc Thu (báo ANTG cuối tháng)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm