Chặn người Việt đi du lịch rồi ‘biến mất’

Thông tin 152 người Việt Nam (VN) đi du lịch rồi bỏ trốn tại Đài Loan đang gây xôn xao dư luận. Tuy nhiên, đây không phải là vụ đầu tiên người Việt lợi dụng việc đi du lịch rồi bỏ trốn. Vậy cần làm gì để hạn chế được hiện tượng này?

Chuyên gia du lịch  TRẦN TRUNG:

Có kẽ hở trong thẩm định, xét visa du lịch

Có một điều đáng lo là tình trạng người Việt đi du lịch nước ngoài rồi bỏ trốn đang có chiều hướng tăng. Không chỉ vụ việc hơn 150 người Việt đi du lịch Đài Loan rồi bỏ trốn vừa xảy ra, mà trước đó cũng đã xảy ra một số vụ lùm xùm do một số tổ chức, cá nhân lợi dụng con đường đi du lịch để trốn. Ví dụ, cách đây khoảng hai tháng, một công ty du lịch ở TP.HCM bị phạt vì để khách trốn tại Nhật.

Thực tế hiện nay Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… tuy nới lỏng chính sách visa nhưng họ vẫn phải nhờ một số công ty du lịch tại VN xem xét cấp visa cho các đoàn khách muốn du lịch vào thị trường của họ. Nói cách khác, họ chỉ định những công ty du lịch VN làm thủ tục thị thực cho khách. Chẳng hạn từ tháng 12-2016, có khoảng 30 công ty du lịch Việt được phía Nhật ủy thác. Khách muốn mua tour du lịch Nhật Bản có thể nộp hồ sơ cho 30 công ty du lịch được ủy thác này.

Bên cạnh đó, một số công ty du lịch mặc dù không được ủy thác nhưng nhờ vả các công ty được ủy thác làm visa cho mình. Tình trạng này diễn ra là do công ty nào cũng muốn cạnh tranh bán tour cho du khách đi nước ngoài. Thậm chí có công ty chuyên đưa người lao động ra nước ngoài biết không thể xin thị thực nên đến công ty lữ hành mua tour cho khách hàng như những khách du lịch bình thường... Từ đó dẫn đến kẽ hở trong việc nhận cả những khách có ý định bỏ trốn thông qua con đường du lịch.

Do vậy, tôi cho rằng các cơ quan quản lý cần có biện pháp kiểm soát những công ty kiểu như trên, phòng tránh để hạn chế các trường hợp trốn ở nước ngoài đến mức tối đa. Bởi nếu tiếp tục để tình trạng bỏ trốn xảy ra sẽ ảnh hưởng đến thể diện quốc gia, hình ảnh công dân VN đi du lịch nước ngoài.

Một phụ nữ 32 tuổi trong nhóm 152 người nghi bỏ trốn bị bắt khi đang ở nhà bạn. Ảnh: APPLE DAILY

Ông TRẦN VĂN LONG, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần  Truyền thông Du Lịch Việt:

Thiệt hại rất lớn

Ông TRẦN VĂN LONG

Theo tôi được biết, phía Đài Loan có khả năng sẽ siết chặt, thậm chí đóng cửa chương trình visa với khách đoàn. Nếu Đài Loan đóng chương trình visa này, những công ty như chúng tôi sẽ gặp tổn thất rất lớn. Không chỉ vậy, những khách đi du lịch thuần túy cũng bị ảnh hưởng nặng.

Cụ thể, lượng khách đăng ký đi du lịch Đài Loan tại công ty chúng tôi trong dịp Tết âm lịch sắp tới không hề ít. Song mấy ngày nay nhiều khách hàng rất hoang mang, điện thoại hỏi liệu có vấn đề gì xảy ra không. Liệu họ có bị hủy đi du lịch không, có bị đuổi về khi nhập cảnh vào Đài Loan không… Thậm chí có khách hàng muốn hủy tour đi Đài Loan. Nếu hàng loạt khách hàng hủy tour thì công ty chúng tôi “chết” luôn!

Tóm lại, sau vụ hơn 150 khách Việt trốn ảnh hưởng rất nhiều đến du lịch VN, đặc biệt là văn hóa du lịch. Bạn bè quốc tế, đối tác, người nước ngoài nghĩ thế nào về chúng ta? Theo tôi, lỗ hổng cơ bản dẫn đến tình trạng trên là do chế tài chưa đủ mạnh hoặc xử lý không tới nơi tới chốn. Do đó, tôi cho rằng nếu cơ quan chức năng xử lý kịp thời, chặt chẽ và quyết liệt thì mới hạn chế được tình trạng bỏ trốn.

Ông HOÀNG NHÂN CHÍNH, Trưởng ban Thư ký, Hội đồng Tư vấn du lịch VN:

Thanh tra du lịch thôi chưa đủ

Ông HOÀNG NHÂN CHÍNH

Để ngăn chặn tình trạng người Việt đi du lịch rồi bỏ trốn, tôi cho rằng cần phải có các quy định chế tài rõ ràng.

Từ đó để kiểm soát và xử phạt nặng các hành vi, các sự việc do doanh nghiệp du lịch gây ra mà làm tổn hại đến hình ảnh quốc gia, tổn hại đến uy tín của ngành du lịch.

Mặt khác, việc mở cửa để cho nhiều công ty được kinh doanh lữ hành là tốt nhưng việc kiểm soát họ làm đúng quy định mới là điều cốt lõi.

Nếu chỉ nghĩ đến thanh tra du lịch không thôi là chưa đủ, chế tài mà chỉ phạt tiền rồi cho tiếp tục hoạt động, hoặc đóng cửa công ty rồi họ lại thành lập công ty mới khác... là chưa đủ răn đe.

Ông HOÀNG ĐỨC HUY, Giám đốc Công ty Du lịch Transviet:

Có dấu hiệu “bán thị thực”

Ông HOÀNG ĐỨC HUY

Qua nhiều vụ việc khách Việt trốn khi du lịch cho thấy có dấu hiệu móc nối của các công ty đã được Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản… chỉ định, ủy thác làm thủ tục thị thực cho khách.

Theo đó, những công ty này có thể đã “bán thị thực” cho các đại lý hoặc công ty chưa đủ chức năng làm dịch vụ visa. Thậm chí có những công ty núp bóng là công ty lữ hành để móc nối làm xuất khẩu lao động.

Do đó, để không xảy ra tình trạng khách đi du lịch trốn lại cần có sự kiểm tra, thanh tra, xử lý mạnh tay từ cơ quan chức năng đối với những công ty hoạt động như trên.

Bên cạnh việc phạt nặng công ty đưa khách đi thì những người bỏ trốn sau khi bị bắt lại cũng phải bị phạt để răn đe. Qua đó để hình ảnh người Việt ở bên ngoài không bị những “con sâu” này làm xấu đi.

Trụ sở hai công ty đưa khách đi Đài Loan là nơi làm đẹp?

Tổng cục Du lịch vừa có công văn hỏa tốc yêu cầu Sở Du lịch TP Hà Nội kiểm tra hai công ty du lịch sau khi 152 du khách bỏ trốn tại Đài Loan. Cụ thể, hai đơn vị có trụ sở tại Hà Nội bị yêu cầu kiểm tra là Công ty TNHH Twin Bright (trụ sở chính: Xóm 7B, thôn Yên Ngưu, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội) và Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Golden Travel (trụ sở chính: 213 Lạc Long Quân, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội).

Ngày 27-12, chúng tôi đã tìm đến nơi đặt trụ sở của hai công ty này để tìm hiểu thông tin. Tuy nhiên, tại hai địa chỉ này đều không có biển hiệu hoặc tên doanh nghiệp như đăng ký. Theo đó, tại địa chỉ của Công ty TNHH Twin Bright chỉ có biển hiệu của một cơ sở... làm tóc. Đại diện Công an xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì cũng cho hay Twin Bright đã ngừng hoạt động 5-6 tháng trước. Tương tự, trụ sở Công ty Du lịch Golden Travel cũng chỉ là biển hiệu một cửa hàng thời trang và làm đẹp.

Trước đó, Thanh tra Sở Du lịch TP.HCM tạm giữ giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Công ty TNHH Thương mại Du lịch Kỳ Nghỉ Quốc Tế (phường 9, quận Gò Vấp, TP.HCM), đơn vị cung cấp dịch vụ visa cho 152 khách VN hiện mất tích tại Đài Loan.

VIẾT THỊNH - MINH PHẠM

Đã tìm ra nhiều du khách Việt bỏ trốn

Trang Taiwan News ngày 27-12 dẫn thông báo của Cục Di trú Đài Loan (NIA) cho biết 3/152 du khách Việt đã được tìm thấy chỉ một ngày sau khi cơ quan trên thành lập đội đặc nhiệm để tìm kiếm số người Việt này.

Ngoài ra, đội đặc nhiệm của Đài Loan cũng phát hiện một du khách Việt khác thực sự đã không bỏ trốn và ba người khác đã tự ý ra sân bay để trở về VN. Như vậy, hiện còn 145 người vẫn chưa lần ra tung tích và nhà chức trách Đài Loan sẽ tiếp tục tìm kiếm những người này.

Theo số liệu của Cục Du lịch Đài Loan, kể từ năm 2015, 414 du khách tới hòn đảo này theo dự án thí điểm visa Quan Hồng (du khách không cần phải chứng minh tài chính khi nộp hồ sơ xin cấp thị thực) đã mất tích. Trong đó có 409 trường hợp từ VN và năm trường hợp từ Campuchia.

Nghi bỏ trốn có tổ chức

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Xuân Tạo, Trưởng ban quản lý lao động của VN tại Đài Loan, cho hay: Chính sách tiếp nhận lao động của Đài Loan khá thoáng do nhu cầu thiếu hụt lao động từ các doanh nghiệp sở tại. Năm 2018, số lao động VN sang Đài Loan khoảng 65.000 người. Nhu cầu tiếp nhận lao động của Đài Loan gồm nhiều ngành nghề như thuyền viên, giúp việc gia đình, ngành công nghiệp.

Về vụ việc 152 khách du lịch khi sang Đài Loan “biến mất”, ông Tạo cho hay hiện ban chỉ quản lý những lao động sang Đài Loan theo dạng lao động. Tuy vậy, với vụ việc hơn 150 người bỏ trốn, ông Tạo đặt ra nhiều vấn đề nghi vấn bởi một số lượng lớn người bỏ trốn một cách nhanh chóng thì phải có tổ chức, phối hợp chặt chẽ chứ không phải tự phát. Đồng thời, công tác chuẩn bị số lượng người nhiều như vậy có thể phải chuẩn bị trong nước từ trước.

“Những người bỏ trốn có thể có vấn đề về nhập cảnh theo diện lao động nên mới chuyển sang hình thức du lịch để tính toán việc làm. Chỉ cần tìm đến địa chỉ gia đình các khách du lịch nói trên để hỏi thân nhân gia đình họ sẽ có câu trả lời những khách này sang Đài Loan để làm gì” - ông Tạo nói.

Ông Tạo cũng cho biết nếu những người này sang Đài Loan để làm việc thì họ vi phạm pháp luật sở tại, đồng thời người sử dụng lao động cũng vi phạm pháp luật nếu sử dụng số khách nói trên.

PHONG ĐIỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm