Chưa nên vội cấp phép thành lập ngân hàng mới

Sau một thời gian tạm dừng cấp phép thành lập ngân hàng thương mại cổ phần mới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đang lấy ý kiến để đưa ra quy định mới về việc cấp giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng thương mại cổ phần. 

Thời gian qua, các tập đoàn kinh tế lớn đua nhau mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực tài chính, ngân hàng khiến cho nguồn lực tài chính bị đầu tư dàn trải, phân tán, thậm chí bị thất thoát, lãng phí. Trong khi đó, nhiệm vụ chính được Chính phủ giao phó không được quan tâm đúng mức, không phát huy được hiệu quả đồng vốn đầu tư.

Tình trạng “ra cửa gặp ngân hàng” đang gây lãng phí cho nền kinh tế. Ông Trịnh Kim Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị ACB cho rằng: “Việc gia tăng số lượng ngân hàng sẽ làm cho thị trường tài chính - tiền tệ thêm nhiều bất ổn. Thay vì cạnh tranh bằng việc cải tiến, nâng cao chất lượng dịch vụ, các ngân hàng nhỏ mới ra đời lao vào cạnh tranh chỉ làm suy yếu hệ thống ngân hàng. Để giành lấy khách hàng, các ngân hàng nâng lãi suất vô tội vạ. Chưa kể, sự ra đời của các ngân hàng mới dễ dẫn đến một cuộc đua lôi kéo nhân sự cao cấp giữa các ngân hàng với nhau, gây mất ổn định hệ thống ngân hàng thương mại. Do vậy, hạn chế mở thêm nhiều ngân hàng mới là cần thiết, nhưng cần có những rào cản “thông minh”, tránh gây chồng chéo luật…”.

TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia phân tích: Những vụ đổ vỡ tín dụng ở nước ta trong 20 năm qua đã phản ánh đầy đủ tính đặc thù và loại hình kinh doanh đặc biệt của ngành ngân hàng.
 
Trong đó, cần xác định rõ 2 nguyên tắc quan trọng: Thứ nhất, ngân hàng là kinh doanh tiền của công chúng chứ không chỉ tiền của mình. Thứ hai, trong cạnh tranh doanh nghiệp, sự phá sản, đổ vỡ là quy luật, nhưng với ngành ngân hàng không được để ngân hàng đổ vỡ. Bởi nếu một ngân hàng “chết” sẽ kéo theo đổ vỡ cả hệ thống, ảnh hưởng đến nhiều ngân hàng khác. Thực tế, trong những năm qua, sự cạnh tranh trong ngành ngân hàng có xu hướng “cá bé nuốt cá lớn”. Đó là việc ngân hàng nhỏ làm “lao đao” ngân hàng lớn, thể hiện qua những cuộc đua tăng lãi suất của những ngân hàng nhỏ, buộc các ngân hàng lớn phải chạy theo để giữ chân khách hàng. Điều này cũng bắt nguồn từ nguyên nhân trong quá trình phát triển chúng ta quá dễ dãi trong việc cho ra đời các tổ chức tín dụng.

Hai điều kiện quan trọng đặt ra đối với thành lập mới ngân hàng là tính an toàn và con người. Người điều hành ngân hàng phải là người có năng lực, có khả năng quản trị để giúp ngân hàng vượt qua những rủi ro trong kinh doanh. Các doanh nghiệp góp vốn thành lập ngân hàng phải là những doanh nghiệp lớn, thành công trong hoạt động kinh doanh mới có khả năng hỗ trợ, giúp ngân hàng phát triển trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt. Trong khi đó, theo ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN Việt Nam, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, hệ thống ngân hàng nước ta còn kém về vốn và sức cạnh tranh, hạn chế về khả năng an toàn lẫn trang bị công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực. Đây là thời điểm các ngân hàng thương mại cần tập trung củng cố sức mạnh.

Hiện, số lượng ngân hàng nội địa lẫn chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở nước ta đã lên đến con số gần 100, nhiều hơn so với các nước trong khu vực. Vì vậy, TS Trần Du Lịch cho rằng thời gian tới không cần thiết mở thêm nhiều ngân hàng thương mại, mà nên theo xu hướng số lượng ít nhưng quy mô và chất lượng cao để bảo đảm an toàn hệ thống. Dự thảo cấp phép thành lập ngân hàng thương mại cổ phần quy định hạn chế việc ngân hàng tham gia góp vốn thành lập ngân hàng mới là hợp lý.

Các ngân hàng thương mại cổ phần nội địa trong thời gian tới nên tự nâng cao năng lực tài chính và tập trung vốn đầu tư vào hoạt động kinh doanh cốt lõi. Lộ trình đến cuối năm 2010, nếu ngân hàng thương mại cổ phần nào không tăng đủ vốn điều lệ lên 3.000 tỉ đồng, Chính phủ nên mạnh dạn xử lý.

Theo Phương Thảo (báo Thanh Tra)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm