“Cuộc chiến” thị trường hàng không nội địa

Sự cạnh tranh giữa các hãng hàng không nội địa đã đưa tới sự đa đạng của các tuyến bay, giờ bay, sự xuất hiện của các loại vé giá rẻ, phù hợp với túi tiền đại bộ phận dân chúng hơn. Người đi máy bay đã có nhiều hơn một sự lựa chọn và đã bắt đầu có quyền được cân nhắc, đòi hỏi.

Trần Hằng (Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, Hà Nội): Khi có những hãng hàng không cùng tham gia sẽ có sự cạnh tranh về vé và người tiêu dùng sẽ thuận tiện hơn. Khi đi du lịch, tôi sẽ tìm hiểu hãng nào rẻ nhất.

Nguyễn Huyền Trang (Công ty VietranTour, đại lý vé máy bay): Hiện giờ, khách hàng muốn có 4-5 hãng hàng không, chứ không phải là 1-2 hãng như hiện nay. Vì có nhiều hãng, họ sẽ có nhiều lựa chọn. Thực ra thị trường nội địa cũng mới có 2 hãng, nhưng cũng có một số yếu tố được cho là cạnh tranh. Ví dụ, khi Jestar đưa ra giá rẻ thì Vietnam Airline cũng xem xét tính toán đưa ra hệ thống vé giá rẻ.

“Cuộc chiến” thị trường hàng không nội địa ảnh 1

Đã có Vietnam Airline, Jestar Pacific, còn Indochina Airlines thì số phận chưa ngã ngũ, nhưng thời gian tới đây, hàng không Việt Nam hứa hẹn sẽ có sự góp mặt của nhiều hãng khác như VietJet Air, Mekong Air…

Tuy nhiên, nhiều hãng hàng không hơn chưa hẳn đã được lựa chọn tùy ý. Nhất là ở một số tuyến bay lẻ hiện mới chỉ có Vietnam Airlines khai thác thì giá vé vẫn cao và khả năng đáp ứng chỗ cũng hạn chế vì ít chuyến, máy bay nhỏ, nhu cầu đi lại của người dân chưa cao nên doanh nghiệp nhỏ không muốn khai thác, còn doanh nghiệp lớn không thể tăng chuyến.

Các hãng hàng không Việt Nam, dù lớn dù nhỏ cũng đã cảm nhận được sức ép cạnh tranh trên thị trường và đang từng bước thực thi các chiến lược để nâng cao sức cạnh tranh của mình.       

Bài toán cạnh tranh

Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) là hãng hàng không lớn và lâu đời nhất tại Việt Nam. Theo đại diện Vietnam Airlines, cơ quan quản lý nhà nước không nên cấp phép mở thêm các hãng hàng không khai thác các tuyến bay nội địa, vì theo kinh nghiệm trên thế giới, số lượng 7 hãng hàng không được cấp phép là quá đủ đối với thị trường Việt Nam. Nếu nhiều hơn, sẽ gây ảnh hưởng xấu tới cạnh tranh và chất lượng dịch vụ.

Ông Nguyễn Thượng Hoàng Hải, Trưởng ban tiếp thị và bán sản phẩm, Vietnam Airlines: Nếu mức cạnh tranh quá mạnh, các hãng cạnh tranh với nhau quá mạnh về giá thì các hãng lại thua lỗ, lại tiết kiệm chi phí và làm tất cả các công việc có thể ảnh hưởng đến an toàn hàng không. Cho nên, để duy trì cạnh tranh thì VNA cũng ủng hộ và cho đấy là cần thiết, nhưng ở mức độ nào, quy mô làm sao thì tôi cho rằng, các cơ quan quản lý phải tính để đảm bảo an toàn và lành mạnh cho thị trường hàng không VN.

Kinh nghiệm ở Indonesia họ phát triển tới 20 hãng hàng không. Chính vì số lượng lớn, cạnh tranh mạnh quá nên một số hãng đã phải phá sản hoặc sáp nhập. Quan trọng hơn là nó ảnh hưởng đến an toàn, dẫn đến những tai nạn hàng không. Vì thế, các hãng của Indonesia đã bị đưa vào black list, tức là danh sách các hãng cấm bay vào khu vực EU và như thế ảnh hưởng ngay đến các hãng của Indonesia.

Jetstar Pacific là hãng hàng không ra đời sau và có quy mô nhỏ hơn nhiều so với Vietnam Airlines. Theo logic, nếu cạnh tranh gay gắt hơn, thì các hãng nhỏ và mới như Jetstar Pacific sẽ khó khăn hơn so với Vietnam Airlines. Nhưng đại diện Jetstar Pacific lại cho rằng, tiềm năng của thị trường hàng không nội địa vẫn còn rất lớn, mức độ cạnh tranh chưa quá căng thẳng đến mức các hãng phải triệt tiêu nhau. Và việc hạn chế số lượng các hãng hàng không là không cần thiết.

Ông Lê Song Lai, Tổng giám đốc Jetstar Pacific: Trong điều kiện VN có dân số đông, mức sống của người dân ngày càng được cải thiện, thì nhu cầu đi lại của người dân ngày càng lớn. Và số lượng hàng không nhiều hay ít phụ thuộc vào năng lực triển khai của các hãng. Số lượng các hãng không lớn, nhưng có thể đội bay nhiều thì không nhất thiết phải có nhiều hãng mà quy mô lại nhỏ. Ở đây, chất lượng quan trọng hơn số lượng. Theo tôi không nên ấn định một số lượng cụ thể các hãng hàng không.

7 hãng hàng không được cấp phép chưa phải là nhiều. Đó cũng là quan điểm của đại diện hãng hàng không VietJet Air. VietJet Air được cấp giấy phép từ năm 2007 và dự kiến sẽ bay chuyến đầu tiên trong năm nay. Việt Nam có hơn 80 triệu dân, nhưng theo thống kê mới chỉ có 1% dân số đã từng đi máy bay. Lãnh đạo VietJet Air cho biết, họ có cơ sở để khẳng định là tiềm năng thị trường hiện vẫn còn rất lớn, đặc biệt là phân khúc thị trường hàng không giá rẻ.

Ông Nguyễn Đức Tâm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần hàng không VietJet: Kinh tế tốt, nguồn khách đi lại có, mức độ tăng trưởng sẽ rất cao. Trong khi đó các hãng hàng không thì chưa đáp ứng được nhu cầu. Vì thế, cạnh tranh theo ảnh hưởng đến nhau là có nhưng chưa đến mức gay gắt lắm. Thứ hai là, dân Việt Nam đông nhưng không giàu, nên nếu đi vào phân khúc thị trường hàng không giá rẻ thì chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội. Với 5-6 hãng hàng không mà dân số hơn 80 triệu thì chưa phải là nhiều.   

Thương quyền bay nội địa

Tại buổi lễ trao giấy phép vận chuyển hàng không cho VietJet Air vào năm 2007. VietJet Air cũng chính là hãng hàng không tư nhân đầu tiên tại VN được cấp phép. Nhưng do tác động của khủng hoảng kinh tế, thời điểm cất cánh của hãng này đã bị lùi lại.

Định hướng của VietJet Air tại thị trường hàng không nội địa là vận hành theo mô hình hàng không giá rẻ, cung cấp các chuyến bay chi phí thấp. Để thực hiện định hướng này, mới đây, VietJet Air đồng ý để AirAsia, hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Á đầu tư góp vốn vào VietJet Air với tỷ lệ 30%. Công ty đã lên kế hoạch bay chuyến đầu tiên trong năm nay với tên thương hiệu dự kiến là VietJet AirAsia.

Theo lãnh đạo công ty VietJet Air, sự tham gia của cổ đông AirAsia sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên và cho cạnh tranh trong ngành hàng không tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Đức Tâm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần hàng không VietJet: Khi chúng tôi có cổ đông mới mà cổ đông này lại có kinh nghiệm mà chúng tôi có thể học hỏi tận dụng thì nó sẽ làm cho sự ổn định và phát triển của chúng tôi thêm bền vững. Mà khi hãng hàng không ổn định phát triển tốt thì nó mới mang lại nhiều lợi ích cho hành khách, giá vé mới giảm xuống được , vì giá vé nó phụ thuộc vào quản lý. Nếu chúng ta quản lý tốt, giảm được chi phí thì giá mới có thể giảm. Khi đó hành khách đương nhiên được hưởng lợi.

VietJet Air không phải là hãng đầu tiên bán cổ phần cho hãng hàng không giá rẻ nước ngoài. Cách đây hơn 2 năm, Pacific Airlines cũng đã bán 30% cổ phần cho hãng Qantas của Australia và đổi tên thành Jetstar Pacific.

Theo đánh giá, việc hợp tác với hãng hàng không giá rẻ Qantas đã giúp cho Jetstar Pacific, tức là Pacific Airlines trước đó, phát triển mạnh mẽ và mang lại lợi ích cho người dân.

Ông Lê Song Lai, Tổng giám đốc Jetstar Pacific: Trước khi Quatas đầu tư vào Pacific Airlines, công ty chỉ có một đội bay gồm 3 máy bay thuê ướt, năng lực vận chuyển dưới 1 triệu lượt khách/năm. Nhưng chỉ sau hơn 2 năm đối tác nước ngoài đầu tư vào công ty thì đội bay đã tăng lên 6 chiếc, toàn bộ là thuê khô. Năng lực vận chuyển cũng tăng gấp đôi. Năm ngoái chúng tôi đã vận chuyển hơn 1,9 triệu lượt khách. Và rõ ràng là khi có đối tác nước ngoài vào thì chúng tôi đã xây dựng được chính sách giá cả theo mô hình hàng không giá rẻ và đưa dịch vụ hàng không vốn được coi là xa xỉ đến với nhiều người dân hơn. Như thế là người tiêu dùng có lợi.

Bắt đầu gần như từ con số 0, AirAsia trong 8 năm qua đã vươn lên thành hãng hàng không giá rẻ hàng đầu tại châu Á. Hiện AirAsia và các hãng thành viên đang khai thác hơn 130 đường bay đến hơn 70 điểm tại các thị trường Đông Nam Á, Trung Quốc, Australia, Ấn Độ và châu Âu.

Kinh nghiệm và năng lực của AirAsia là điều mà VietJet muốn tận dụng. Nhưng Vietnam Airlines, hãng hàng không quốc giaViệt Nam, lại coi việc AirAsia đầu tư vào VietJet sẽ ảnh hưởng lớn tới sự phát triển lành mạnh của thị trường hàng không Việt Nam.

Theo Vietnam Airlines, việc các hãng nước ngoài như AirAsia hay Qantas mua cổ phần của các hãng trong nước thực chất là hình thức “lách luật” để mua rẻ thương quyền bay nội địa, thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường hàng không Việt Nam. Vietnam Airlines cho rằng: Thương quyền vận chuyển hàng không nội địa là tài sản quốc gia, là vũ khí cạnh tranh của các hãng hàng không Việt Nam với các hãng nước ngoài. Do vậy, Vietnam Airlines đã đề nghị Thủ tướng chính phủ không thông qua việc hợp tác đầu tư của AirAsia vào VietJet Air dưới mọi hình thức.

Ông Nguyễn Thượng Hoàng Hải, Trưởng ban tiếp thị và bán sản phẩm, Vietnam Airlines: Nếu như có nhiều hãng hàng không lớn của nước ngoài tham gia vào thị trường VN, thì theo kinh nghiệm các nước, chưa có hãng hàng không quốc gia lớn nào bị sụp đổ, nhưng các hãng hàng không non trẻ khác sẽ bị ảnh hưởng rất nặng. Chúng ta đã có Jetstar là hãng hàng không giá rẻ rất lớn tham gia vào rồi, nếu có thêm AirAsia tham gia vào thì sẽ không còn cơ hội cho các nhà đầu tư VN cũng như là các hãng hàng không mới của VN.

E rằng, nó sẽ tạo ra thị trường cạnh tranh khônh lành mạnh, cá lớn nuốt cá bé. Các hãng hàng không lớn trên thế giới sẽ lấn át các hãng hàng không nhỏ của VN. VNA đương nhiên cũng bị ảnh hưởng nhưng như đã nói, các hãng hàng không quốc gia chưa hề bị phá sản do các hãng giá rẻ. Hơn nữa, VNA cũng đã có kinh nghiệm cạnh tranh với các hãng giá rẻ này. Nhưng các nhà đầu tư khác, các hãng nhỏ khác như Mekong Air hay VietAir sau này sẽ gặp rất nhiều khó khăn và gần như không còn cơ hội nữa, mà quyền lợi đó lại rơi hết vào các nhà đầu tư nước ngoài như AirAsia, như Jetstar trong khi cái quyền lợi này phải thuộc về các nhà đầu tư VN, của người VN.

Ông Nguyễn Đức Tâm, tổng giám đốc của VietJet Air đã từng giữ chức Phó Tổng giám đốc của Vietnam Airlines. Tuy nhiên, ông Tâm cho rằng, sự lo ngại của Vietnam Airlines về việc các hãng hàng không giá rẻ mua cổ phần trong nước là không cần thiết. Tuy có thêm cổ đông AirAsia, nhưng VietJet Air vẫn là công ty cổ phần chứ không trở thành hãng hàng không nước ngoài hay liên doanh. Và việc góp vốn của AirAsia là hoàn toàn phù hợp với luật pháp Việt Nam.

Những cái lo ngại ấy thì các cơ quan quản lý rồi luật pháp của chúng ta đã xem xét rất kỹ, có các điều kiện rất kỹ cho các hãng nước ngoài tham gia ở lĩnh vực nào, mức độ đến đâu. Và đó chính là luật. Luật hàng không dân dụng hay Nghị định 76 cho phép 1 đối tác nước ngoài được mua tối đa 30%, còn 2 đối tác thì có thể mua tới 49%. Đó là luật của VN. Cho nên việc người ta mua 30% chỉ là việc thay đổi cổ đông, và cái này chỉ cần HĐQT của công ty quyết định có thông qua hay không, chứ không có cái gì về luật pháp cả.

Ông Lê Song Lai, Tổng giám đốc Jetstar Pacific: Tôi không cho là có sự lách luật vì luật cho phép nhà đầu tư nước ngoài được nắm giữ tới 49% cổ phần của hãng hàng không trong nước. Còn 1 nhà đầu tư nước ngoài có thể nắm giữ tới 30%. Cho nên những gì các hãng làm, trong đó có Jetstar Pacific thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài hoàn toàn đúng luật. Sự tham gia này góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo ra chính sách giá cả hấp dẫn có thể chấp nhận được với quảng đại quần chúng và rõ ràng là với người tiêu dùng thì sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào các hãng trong nước là tích cực và cần được khuyến khích.

Vẫn còn những quan điểm khác nhau về sự hợp tác giữa VietJet Air và AirAsia hay Jetstar Pacific với Qantas. Nhưng theo thông tin mới nhất từ Bộ Giao thông vận tải, Bộ này vừa có văn bản báo cáo thủ tướng Chính phủ khẳng định: việc đầu tư của hãng hàng không giá rẻ AirAsia vào VietJet Air là hoàn toàn phù hợp với các quy định của luật pháp Việt Nam.      

Cạnh tranh lành mạnh?

Tháng 1/2009, Jetstar Pacific mở đường bay Hà Nội - Cần Thơ với giá vé 930.000 đồng/khách. Khi đó, giá vé của Vietnam Airlines trên tuyến này là 1.145.000 đồng, cao hơn vé của Jetstar Pacific 215.000 đồng. Nhưng ngay sau đó, Vietnam Airlines hạ giá vé xuống bằng của Jetstar Pacific. Đến lịch bay mùa hè, hãng này tiếp tục giảm giá xuống 780.000 và tăng tần suất lên 2 chuyến ngày.

Đến tháng 5/2009, sau 4 tháng hoạt động, Jetstar Pacific phải rút khỏi tuyến Hà Nội - Cần Thơ do không đủ sức cạnh tranh.

Ông Lê Song Lai, Tổng giám đốc Jetstar Pacific: Cách cạnh tranh đó rõ ràng không phải là điều các DN mới ra nhập thị trường mong muốn. Trong tương lai không nên tái diễn cách cạnh tranh như vậy bởi vì người thiệt hại lớn nhất chính là khách hàng. Trong một thị trường mà một DN lớn nắm giữ tới 70% thị phần thì cách hành xử của DN đó có ảnh hưởng rất lớn đến việc tạo dựng bầu không khí cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.

Chúng tôi xác định một khi đã ra nhập thị trường thì phải chấp nhận cạnh tranh. Nhưng cạnh tranh đó phải vì quyền lợi của khách hàng, để cùng tồn tại và phát triển chứ không phải đến nỗi một doanh nghiệp phải biến khỏi thị trường.

Có một thực tế không thể phủ nhận là trên những tuyến bay có nhiều hãng khai thác, hành khách được hưởng lợi nhiều hơn về giá vé do có sự cạnh tránh. Ví dụ: chặng TP.HCM – Đà Lạt, TP.HCM – Nha Trang hiện giá vé thấp nhất là 715.000 trở lên. Trong khi đó, chặng TP.HCM – Đà Nẵng khoảng cách gần gấp 2 lần, nhưng có Jetstar Pacific cùng khai thác thì giá vé chỉ từ 580.000 đồng.

Theo một số người trong cuộc, để có cạnh tranh bình đẳng mang lại lợi ích cho khách hàng, tình trạng nói trên phải thay đổi.

Ông Lê Song Lai, Tổng giám đốc Jetstar Pacific: Phải nhìn nhận theo hướng là làm sao các hãng hàng không đều có thể bay được tất cả các tuyến, qua đó giá vé người đi có thể chấp nhận được. Rõ ràng là nếu một tuyến chỉ có 1 doanh nghiệp duy nhất hoạt động thì sớm hay muộn thì người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng.

Đại diện Vietnam Airlines dù khẳng định không cạnh tranh về giá vé bằng mọi cách với các hãng khác, nhưng cũng không phủ nhận việc dùng bài toán giá để bảo vệ quyền lợi của mình.

Ông Nguyễn Thượng Hoàng Hải, Trưởng ban tiếp thị và bán sản phẩm, Vietnam Airlines: Ở đây phải nhìn rộng ra một chút. Với Jetstar Pacific thì không chỉ trên đường bay đến Cần Thơ, mà cả đường bay đến Nha Trang, đến Huế, thì cứ mùa cao điểm thì họ tham gia khai thác. Còn đến mùa thấp điểm thì họ lại rút đi. Còn chúng tôi thì phải đảm bảo giao thông công cộng, mùa cao điểm hay thấp điểm thì vẫn phải bay đều đặn. Để đảm bảo cái phần gọi là công cộng đó, thì khi chính sách nó ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác của chúng tôi thì chúng tôi buộc phải có hành động để bảo vệ quyền lợi của mình.

Theo một số ý kiến, các hãng hàng không mới khó có thể cạnh tranh bình đẳng với Vietnam Airlines nếu như hãng này sử dụng triệt để lợi thế của mình.

Ông Nguyễn Đức Tâm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần hàng không VietJet: Chưa có bình đẳng. Chỉ khi nào người đi máy bay có nhiều lựa chọn thì lúc đó mới có cạnh tranh bình đẳng. Còn bây giờ chỉ có ít hãng, có tình trạng gần như độc quyền thì tôi cho rằng chưa có cạnh tranh lành mạnh. Cũng giống như viễn thông thôi, khi chỉ có một hãng di động thì không thể nói đến cạnh tranh.

Vị trí chi phối của Vietnam Airlines là thực tế không thể phủ nhận. Vấn đề còn lại là cần có giải pháp gì để giúp cho thị trường hàng không nội địa thực sự cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo quyền lợi của các hãng hàng không nhỏ, các hãng mới ra đời cũng như quyền lợi của hành khách đi máy bay.      

Các giải pháp

Ông Lại Xuân Thanh, Cục phó Cục Hàng không Việt Nam – Bộ Giao thông vận tải: Hiện tại chúng ta có chính sách rất lớn là các công ty cảng sẽ phải phát triển dịch vụ hàng không của mình để tạo sự cạnh tranh. Nhưng tất nhiên ở đây không thể cạnh tranh tự do được, mà đó là cạnh tranh trong hàng rào khép kín trong sân bay…

Vừa rồi chúng ta có một chính sách lớn là cho phép đầu tư nước ngoài vào một hãng hàng không. Đó là một chính sách lớn, một chính sách mở. Nếu không thì sẽ khó nghĩ đến việc có một hãng hàng không nào đủ lớn để cạnh tranh trở lại với Vietnam Airline hoặc là hàng không nước ngoài. Chúng ta đã có một chính sách cho đầu tư nước ngoài, Trong chính sách đó thì chúng ta đã cho phép cả đầu tư nước ngoài vào một hãng hàng không? Điều này còn cần phải được bàn tới.

Ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương): Về mặt chủ trương, chính phủ cũng đã xác định cho phép không phải chỉ có một hãng hàng không, mà sẽ có nhiều hãng để tránh có một hãng độc quyền. Vấn đề là các hãng hàng không mới ra đời phải có một chiên lược kinh doanh rõ nét để nâng dần thị phần của mình lên. Nhưng hãng hàng không đã được cấp phép mà không có khả năng để hoạt động thì phải thu hồi giấy phép…

Mặt khác, dù muốn hay không thì chúng ta vẫn phải chấp nhận VNA vẫn là giữ vị trí thống lĩnh. Thế nên, để đảm bảo cạnh tranh công bằng thì Luật cạnh tranh cũng đã quy định là doanh nghiệp thống lĩnh không được phép có những hành vi áp đặt những điều kiện giao dịch, áp đặt giá bán hoặc ngăn cản những đối thủ khác tham gia thị trường. Mặt khác để kiểm soát các doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh, độc quyền, thì Luật canh tranh cũng quy định: Nhà nước sẽ kiểm soát thông qua việc quy định giá bán, giá mua của hàng hóa dịch vụ. Chính vì thế, hiện tại Bộ Tài chính đã quy định giá trần của các tuyến có nhiều hãng cùng khai thác.

Theo Trường Sơn - Diệu Trang (plo.vn)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm