Đằng sau vụ định giá bèo bọt hãng phim truyện Việt Nam

Những lùm xùm liên quan đến việc cổ phần hóa (CPH) Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) tiếp tục hâm nóng dư luận, mà gần đây nhất là sự lên tiếng của các nghệ sĩ và Chính phủ phải vào cuộc yêu cầu thanh tra toàn bộ quá trình CPH hãng phim trên.

Hai vấn đề nổi bật nhất vẫn chưa tìm được tiếng nói chung xoay quanh việc: Sử dụng khu đất vàng của hãng phim và định giá thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam lừng lẫy một thời với giá 0 đồng. Quan trọng hơn là quá trình CPH có kẽ hở gì mà định giá hãng phim này lại quá bèo bọt và khiến nhiều người bức xúc như vậy.

Bức xúc vì định giá quá bèo bọt

Nhiều ý kiến nhận định rằng nhà đầu tư tham gia CPH hãng phim này chẳng qua là để thâu tóm những khu đất vàng chứ không thích làm phim. Bởi mặc dù làm ăn thua lỗ nhưng VFS lại đang được thuê đất của Nhà nước ở những vị trí đắc địa.

Nghi ngờ trên là có lý do. Theo nhiều nghệ sĩ, Tổng Công ty Vận tải thủy (Vivaso) đã hoàn tất quá trình mua lại VFS vào tháng 6-2017. Tổng công ty này chỉ bỏ ra 32,5 tỉ đồng đã chiếm 65% tổng giá trị doanh nghiệp, trở thành cổ đông chính, cổ đông chiến lược sau khi VFS trở thành công ty cổ phần.

Theo các nghệ sĩ, chỉ sau hai tháng CPH, hoạt động của VFS đã không đúng như cam kết. Ví dụ Vivaso không trả lương đầy đủ cho nhân viên, không có dự án phim truyện, không đầu tư vào lĩnh vực hoạt động chính... “Chưa có cuộc CPH nào lại đẫm nước mắt và nhục nhã như cuộc CPH tại Hãng phim truyện Việt Nam” - đạo diễn Quốc Tuấn khi tiếp xúc với báo chí ngày 21-9 than thở.

Đáng chú ý, khi trở thành đơn vị chủ quản tại VFS đồng nghĩa Vivaso sẽ trở thành chủ nhân mới của bốn mảnh đất vàng mà VFS đang thuê lại của Nhà nước. Trong đó mảnh đất vàng được chú ý nhất là khu đất rộng 5.450 m2 tại số 4 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Theo ghi nhận thực tế và tính toán từ các chuyên gia, nếu tính theo mức giá 150 triệu đồng/m2 đất mặt đường Thụy Khuê thì chỉ riêng khu đất này có giá trị lên tới hơn 820 tỉ đồng. Một khu đất khác hiện cũng được VFS thuê lại của Nhà nước, rộng 1.200 m2 tại quận 1, TP.HCM.

Ngoài hai khu đất đi thuê, hai khu đất khác thuộc quyền sử dụng của VFS là khu đất rộng hơn 900 m2 tại 151 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội (dùng làm khu chứa đạo cụ, đoàn xe) và khu đất gần 6.400 m2 tại Đông Anh (làm nơi để vật liệu nổ, đạo cụ, trường quay phim).

Riêng khu đất tại Hoàng Hoa Thám, nếu tính theo giá thị trường hiện tại rẻ nhất là 135 triệu đồng/m2 thì có giá lên tới 121 tỉ đồng. Còn khu đất tại Đông Anh có giá trị ít nhất là 160 tỉ đồng.

Chuyện cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam thành điểm nóng dư luận. Trong ảnh: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến thăm, làm việc tại  Hãng phim truyện Việt Nam tại số 4 Thụy Khuê, Hà Nội. Ảnh: VFS

“Làm đúng quy định”

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái đã trao đổi với báo chí: “Dư luận có nói là Bộ bán hãng phim này chỉ ba mươi mấy tỉ đồng trong khi giá trị thị trường là mấy nghìn tỉ đồng (có ý kiến nhận định giá trị của hãng phim là hơn 2.000 tỉ đồng - PV) nhưng thực chất không phải vậy”.

Ông Ái cũng khẳng định việc CPH VFS được làm đúng thủ tục, trình tự pháp luật của Nhà nước. Cụ thể, khi tiến hành CPH đã xin ý kiến của nhiều bộ, ngành liên quan; thực hiện theo đúng Nghị định 59 và xin ý kiến của Bộ Tài chính. “Tức là khi tiến hành CPH, nếu đất đó là thuê của Nhà nước thì không được tính vào giá trị của doanh nghiệp khi CPH” - ông Huỳnh Vĩnh Ái giải thích thêm.

Liên quan đến giá trị thương hiệu hãng phim được định giá chỉ 0 đồng, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái lý giải: “Trong quá trình xác định lợi thế kinh doanh, đơn vị tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp thực hiện đúng theo Nghị định 59 và Thông tư 127/1014 của Bộ Tài chính.

Sau đó, Thủ tướng đề nghị tính thêm giá trị thương hiệu liên quan đến lịch sử, truyền thống… nên chúng tôi mới gửi công văn đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ - cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ và Bộ Tài chính cho phương án về cách tính này. Hai đơn vị trên chưa có văn bản nào tính được giá trị liên quan đến văn hóa lịch sử truyền thống”.

Nói thêm về vấn đề này, ông Trần Hoàng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính Bộ VH-TT&DL, cho hay: “Chúng tôi cũng học tập kinh nghiệm của nước ngoài, tuy nhiên rất khó áp dụng cho quy định hiện hành của Việt Nam. Chúng tôi sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và xin phương án chỉ đạo”.

Điều này cũng có nghĩa cho đến thời điểm hiện tại, mồ hôi, công sức, tài năng, chất xám… của bao thế hệ nghệ sĩ gắn bó để xây dựng nên thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam bị trả về con số 0 tròn trĩnh.

Nghệ sĩ Quốc Tuấn phát biểu tại buổi làm việc giữa lãnh đạo Tổng công ty Vận tải thủy Vivaso với các nghệ sĩ đang làm việc tại hãng Phim truyện Việt Nam 

Kiểm tra những khu đất vàng, kim cương

Bình luận về vụ việc CPH hãng phim trên, TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, nói: “Việc định giá thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam với giá 0 đồng là điều không chấp nhận được. Tôi không hiểu hội đồng thẩm định nào lại đưa ra giá 0 đồng như vậy, dựa trên căn cứ nào? Một hãng phim tồn tại chừng ấy năm và mang dấu ấn văn hóa lịch sử lại có giá bèo như thế. Tôi hy vọng sau khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc sẽ làm rõ vấn đề này”.

Tuy vậy, TS Lê Đăng Doanh cho rằng riêng miếng đất 5.500 m2 bên cạnh Hồ Tây là sở hữu toàn dân, không phải của hãng phim truyện mà hãng phim chỉ thuê đất hằng năm. Khi CPH không thể tính tài sản đó vào tài sản của xưởng phim truyện được mà phải có chính sách phân biệt và tách ra.

Chính phủ vào cuộc

Chiều 21-9, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì buổi làm việc về vấn đề CPH Hãng phim truyện Việt Nam. “Tôi đề nghị thanh tra lại toàn bộ quá trình CPH. Tất cả phải minh bạch” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo.

Tùy theo từng mục đích, nếu người thuê sử dụng đất vào mục đích kinh doanh phim ảnh thì có thể duy trì theo khung giá thuê đối với VFS thuê trước đây. Còn nếu sử dụng miếng đất vào mục đích kinh doanh bất động sản thì phải có sự chấp thuận của Nhà nước và khi đó giá thuê sẽ khác. Tuy nhiên, để làm rõ Vivaso sẽ sử dụng miếng đất đó vào mục đích gì cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.

Có thực tế là nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) khi CPH đã có các đại gia bất động sản nhảy vào không phải để kinh doanh ngành nghề của DN được CPH đó, mà chủ yếu là thâu tóm đất xây trung tâm thương mại và cho thuê lại 50 năm. Họ sẽ ăn chênh lệch giá từ việc cho thuê lại này. Điều này không khác nào bán đứng đất vàng cho nhóm lợi ích.

Mấu chốt của vấn đề đất thuê là sau CPH, chủ sở hữu mới thường tìm mọi cách để chuyển đổi mục đích quyền sử dụng đất mà họ ký hợp đồng tiếp tục thuê với Nhà nước. Sự thất thoát tài sản nhà nước chính ở việc chuyển đổi mục đích quyền sử dụng đất này.

“Do đó từ vụ việc liên quan đến VFS, các cơ quan chức năng liên quan cần phải xem xét, kiểm tra lại tất cả khu đất vàng, đất kim cương của DNNN đã CPH. Nếu không có sự kiểm soát một cách chặt chẽ những tài sản này sẽ gây thất thoát tài sản vô cùng lớn của Nhà nước” - TS Lê Đăng Doanh đề nghị.

Thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam được định gái 0 đồng

Phải tính đủ các giá trị

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN Bộ Tài chính, các DN đặc thù như sở hữu trí tuệ hay làm phim không thể chỉ sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền để xác định giá trị DN. Bởi đặc thù giá trị tinh thần và phát triển trong tương lai, giá trị các DN này cao hơn giá trị sổ sách. Kể cả có DN đang thua lỗ nhưng vẫn còn tiềm năng trong tương lai. Vì vậy khi xác định giá trị để CPH phải tính đủ các giá trị đó cho họ.

Còn theo quy định tại khoản 7 Điều 18 Thông tư 127/2014 của Bộ Tài chính thì giá trị lợi thế kinh doanh được tính vào giá trị DN gồm giá trị thương hiệu, tiềm năng phát triển. Giá trị lợi thế kinh doanh tính vào giá trị DN CPH là tiềm năng phát triển của DN, được đánh giá trên cơ sở khả năng sinh lời của DN trong tương lai khi so sánh tỉ suất lợi nhuận của DN với lãi suất trái phiếu chính phủ.

Phơi bày nhiều góc khuất

Tại buổi họp báo về tình hình CPH ngày 27-9, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN Bộ Tài chính, cũng thừa nhận từ câu chuyện CPH tại VFS đã “phơi bày nhiều góc khuất trong quá trình CPH DNNN”. Từ vấn đề trong quy định tiêu chí lựa chọn cổ đông chiến lược, xác định giá trị tài sản vô hình cho tới xử lý đất đai và xác định quyền sử dụng đất trong cách định giá DN.

Từ thực tế trên, đại diện Bộ Tài chính cho hay tới đây Luật Quản lý tài sản công sẽ quản lý chặt chẽ hơn những loại tài sản này. Trong đó có việc sắp xếp lại danh mục đất đai, bất động sản thuộc quyền quản lý và sử dụng trước khi CPH. Sau đó xem xét mục đích sử dụng để có phương án đánh giá, tránh những trường hợp thiếu sót trong quá trình định giá DN.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm