Đầu tư môi trường tạo lợi thế kinh doanh

Nhân dịp tới giảng dạy ở Việt Nam, giáo sư Mills chia sẻ về sự khác biệt trong phong cách lãnh đạo và vai trò của lãnh đạo trong quản trị sự thay đổi, một bài toán lớn trong điều kiện kinh doanh có nhiều biến động như hiện nay.

Theo ông, có sự khác biệt lớn nào giữa phong cách lãnh đạo phương Đông và phương Tây?

Ở cả châu Á và phương Tây bạn đều có thể nhận thấy những phong cách điều hành tương tự nhau, tuy nhiên sự khác biệt được phản ảnh rõ nét ở những khác nhau về văn hoá và hệ thống kinh tế. Các nhà lãnh đạo phương Tây vốn mang tính khẳng định mạnh mẽ hơn, tận dụng triệt để năng lực cá nhân để thúc đẩy người khác; trong khi những nhà lãnh đạo phương Đông lại hiệu quả trong việc tạo ra và tận dụng những ảnh hưởng văn hoá và tổ chức. Do ít chịu ảnh hưởng bởi sự tự quyết cá nhân hơn nên trong thời kỳ khủng hoảng, những nhà lãnh đạo phương Đông có khả năng đánh giá và điều chỉnh sao cho thích hợp với những điều kiện hiện tại tốt hơn các nhà lãnh đạo phương Tây.

Một nhà lãnh đạo chịu áp lực thế nào về quản trị sự thay đổi? Liệu có sự khác biệt nào giữa phong cách lãnh đạo phương Đông và phương Tây trong việc đối diện và giải quyết áp lực này?

Thay đổi, bản thân nó, không phải là sự kết thúc trong một tổ chức doanh nghiệp. Quản lý sự thay đổi là cần thiết khi tổ chức không còn phát triển/kinh doanh thành công với các phương thức kinh doanh truyền thống vốn có. Khả năng dẫn dắt những thay đổi này một cách hiệu quả ở bất cứ cấp độ nào trong tổ chức thực sự là một thách thức không nhỏ.

Ngày nay, ở các nước phương Tây, những thay đổi lớn thường được xây dựng dựa trên các cải cách công nghệ hàng đầu – điều đó có nghĩa là một thay đổi trong công nghệ cũng được sử dụng như một cơ hội để thay đổi cả tổ chức. Ở phương Đông, điều này không phổ biến bằng; một phần là nhờ thái độ của người dân ở các nước này; họ xem bản thân sự thay đổi là một yếu tố tích cực giúp đất nước ngày càng phát triển và hiện đại hoá. Vì vậy ở nơi đây, các nhà lãnh đạo có thể xây dựng một thái độ tích cực hơn đối với sự thay đổi. Thách thức lớn ở phương Đông là hiện đại hoá các mối quan hệ xã hội giữa con người với nhau – điều mà các nước phương Tây đã làm được từ một vài thập kỷ trước.

Người lãnh đạo nên giải quyết thế nào về mâu thuẫn giữa đòi hỏi chính đáng về lợi nhuận của cổ đông trong ngắn hạn và mục tiêu dài hạn thể hiện qua tầm nhìn và sứ mệnh của doanh nghiệp?

Đây là thách thức quan trọng và cơ bản với mọi nhà lãnh đạo ở doanh nghiệp. Một nhà lãnh đạo doanh nghiệp thành công phải tạo ra lợi nhuận trước mắt cũng như các khoản đầu tư lâu dài để qua đó công ty có thể thay đổi và phát triển. Không chỉ có tầm nhìn và nhiệm vụ của doanh nghiệp mới định hướng các mục tiêu dài hạn của công ty mà trong thực tế, sự trường tồn của tổ chức doanh nghiệp được xây từ lợi nhuận trong ngắn hạn để từ đó thu hút các nhà đầu tư tham gia các kế hoạch lâu dài. Với cách hiểu này, không có sự xung đột giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Vì vậy, một nhà lãnh đạo doanh nghiệp thành công là tìm ra được những trường hợp/cơ hội quản lý công ty mà trong đó các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn nhất quán với nhau, hỗ trợ lẫn nhau.

Dường như, người lãnh đạo càng ngày càng chịu thêm nhiều áp lực, từ cổ đông, từ hội đồng quản trị và gần đây là áp lực xã hội về vai trò công dân của doanh nghiệp. Làm thế nào để cân bằng các áp lực đó mà không phải thoả hiệp gì?

Các mối quan tâm về môi trường, hệ sinh thái và xã hội là những mối bận tâm đặc biệt quan trọng ở châu Á – nơi chúng có thể bị gạt sang một bên trong dòng xoáy phát triển kinh tế. Ở góc độ phát triển bền vững, người lãnh đạo chú tâm tới phát triển kinh tế tất sẽ không để quá trình này gây hại cho môi trường sinh thái. Khi nảy sinh mâu thuẫn trực tiếp giữa mục tiêu kinh tế và môi trường – xã hội, doanh nghiệp có thể chấp nhận chi phí cao hơn để môi trường được bảo vệ. Điều này, là một cách đầu tư tạo ra lợi thế về marketing và kinh doanh của doanh nghiệp từ hành động thiết thực của họ.

Theo Quốc Khánh  ( SGTT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm