Đừng đẩy thiệt thòi cho người nộp thuế

Mới đây nhất, Cục Thuế TP.HCM đã công bố danh sách 54 DN còn nợ tiền thuế đợt 1-2016 với tổng số tiền nợ thuế gần 548 tỉ đồng.

Tuy nhiên, đọc danh sách DN nợ thuế (công khai trên mạng) mọi người không thể biết được nguyên nhân vì sao các DN này nợ thuế; DN không có khả năng nộp thuế hay có tiền mà không chịu nộp?...

Một trong những lý do chính khiến cơ quan thuế bêu tên DN là muốn họ nộp thuế. Vậy biện pháp này có phát huy tác dụng? Một cục phó Cục Thuế TP.HCM thừa nhận các DN từng bị bêu tên qua mấy kỳ vừa rồi đều không có khả năng nộp thuế. Sau khi bị bêu, có DN bán được dự án và quay lại nộp thuế nhưng rất hiếm.

Trước đây, khi DN có vi phạm thì sẽ bị đình chỉ sử dụng hóa đơn. Sau đó các DN than rằng gặp khó khăn mới nợ thuế, nợ nhưng vẫn còn quẫy cựa được, trong khi bị đình chỉ hóa đơn thì có khác gì cấm kinh doanh. Vòng luẩn quẩn này khiến DN từ nợ thuế đi đến các nợ nần khác và “chết”.

Do đó, gần đây chính cơ quan thuế cũng đưa ra các dự thảo theo hướng cho phép DN nợ thuế, bị cưỡng chế hóa đơn vẫn có thể xin sử dụng hóa đơn kiểu “nhỏ giọt”. Như vậy Nhà nước không thất thoát thêm thuế mà DN cũng còn đường để xoay xở.

Từ đó cho thấy việc áp dụng biện pháp bêu tên cũng cần được Bộ Tài chính đánh giá lại. Nếu DN vì rủi ro kinh doanh, vì khó khăn chung của nền kinh tế, thiên tai... mà thua lỗ, mất mát, không còn tiền để nộp thuế thì đã là một gánh nặng cho chính các chủ DN, cho xã hội. Trong trường hợp này bêu tên DN có hợp lý, hợp tình? Điều này cần phải được xem xét, cân nhắc.

Không chỉ vậy, thời gian qua các DN rất bức xúc vì bị đối xử bất bình đẳng. Chẳng hạn khi DN nợ thuế thì ngoài việc phải trả lãi do chậm nộp còn bị cưỡng chế, bêu tên. Ngược lại khi cơ quan thuế nợ tiền hoàn thuế, tức chiếm dụng vốn của DN thì không phải bồi thường, không phải trả đồng lãi nào và cũng không phải chịu trách nhiệm gì.

Cơ quan thuế phải đồng hành cùng DN, đừng luôn đẩy cái khó, cái thiệt thòi về phía DN!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm