Giải quyết thủ tục nhanh, chậm: Vẫn nặng ở… phong bì!

Các doanh nghiệp (DN), chuyên gia đã kể những câu chuyện thực tại hội thảo đánh giá về chất lượng cắt giảm điều kiện kinh doanh diễn ra ngày 14-11.

Bỗng nhiên thấy trống vắng vì mất quyền lực

“Một số DN nói với tôi điều kiện kinh doanh (ĐKKD) đã giảm đi, việc thực hiện các thủ tục qua mạng đã dễ dàng hơn. Nhưng khâu cuối cùng dứt khoát phải tiếp cận cán bộ, nghĩa là thủ tục hành chính dù đơn giản thế nào cũng cố giữ lại khâu gặp trực tiếp giữa DN và cán bộ” - chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói.

Chính vì vậy, theo TS Doanh, các DN vẫn phản ánh với ông: “Nếu phong bì nhẹ thì ba tháng thủ tục mới xong, nếu phong bì đủ nặng thì chiều đến lấy ngay. Các DN còn nói chi phí tăng lên có khi tới 500%. Trước kia chúng em thuộc loại nhà nghèo, đưa 200.000 đến 500.000 đồng sẽ được cán bộ giải quyết hoàn thiện một thủ tục nhưng giờ mức ấy không ăn thua”.

Vị chuyên gia kinh tế này đặt vấn đề rằng: Với các chi phí như vậy thì liệu DN có cạnh tranh trước sức ép hội nhập khi sản phẩm, dịch vụ từ bên ngoài tràn vào hay không. “Nhiều khi chỉ sai một dấu phẩy đủ khiến nhà kinh doanh mất chi phí, cơ hội kinh doanh. Thậm chí chỉ có nước phá sản!” - ông Doanh nói.

TS Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cũng đề cập tới những điều kiện vô lý như yêu cầu cấp chứng chỉ này, chứng kia khiến DN phải cử nhân viên đi học lấy chứng chỉ cho có lệ. Thậm chí nhiều công ty cho biết nhân viên của họ đến lớp có nhiệm vụ… dẫn thầy đi nhậu và nộp tiền lấy chứng chỉ!

Ông Tuấn lấy chính câu chuyện của… bà xã ra để kể. “Bà xã tôi đi dạy Yoga, có những tổ chức quốc tế đã cấp chứng chỉ. Thế nhưng vẫn bị yêu cầu phải đi học chứng chỉ kiểu rất hình thức. Chủ yếu đến lớp để đọc tài liệu, rồi nộp tiền lấy chứng chỉ” - ông Tuấn cho biết.

Cũng theo ông Tuấn, tuy công nhận có một số điều chỉnh rất tiến bộ như bãi bỏ quy hoạch kinh doanh xăng dầu nhưng nhiều Sở Công Thương các tỉnh cho biết họ cảm thấy trống vắng sau khi quy định này bị khai tử.

“Tôi đi tỉnh, thấy nhiều Sở Công Thương không quen với việc bãi bỏ này. Trước đây rất quyền lực trong việc bàn chuyện quy hoạch các cây xăng nhưng giờ họ không có quyền đó nữa, đâm ra thấy trống vắng. Họ vẫn đòi phải có ý kiến và nói lên trên là tại sao lại bỏ thế” - ông Tuấn nói.

TS Phan Đức Hiếu: Có những quy định bộ này bỏ nhưng bộ khác lại… bổ sung vào quy định mới (ảnh trái). TS Đậu Anh Tuấn: Sau khi khai tử giấy phép con, có cán bộ thấy trống vắng vì mất quyền lực. Ảnh: CHÂN LUẬN

Rất gian khổ

Trình bày sơ bộ về kết quả rà soát, đánh giá việc cắt giảm ĐKKD, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho hay: Đến nay các ĐKKD thực sự được bãi bỏ chỉ là 771, trong khi đó có 29 ĐKKD phát sinh. Nếu tính tổng số các ĐKKD hiện hành thì việc cắt giảm là không đạt 50% như yêu cầu của Chính phủ.

Điểm ra một số ĐKKD có tác động lớn đến thị trường, ông Hiếu kể ra một số ĐKKD về gas trong Nghị định 87/2018, hay một số ĐKKD đã quy định về số lượng nhân sự của ngành nghề đã rút cực gọn.

Tuy vậy, theo ông Hiếu, vẫn có những sự cắt giảm chẳng mang lại tác động gì. Chẳng hạn như quy định “có năng lực hành vi dân sự đầy đủ”, hay việc sửa đổi các quy định yêu cầu nhân sự có kinh nghiệm 36 tháng thì được giảm xuống còn… 30 tháng. Đặc biệt, có những quy định được bổ sung gây khó khăn cho DN.

“Có một điều rất đáng quan ngại. Đó là trong khi có những bộ cắt giảm ĐKKD thì những ĐKKD bị cắt giảm ấy lại được bộ khác đưa vào” - ông Hiếu nói. Ông lấy ví dụ về một số quy định trong Nghị định 49/2018, quy định về yêu cầu kiểm định chất lượng giáo dục. Theo ông, nghị định này yêu cầu cơ sở kiểm định chất lượng giáo dục phải có ít nhất 10 kiểm định viên, có trụ sở ổn định hai năm, có phòng làm việc cho mỗi kiểm định viên tối thiểu 8 m2

Chỉ ra số lượng DN đăng ký tăng 28% nhưng số lượng đóng cửa tăng đến 47%, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đánh giá môi trường kinh doanh thực sự có vấn đề. Trong khi cuộc chiến cắt giảm ĐKKD là gian khổ. Bởi thời Thủ tướng Phan Văn Khải cắt giảm hơn nửa trong số gần 500 ĐKKD cũng đã rất gian nan rồi.

“Có luật sư chuyên hỗ trợ DN nói với tôi, ĐKKD hiện nay có tới 7.000 chứ không phải 5.000 hay 3.000 như ta đang thấy. Vì vậy, cuộc chiến này vẫn rất khẩn thiết” - TS Doanh nói.

Cần một tư duy mới

TS Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhận xét hiện nay tư duy nhà nước can thiệp vẫn phổ biến: Nhà nước quản lý, nhà nước khôn hơn thị trường. Vai trò của hội, tổ chức bên ngoài còn yếu. Do đó phải có một quy trình ban hành, kiểm soát văn bản mới.

“Chẳng hạn như phải đặt ra điều kiện mới phải có thẩm định tác động về kinh tế. DN lớn sáp nhập còn phải làm thủ tục về đánh giá hạn chế cạnh tranh. Trong khi đó, một quy định tác động đến cả ngành hàng, tác động đến cạnh tranh rất lớn lại không chịu thẩm định chặt chẽ” - ông Tuấn cho biết.

Ở góc độ khác, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thì cho rằng cần phải có cơ chế để bộ trưởng có thể thay thế những người làm việc không hiệu quả để tạo sức ép thực sự. “Muốn vậy thì phải có thước đo đánh giá sự khác biệt ai làm được, ai không làm được, ai làm được tới đâu” – ông Cung nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm