Hồi hộp với chuyển mạng giữ nguyên số điện thoại

Theo lộ trình của Bộ TT&TT, đến ngày 31-12-2017 việc triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ số di động cho người dùng sẽ được tất cả nhà mạng áp dụng chính thức. Đây là dịch vụ cho phép các thuê bao di động chuyển từ mạng này sang mạng khác, song số điện thoại của chủ thuê bao vẫn được giữ nguyên.

Thời điểm chuyển mạng giữ nguyên số đã rất gần nhưng nhiều người vẫn băn khoăn về sự được, mất của dịch vụ có ảnh hưởng đến số đông này.

Nhà mạng: Người dùng được lợi

Tại cuộc họp giao ban của Bộ TT&TT ngày 2-10, ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông, cho biết đang phối hợp với các nhà mạng lên kế hoạch chi tiết cho việc thử tải thật đối với chuyển mạng giữ nguyên số. Dự kiến ngày 15-12 sẽ chính thức thử tải, tức là nửa tháng trước khi bắt đầu triển khai chính thức từ đầu năm 2018.

Phó Tổng Giám đốc Viettel, ông Hoàng Sơn, cũng cho hay nhà mạng này đã cùng Cục Viễn thông thử nghiệm kỹ thuật và đang giải quyết các tồn tại phát sinh, sau đó lên kế hoạch thử kỹ thuật liên mạng với các nhà mạng khác.

“Với kinh nghiệm đã triển khai chuyển mạng giữ số ở những thị trường nước ngoài mà Viettel đầu tư, chúng tôi sẽ hỗ trợ tối đa Cục Viễn thông và các mạng khác” - ông Sơn cam kết.

Với MobiFone, ngoài các bước thử nghiệm về mặt kỹ thuật theo quy trình, đại diện nhà mạng này cho hay cũng đã chuẩn bị sẵn sàng về dịch vụ và chăm sóc khách hàng trên toàn quốc.

Đại diện các nhà mạng đều khẳng định đây là dịch vụ mang lại nhiều lợi ích cho người dùng. Bởi dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số cho phép thuê bao đang sử dụng ở mạng này nếu thấy mạng khác có dịch vụ hấp dẫn hơn, chất lượng dịch vụ, phủ sóng tốt hơn thì có thể chuyển sang làm thuê bao mới mà vẫn giữ nguyên số điện thoại.

Tương tự, đại diện Cục Viễn thông cũng nhận định khi triển khai chuyển mạng giữ nguyên số sẽ thúc đẩy tính cạnh tranh của thị trường viễn thông, bảo vệ người dùng. Ví dụ, người di chuyển hay phải đi công tác ở các tỉnh sẽ ưu tiên chọn mạng có vùng phủ sóng rộng, chất lượng tốt.

Điều này buộc các nhà cung cấp dịch vụ phải đưa tiêu chí chất lượng và công tác chăm sóc khách hàng lên hàng đầu. Khi các nhà mạng cùng cạnh tranh lành mạnh thì khách hàng là người hưởng lợi nhất.

Khách hàng lo lắng phải trả chi phí cao hơn khi đổi sang nhà mạng khác. Ảnh: HTD

Khách hàng: Lo phải trả thêm phí

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều câu hỏi khiến người dùng lo ngại khi chính sách chuyển mạng giữ nguyên số được triển khai thực tế. Chính vì vậy không phải ai cũng hào hứng với chuyển mạng vẫn giữ nguyên số. Chị Huỳnh Thị Lộc, nhân viên kinh doanh của một công ty tại quận Phú Nhuận, TP.HCM, cho biết công ty cố gắng hạn chế tối đa chi phí liên lạc.

“Sếp giao cho nhân viên có trách nhiệm nhận biết khách hàng sử dụng SIM nhà mạng nào để gọi có lợi nhất. Ví dụ, tôi dùng gói cước C149 với chi phí khoảng 250.000 đồng/tháng của MobiFone. Gói này có thể gọi miễn phí trong mạng VinaPhone, MobiFone đến 700 phút.

Khi khách dùng SIM Mobi, Vina thì mình dùng SIM Mobi này để gọi. Khách dùng mạng Viettel thì mình lấy SIM Viettel gọi cho khách, miễn phí gọi nội mạng Viettel mỗi 10 phút/cuộc gọi… Nói chung là có khá nhiều gói cước và cách tiết kiệm chi phí. Trong đó yếu tố quan trọng nhất là nhận biết SIM nhà mạng nào để gọi nội mạng miễn phí, tránh gọi ngoại mạng chi phí cước cao” - chị Lộc chia sẻ.

Vì vậy, khi nghe thông tin chuyển nhà mạng giữ nguyên số, chị Lộc khá lo lắng. Bởi nếu khách chuyển nhà mạng, nhìn đầu số cứ tưởng vẫn là số MobiFone nhưng thực chất là đã dùng mạng Viettel.

“Như vậy nếu mình dùng SIM Mobi gọi cho khách, thay vì được miễn phí hoặc cao lắm là trả phí nội mạng, thì mình mất phần lợi miễn phí, lại phải trả tiền ngoại mạng cao hơn. Đó là chưa kể trong thời gian chuyển đổi liệu có bị gián đoạn liên lạc hay không” - chị Lộc dẫn chứng.

Nhà mạng phải gia tăng đầu tư chi phí khi triển khai chủ trương chuyển mạng giữ nguyên số. Để lợi nhuận không giảm, nhà mạng phải tính các chi phí này vào giá cước. Như vậy giá cước có thể sẽ tăng lên hoặc người dùng có thể sẽ bị nhà mạng cắt giảm những quyền lợi như khuyến mãi, chăm sóc khách hàng. 

Anh TRẦN MINH TUẤNquận Tân Bình, TP.HCM

Không riêng chị Lộc, nhiều người kinh doanh khác cũng lo lắng tương tự. “Thực tế cho thấy mức cước ngoại mạng thường cao hơn 100-200 đồng/phút so với nội mạng. Mỗi ngày chỉ cần tốn thêm 10.000 đồng cho cước chênh lệch ngoại mạng, tính ra mỗi tháng phải gánh thêm 300.000 đồng chi phí điện thoại/nhân viên kinh doanh. Chi phí này không nhỏ đối với một công ty.

Do vậy nhà mạng cần hỗ trợ khách hàng nhận biết SIM đang dùng dịch vụ nhà mạng nào để người gọi, nhất là người kinh doanh, không bị tăng chi phí liên lạc” - đại diện một doanh nghiệp đề nghị.

Các nhà mạng chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật cho chuyển mạng giữ số. 

Trước nhiều thắc mắc của khách hàng, đại diện các nhà mạng cho biết đang tính toán các vấn đề nảy sinh khi chuyển đổi mạng cho khách hàng. Bên cạnh đó, hiện nay đang chờ hướng dẫn cụ thể của Bộ TT&TT nên chưa có thông tin về việc giá cước sau khi chuyển mạng sẽ tính như thế nào. Tuy nhiên, phương thức tính cước hợp lý sẽ là tính cước nội mạng theo mạng chuyển đến và ngoại mạng cho mạng chuyển đi.

“Bởi lúc này ngoài số thuê bao không thay đổi thì thuê bao đã đăng ký dịch vụ của nhà mạng chuyển đến nên đã là khách hàng của nhà mạng chuyển đến, cước sẽ tính theo giá cước của mạng chuyển đến” - đại diện một nhà mạng giải thích.

Thông tin chính xác mới được chuyển

Liên quan đến việc chuyển mạng giữ nguyên số, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải cho hay đã yêu cầu Cục Viễn thông phải đẩy sớm việc thử tải chuyển mạng giữ nguyên số trước thời điểm 15-12 để xem có vấn đề gì không nhằm kịp thời điều chỉnh.

Đại diện Bộ TT&TT cũng cho rằng thực hiện đề án chuyển mạng di động không cần đổi số là bước đi hợp lý, phù hợp với xu thế thế giới, nâng cao tính cạnh tranh và thúc đẩy sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường viễn thông.

Hiện nay, Cục Viễn thông đã xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số. Theo dự thảo này, thuê bao di động không có thông tin cá nhân chính xác sẽ không được chuyển mạng giữ nguyên số.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm