‘Kinh tế tư nhân sẽ không còn cô đơn’

Hội nghị Trung ương 5 đang họp bàn và sẽ ra nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân.

Vậy làm gì để khuyến khích, tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân? Là người có nhiều trăn trở về vấn đề này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) (ảnh), nói với Pháp Luật TP.HCM: “Tôi hy vọng sau Hội nghị Trung ương 5, kinh tế tư nhân sẽ bớt và dần dần sẽ hết cô đơn”.

Không thể lớn lên do bị ràng buộc

. Phóng viên: Vì sao ông lại hy vọng điều đó khi mới cuối năm 2016, ông nói rằng nhiều doanh nghiệp tư nhân (DNTN) “đáng bị cô đơn”?

+ TS Vũ Tiến Lộc: Tôi hiểu anh nhắc tới ý kiến của tôi tại cuộc gặp báo chí trước thềm Diễn đàn DN Việt Nam 2016. Khi đó tôi cho rằng: Có những DNTN đáng bị cô đơn vì năng lực còn hạn chế, chưa đạt chuẩn… nên chưa kết nối được với chuỗi giá trị toàn cầu.

Nhưng cũng có nhiều DNTN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa không đáng bị cô đơn, mà họ cô đơn do chính sách chưa thực sự đóng vai trò yểm trợ để họ kết nối với các DN đầu tư nước ngoài (FDI). Hơn nữa bản thân các DN FDI cũng chưa thực sự tích cực kết nối với họ.

. Nhưng hiện niềm hy vọng kinh tế tư nhân hết lẻ loi có phải đang quay trở lại?

+ Tại Hội nghị Trung ương 5, trong phần phát biểu khai mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Kinh tế tư nhân ngày càng đóng góp lớn hơn trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế; tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết các vấn đề xã hội”.

Như thế sau 15 năm thực hiện chính sách thúc đẩy kinh tế tư nhân và 30 năm đổi mới, vai trò của kinh tế tư nhân trong đời sống kinh tế-xã hội ngày càng được nhìn nhận.

. Nói như vậy thì rõ ràng chúng ta còn phải chờ đợi sự cô đơn của kinh tế tư nhân biến mất. Mà như ông nhiều lần đề cập, nó phải bắt nguồn từ thể chế?

+ Chúng ta phải thừa nhận với nhau rằng cải cách thể chế vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng DN. Thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực vẫn còn rất phiền hà và lạc hậu so với chuẩn mực chung của thế giới. Các cuộc khảo sát gần đây của VCCI cho thấy các thủ tục thuế, hải quan dù có những bước tiến bộ nhưng có một tín hiệu đáng lo ngại.

Đó là DN càng lớn, kinh doanh càng thành công thì chi phí tuân thủ thủ tục hành chính càng cao, bị thanh tra, kiểm tra càng nhiều. Đây là một trong những nguyên nhân lý giải tại sao các DN Việt Nam không thể lớn lên và kinh tế tư nhân vẫn còn cô đơn.

Vai trò của kinh tế tư nhân ngày càng được nhìn nhận. Trong ảnh: Quy trình khép kín từ trồng đến sơ chế, xử lý, đóng gói chuối xuất khẩu sang Nhật của Công ty Huy Long An. Ảnh: QUANG HUY

Trên ấm, dưới lạnh

. Thực ra đã có nhiều chủ trương, chính sách được ban hành nhằm hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tư nhân, thưa ông?

+ Đúng. Nhưng những chính sách hỗ trợ phát triển khu vực này vẫn chưa đủ mạnh, chưa có sức lan tỏa rộng. Các DN nhỏ và vừa trong nước vẫn chưa thể tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu ở phân khúc cao, ngoại trừ những công đoạn thâm dụng lao động tay nghề thấp và giá rẻ.

Chắc anh nhớ tại một diễn đàn kinh tế đầu năm 2017, phó tổng giám đốc Samsung Việt Nam đã nói rằng: “Hiện có rất ít DN Việt Nam là nhà cung ứng trực tiếp cho Samsung”. Đây có thể là một ví dụ sinh động cho điều tôi vừa nói.

. Nhiều DNTN nói rằng họ không cần ưu ái, không cần hỗ trợ mà chỉ cần được bình đẳng với DN nhà nước. Đặc biệt là bình đẳng trong việc tiếp cận nguồn lực về đất đai, vốn, cơ hội kinh doanh…?

+ Chắc chúng ta đều biết những nỗ lực kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh và những chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho DN. Những chính sách từ bên trên ấy làm DN ấm lòng bao nhiêu thì việc thực thi những chính sách ấy ở bên dưới, như tôi từng đề cập, lại “lạnh lẽo” bấy nhiêu.

Hơn nữa, môi trường kinh doanh hiện nay dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn những rủi ro khi việc hình sự hóa quan hệ kinh tế vẫn thỉnh thoảng xảy ra; tư pháp vẫn chưa phát huy đủ vai trò của mình đối với sự phát triển của DN.

Mặt khác, còn một khía cạnh khác tối cần thiết cho khu vực kinh tế tư nhân, đó là việc tiếp cận các nguồn lực và chính sách. Khu vực kinh tế tư nhân, với tuyệt đại đa số là các hộ kinh doanh, các DN nhỏ và vừa rất khó khăn trong việc tiếp cận đất đai, tài chính và minh bạch thông tin, chính sách. Trong khi đó, các DN nhà nước thì lại đang nắm giữ hầu hết ưu thế này.

. Xin cám ơn ông.

 

Nút thắt lớn nhất là cơ chế xin-cho

Tôi cho rằng cần thúc đẩy hơn nữa một môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh cho cả hai khu vực là DN nhà nước và tư nhân. Tiến trình này cần phải được đẩy mạnh thông qua cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước khỏi các lĩnh vực kinh doanh mà Nhà nước không cần nắm giữ.

Đồng thời, cũng cần tiến hành việc xóa bỏ chức năng chủ quản DN nhà nước của các bộ, ngành và địa phương cũng như thành lập cơ quan chuyên trách quản lý vốn và tài sản nhà nước tại các DN.

Nếu được như vậy thì khu vực kinh tế nhà nước, mà cụ thể là các DN nhà nước sẽ được đặt trong thế cạnh tranh bình đẳng với các DNTN. Dĩ nhiên điều này phải được hỗ trợ bằng việc loại bỏ những khó khăn về mặt thể chế, đặc biệt là xóa bỏ cơ chế xin-cho. Bởi đây là nút thắt lớn nhất cho cả hai khu vực kinh tế và việc kiến tạo môi trường kinh doanh liêm chính của Chính phủ.

Ông VŨ TIẾN LỘC, Chủ tịch VCCI

_______________________________

Đóng góp 40% GDP

Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 5 diễn ra ngày 5-5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: Vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng được nhận thức rõ hơn và đánh giá đúng hơn. Tỉ trọng trong GDP của khu vực kinh tế tư nhân, bao gồm cả kinh tế cá thể duy trì ổn định khoảng 39%-40%. Bước đầu đã hình thành được một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh tốt hơn trên thị trường trong nước và quốc tế…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm