Nhiều doanh nghiệp FDI cố tình thua lỗ

TP.HCM hiện có khoảng 3.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động, trong nhiều năm qua luôn có tới gần 60% trong số này thường xuyên kê khai làm ăn thua lỗ.

Có điều lạ là, phần lớn các doanh nghiệp trong khi báo cáo làm ăn thua lỗ tới cả chục năm qua, cũng là quãng thời gian họ liên tục phát triển cả về doanh thu lẫn quy mô hoạt động.

Nghịch lý kinh doanh lỗ liên tục mà vẫn không ngừng mở rộng đầu tư đã khiến ngành thuế phải vào cuộc và phát hiện ra rằng, nhiều DN đã cố tình thua lỗ ở VN để chuyển lãi về công ty mẹ thông qua thủ thuật chuyển giá. Nói một cách cụ thể là họ chấp nhận nhập khẩu nguyên liệu máy móc đầu vào từ công ty mẹ với giá thật cao, rồi bán lại hàng hóa sản xuất ở VN cho công ty mẹ với giá thật thấp để không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, mà thậm chí lại còn được hoàn thuế giá trị gia tăng.           

 Cục Thuế TP.HCM nhận thấy, không chỉ mua nguyên liệu, máy móc từ công ty mẹ với giá cao bất thường, mà phần lớn các doanh nghiệp FDI kê khai thua lỗ còn là do cố tình đẩy chi phí đầu vào lên cao.

Ông Nguyễn Trọng Hạnh, Cục phó Cục Thuế TP.HCM cho biết: “Đã lãi lớn nhờ bán nguyên liệu đầu vào cho công ty con ở VN với giá cao, nhưng công ty mẹ ở nước ngoài còn lãi hơn khi mua lại thành phẩm làm ra ở VN với giá thấp. Điều này giải thích tại sao hầu hết các doanh nghiệp FDI liên tục lỗ ở VN chỉ bán hàng cho một vài đầu mối ruột của họ ở nước ngoài”. 

Tất cả những cách thức giúp cho công ty mẹ ở nước ngoài có lãi, còn công ty con ở VN luôn thua lỗ, không phải nộp thuế được gọi chung là “thủ thuật chuyển giá”. Bộ Tài chính thời gian qua cũng đã ban hành nhiều văn bản chống thủ thuật này, nhưng việc thực thi đã không mấy hiệu quả.

Ông Warrick A. Cleine, Tổng giám đốc Công ty Kiểm toán KPMG cho rằng: “Các hướng dẫn chống chuyển giá của Bộ Tài chính cơ bản phù hợp với thông lệ quốc tế, nhưng vấn đề là cả DN và cơ quan thuế cần được đào tạo để tuân thủ tốt hơn và tôi cũng chưa thấy có những hình thức xử lý cụ thể với những doanh nghiệp vi phạm”.

Chưa có hình thức xử lý cụ thể, chưa có chế tài ngiêm khắc, chính vì vậy, hàng chục năm nay, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn kê khai lỗ trong khi thu về công ty mẹ những khoản lợi nhuận khổng lồ.

Tác hại của thủ thuật chuyển giá không chỉ là ngân sách nhà nước bị mất đi một khoản thuế lớn, mà hàng năm chúng ta còn phải cân đối một lượng ngoại tệ không nhỏ cho việc nhập về những nguyên liệu, máy móc cao hơn giá trị thực của nó. Ngoài ra, nguy hiểm hơn là còn tạo ra một môi trường kinh doanh, cạnh tranh không bình đẳng với các DN trong nước.

Theo Mạnh Hùng (plo.vn)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm