Tràn ngập hàng lậu, hàng giả

Như thông lệ, cứ vào dịp cuối năm, thời điểm nhu cầu mua sắm tăng cao, cũng là lúc hàng lậu, hàng giả lại tràn về. Năm nay cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, theo Chi cục QLTT TPHCM, hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng năm nay tràn về thị trường TPHCM tăng khá mạnh. Giới kinh doanh loại hàng hóa này có nhiều thủ đoạn tinh vi để đối phó với cơ quan chức năng.
 
Dỏm quy mô lớn
 
Thời điểm này bánh kẹo, mứt Tết đã tràn ngập thị trường TPHCM, trong đó có nhiều hàng nhập từ một số nước trong khu vực Đông Nam Á và hàng Trung Quốc (TQ). Nhìn chung chất lượng các mặt hàng này rất kém, giá bán rẻ hơn hàng trong nước cùng loại đến vài chục phần trăm nên vẫn thu hút người mua.
 
Bà Cao Thùy Dung, chuyên kinh doanh bánh kẹo nhập khẩu ở quận Phú Nhuận - TPHCM, tiết lộ hàng kém chất lượng đang được một số doanh nghiệp nhập về theo kiểu hàng xá với giá rẻ bất ngờ, rồi được vô bao đóng gói trong nước. Thậm chí có đơn vị còn sang tận các cơ sở làm bánh ở nước ngoài để đặt hàng theo dạng... hàng chợ.
 
Theo giới chuyên môn, các mặt hàng mỹ phẩm đang bày bán trên thị trường hiện nay phần lớn là hàng nhập lậu, trong đó hàng giả các nhãn hiệu nổi tiếng chiếm đa số. Nhiều loại mỹ phẩm giả được sản xuất tại TQ sau đó được “đẩy” sang thị trường VN tiêu thụ với số lượng rất lớn. Bằng chứng là tại các chợ ở TPHCM mỹ phẩm giả các nhãn hiệu nổi tiếng đang được bán tràn lan...
 

Tràn ngập hàng lậu, hàng giả ảnh 1
QLTT TPHCM kiểm tra một cơ sở sản xuất mỹ phẩm giả,
hàng kém chất lượng tại quận Thủ Đức - TPHCM

Đối với các mặt hàng điện máy, theo ông Trần Hữu Tuấn, chuyên kinh doanh hàng điện máy ở quận 1 - TPHCM, gần đây hiện tượng doanh nghiệp sang TQ hoặc Indonesia, Malaysia để đặt hàng gia công các sản phẩm điện máy với nhãn mác được “chế” thật kêu ngày càng phổ biến. Nguồn hàng loại này đang về ngày càng nhiều với đủ các mặt hàng (từ điện gia dụng đơn giản đến cả tủ lạnh, máy giặt, máy lạnh...). Trên bao bì thường ghi các thông tin “sản xuất theo công nghệ Nhật, Mỹ, châu Âu” nên được bán với giá khá cao, không thua hàng chính hãng... Kiểm không xuểChỉ trong tháng 11 vừa qua, Chi cục QLTT TPHCM kiểm tra 1.287 vụ, đa số các vụ kiểm tra đều phát hiện có vi phạm với những mức độ khác nhau. QLTT đã xử lý nhiều vụ buôn bán, trữ hàng nhập không có chứng từ, trong đó nhiều nhất là quần áo, vải, mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em, thiết bị điện - điện tử, linh kiện máy tính, phụ tùng xe... phần lớn có xuất xứ từ TQ. Ngày 9- 11, đội QLTT Tân Phú kiểm tra, phát hiện DNTN BM trên đường Gò Dầu, quận Tân Phú “găm” hơn 15 tấn (trong đó có đường nhập lậu từ Thái Lan) để chờ giá lên mới bán. Trước đó hơn tuần lễ, đội 10B Chi cục QLTT TPHCM phát hiện gần 4.000 máy tính giả hiệu Casio do TQ sản xuất tại một địa chỉ trên đường 3 Tháng 2, quận 10. Đội 4A Chi cục QLTT TPHCM kiểm tra, phát hiện 2.700 thùng cà rốt TQ tại 3 sạp ở chợ đầu mối Thủ Đức không chứng từ, không nhãn phụ... Cơ quan QLTT cũng đã phát hiện một kho hàng trên đường Trần Hưng Đạo, quận Tân Phú chứa gần 300.000 đơn vị mỹ phẩm các loại không có chứng từ. Tại một điểm chứa hàng trên đường Trần Chánh Chiếu, quận 5, chứa 4,5 tấn bột ngọt nhập lậu từ TQ; cửa hàng QT trên đường Hà Huy Giáp, quận 12, chứa hàng chục ngàn sản phẩm giả nhãn hiệu xà bông Omo, dầu xả Comfort, giấy vệ sinh Sài Gòn, bàn chải đánh răng và kem đánh răng PS, mỹ phẩm Hazeline, Dove, Clear, Nivea, Xmen, Rejoice... Một cán bộ QLTT TPHCM thừa nhận hàng lậu, hàng giả hiện đã tràn ngập đến mức nếu kiểm tra bất kỳ điểm bán lẻ nào cũng có thể phát hiện vi phạm. Tuy nhiên, việc kiểm tra xử lý ngày càng gặp nhiều khó khăn do tại các điểm bán những mặt hàng này thường không được trưng bày nhiều như trước chỉ khi có khách mua với số lượng lớn họ mới “điều” hàng từ chỗ khác về. “Cái khó của cơ quan chức năng là không thể kiểm tra, xử lý những người bán chỉ vài ba hộp kem, hộp bánh nhập lậu, còn tìm đến nơi chứa trữ hàng là cả vấn đề...” - vị cán bộ này cho biết. Đường lậu vẫn được tuồn vềTình hình buôn lậu dọc tuyến biên giới Tây Nam qua địa bàn tỉnh An Giang thời điểm này bề ngoài có vẻ trầm lắng nhưng thực tế đường lậu vẫn tràn qua biên giới do giá rẻ hơn đường trong nước từ 20.000 đồng -  30.000 đồng/bao 50 kg. Tại khu vực xã Vĩnh Ngươn, thị xã Châu Đốc, An Giang giáp ranh với gò Tà Mau, biên giới Việt Nam – Campuchia. Trên con rạch nhỏ phân định hai bờ biên giới giữa cánh đồng Vĩnh Ngươn và chợ Tà Mau, vẫn dập dìu vỏ lãi gắn máy đuôi tôm chở đường về điểm tập kết tại các kho chứa ở chợ gò. Từ đây, đường cát Thái Lan sẽ được “lột xác” bằng cách bóc ruột “đường ngoại” cho vào bao bì đường sản xuất trong nước rồi đợi đêm xuống, nếu “trời êm biển lặng” thì toàn bộ số đường trên được tuồn nhanh vào nội địa bằng nhiều ngõ ngách.
Theo Người lao động

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm