Từ 1-1-2017, giảm lãi vay tiêu dùng về 20%?

Những hợp đồng vay từ trước đến nay đều là lãi suất thỏa thuận, không có quy định giới hạn mức trần lãi suất. Các hợp đồng vay có thời hạn kéo dài từ 12 tháng đến vài năm. Mức lãi suất thông thường vay tiêu dùng thường cao hơn 20%.

Trong khi đó, chỉ còn vài tháng nữa, từ 1-1-2017, Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực, quy định mức lãi vay tiêu dùng tối đa là 20%.

Cụ thể, Điều 468 quy định: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”.

Những hợp đồng từ trước đến nay đều là lãi suất thỏa thuận, không quy định mức trần. Ảnh minh họa: HTD

Như vậy những hợp đồng đã ký trước ngày này với lãi suất cao hơn 20% thì có bắt buộc chuyển sang áp dụng mức lãi trần 20% hay cứ tiếp tục áp dụng mức lãi suất đã áp dụng lâu nay theo hợp đồng?

Luật gia Phan Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ NTD TP.HCM, cho rằng mức lãi suất trần 20% chỉ áp dụng với các hợp đồng ký sau ngày Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực. Hợp đồng nào ký sau ngày này mà lãi cao hơn 20% thì không có hiệu lực. Còn hợp đồng nào đã ký trước, lãi suất tuy cao nhưng sẽ phải tiếp tục thực hiện đến hết hợp đồng. Về nguyên tắc, luật không áp dụng ngược lại với những giao dịch xảy ra trước để đảm bảo không gây bất lợi, thiệt hại cho các bên giao dịch.

Tuy nhiên, ngay cả với các hợp đồng ký sau 1-1-2017, chưa chắc đã áp dụng được mức trần 20%, tuy mức trần này có lợi cho NTD.

Ông Phan Thế Thắng, Phòng Bảo vệ quyền lợi NTD, Cục Quản lý cạnh tranh, phân tích các khoản vay tiêu dùng thường nhỏ lẻ, số tiền vay không lớn, nhóm đối tượng vay có nhiều rủi ro không thể trả nợ, chi phí quản lý khoản vay khá cao... Vì vậy mà vay tiêu dùng thường có lãi suất cao để bù đắp chi phí. Theo cách mà các công ty tài chính tính toán, mức lãi suất 20% thực sự không khả thi, không kinh tế với họ.

Ông Thắng cho rằng sửa quy định của Bộ luật Dân sự 2015 là không thể, vì tính pháp lý để thay đổi quy định này là rất phức tạp. “Có lẽ cần nghiên cứu áp dụng một mức lãi suất nào đó phù hợp, cao hơn mức 20% này, vừa kích thích thị trường vừa bảo vệ NTD, mà các doanh nghiệp tài chính vẫn có thể phát triển sản phẩm được. Về mặt tích cực, cho vay tiêu dùng cũng đã tạo thuận lợi cho nhiều NTD khi họ có thể mua được hàng hóa với số tiền ban đầu không đủ trả toàn bộ tiền hàng” - ông Thắng nhận định.

Như vậy vẫn chưa thể biết được trần lãi suất vay tiêu dùng sẽ là bao nhiêu, bởi 20% thì có thể các công ty tài chính sẽ không cho vay nổi, mà Bộ luật Dân sự đã “thòng” thêm quy định “Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên...”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm