Xe dù bến cóc làm thất thu thuế hàng nghìn tỷ

Thời gian qua, nhiều xe ô tô đăng ký chạy hợp đồng và chở khách du lịch nhưng hoạt động trá hình như xe khách tuyến cố định đã gây mất trật tự an ninh và an toàn giao thông.  Các xe này trốn tránh các loại thuế, phí, gây thất thu rất lớn tiền thuế của Nhà nước.  Để chấn chỉnh, ngày 5-2-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và UBND các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý dứt điểm.

Mỗi khi có xe của Công ty Thành Bưởi đi vào địa chỉ số 1, Vĩnh Viễn, phường 2, quận 10, nhân viên của công ty này ra chắn các xe khác để cho xe Thành Bưởi vào khu vực đón trả khách trong khuôn viên Công ty CP Giày Sài Gòn. (Ảnh chụp lúc 11 giờ 5 ngày 1-10-2016)

Xử nghiêm “xe dù, bến cóc”

Đến đầu tháng 7-2016, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, kiêm Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cũng đã chỉ đạo cơ quan chức năng phải giải quyết những đề nghị của Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội liên quan đến tình trạng "xe dù, bến cóc”. Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 86/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trình Chính phủ trong quý III/2016.

Dù đã có những chỉ đạo quyết liệt nhưng thực tế thời gian qua nhiều hãng xe khách trá hình vẫn ngang nhiên vi phạm khiến nhân dân nghi ngờ có sự “bảo kê”. Có thể nói, “xe dù, bến cóc” luôn là vấn đề nóng được báo chí phản ánh nhiều nhất trong mấy năm gần đây, đặc biệt là ở Hà Nội và TP.HCM. Vì thế đã có nhiều nhà xe cùng các hiệp hội vận tải phải gửi đơn “kêu cứu” tới Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các địa phương kiến nghị xử lý nghiêm “xe dù, bến cóc”.

Mới đây báo cáo với UBND TP, Sở GTVT TP cho biết đã giao thanh tra sở phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm việc lập bến xe, bãi đỗ xe không theo quy hoạch hoặc không được phép của các cơ quan chức năng. Trong đó sở đã kiểm tra hoạt động của một công ty trên đường  Lê Hồng Phong, quận 10 và đã lập biên bản, ra quyết định xử phạt công ty này về việc thành lập bến xe, bãi đỗ xe không theo quy hoạch.

Tuy nhiên, Sở GTVT TP.HCM cho biết đến nay ở nội ô TP.HCM vẫn còn 85 điểm có hoạt động đón trả khách. Trong báo cáo với UBND TP, sở cho biết các công ty hoạt động tại những điểm này đều có đầy đủ giấy phép đăng ký kinh doanh xe chạy hợp đồng và du lịch.

Ngân sách Nhà nước thất thu

Đánh giá về vấn nạn xe khách trá hình, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) khẳng định: Tình trạng “xe dù, bến cóc” diễn biến phức tạp, tạo môi trường kinh doanh vận tải không lành mạnh; gây thiệt hại cho hành khách khi có sự cố hay tai nạn xảy ra và đây là nguyên nhân chủ yếu gây mất trật tự vận tải, không bảo đảm an toàn giao thông, đồng thời làm thất thu ngân sách Nhà nước do trốn thuế...

Theo thông tin từ các cơ quan chức năng thuộc Bộ GTVT, hiện tại cả nước có hơn 7.000 đơn vị được cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo hợp đồng và vận chuyển khách du lịch. Tổng số lượng phương tiện khoảng 35.000 xe. Chỉ cần một phần nhỏ số xe này hoạt động như xe khách trá hình thôi thì ngân sách Nhà nước đã bị thất thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Một con số khổng lồ! Đó là chưa kể tình trạng đa số các “xe dù” thường trốn đóng phí bảo hiểm cho hành khách; trốn nộp bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế cho nhân viên, tài xế, đồng thời khiến bến xe của các địa phương bị thất thu rất lớn...

Để khắc phục dứt điểm tình trạng “xe dù, bến lậu” nêu trên, cần lắm một buổi đối thoại giữa các bộ ngành liên quan với các doanh nghiệp vận tải hành khách để nắm chắc tình hình, hiểu rõ nguyên nhân và biện pháp giải quyết. Đây là nguyện vọng thiết tha của hàng nghìn doanh nghiệp vận tải làm ăn chân chính.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm