IMF và WB đổi mới khuôn khổ đánh giá nợ công

Ngày 29/3, khuôn khổ DSF mới này được các nước vay nợ, nước cho vay và các nước tài trợ sử dụng để đánh giá mức nợ được coi là bền vững để cân bằng nhu cầu phát triển của đất nước.

Trên cơ sở đó, WB quyết định tỷ lệ viện trợ không hoàn lại và tỷ lệ cho vay trong nguồn tài chính trợ giúp các nước thu nhập thấp.

Các nước cho vay và các nước tài trợ cũng trên cơ sở DSF này quyết định các nguồn tài chính trợ giúp của họ dành cho các nước nghèo.

Trong quá trình tổng duyệt xét lại các chính sách hỗ trợ các nước nghèo của IMF và WB cùng với phản hồi từ các đối tác, hai thể chế tài chính quốc tế này đã quyết định những đổi mới cần thiết để đảm bảo khuôn khổ DSF thích hợp hơn với các tình huống đã thay đổi ở các nước thu nhập thấp.

Những điều chỉnh này bao gồm phân tích sâu rộng hơn tổng nợ công và các nguy cơ dễ tổn thương tài chính, điều chỉnh các ngưỡng công nợ nước ngoài, áp dụng tiêu chuẩn bổ sung về nguy cơ để phản ánh tốt hơn tổng hiểm họa mất khả năng trả nợ, gắn chặt chẽ hơn quan hệ giữa đầu tư và tăng trưởng, tạo điều kiện sử dụng dễ dàng hơn khuôn khổ DSF mới này.

Theo DSF mới, IMF và WB phối hợp để tạo ra bản phân tích bền vững nợ chung (DSA) hàng năm đối với tất cả các nước thu nhập thấp trên thế giới.

Mỗi DSA này đều phân loại nợ để chỉ rõ nguy cơ mất khả năng trả nợ của mỗi nước thu nhập thấp.

Kể từ khi WB và IMF áp dụng khuôn khổ DSF năm 2005, hơn 400 DSA đã được tạo ra đối với 70 nước thu nhập thấp để làm cơ sở cho hai thể chế tài chính quốc tế này hòa nhập các vấn đề nợ và tài chính hiệu quả hơn trong các tư vấn chính sách và thiết kế các chương trình trợ giúp các nước nghèo.

Cho đến nay, khuôn khổ DSF 2005 được các nước cho vay và các nước tài trợ sử dụng và vẫn hoạt động hiệu quả. Bền vững nợ của các nước thu nhập thấp được duy trì.

Tuy nhiên, do nhu cầu của các nước chủ nợ, các nước tài trợ và cả các nước thu nhập thấp cũng như nhiều cơ hội mới xuất hiện, khuôn khổ DSF năm 2005 cần được đổi mới.

(TTXVN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm