Thị trường tài chính thế giới tuần qua

Những lo ngại liệu Hunggari sắp lâm vào khủng hoảng nợ kiểu Hy Lạp cũng đã làm rúng động thị trường; Trong khi đó Nhật Bản nỗ lực kích thích kinh tế tăng trưởng…là những vấn đề nổi bật trên thị trường tài chính  thế giới tuần qua.

Theo báo chí nước ngoài, nợ công của Mỹ sắp vượt quá GDP. Nợ chính phủ Mỹ sẽ lên tới hơn 13.600 tỷ USD trong năm nay và 19.600 tỷ USD trong thời gian từ nay tới năm 2015. Hãng tin Reuters dẫn thông tin từ báo cáo do Bộ Tài chính Mỹ gửi lên Quốc hội nước này cho biết, tỷ lệ nợ công so với GDP của Mỹ sẽ đạt mức 93% trong năm nay và lên tới 102% trong 5 năm tới.

Thông tin về thị trường lao động Mỹ có dấu hiệu cải thiện. Thông báo của Bộ Lao động Mỹ vừa cho biết, đến cuối tháng 4/2010, số việc làm được quảng cáo thuê tuyển tăng lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 12/2008 là 3,1 triệu việc làm, so với 2,8 triệu việc làm cuối tháng 3/2010. Thống kê của Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 4/5 cho thấy, trong tháng 5 đã có thêm 431.000 việc làm, nhưng có đến 411.000 số lao động làm công việc tạm thời phục vụ cuộc điều tra dân số diễn ra định kỳ 10 năm một lần của chính phủ Mỹ.

Tại Mỹ, theo TCT Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC), Mỹ vừa đóng cửa thêm 3 ngân hàng vào cuối tuần qua, nâng tổng số ngân hàng bị đóng cửa từ đầu năm tới nay lên 81. FDIC đã phải thanh toán gần 314 triệu USD là tiền bảo hiểm tiền gửi cho ba ngân hàng.

Trong khi đó, tại Nhật Bản, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) dự định sẽ bơm ít nhất 1.000 tỷ yên (11 tỷ USD) cho chương trình cho vay vốn với lãi suất cực thấp nhằm khuyến khích các ngân hàng thương mại tăng cường cung cấp tín dụng cho các lĩnh vực có triển vọng tăng trưởng cao. BOJ sẽ cung cấp các khoản vay, với thời hạn 1 năm và lãi suất bằng lãi suất chính sách (hiện ở mức khoảng 0,1%/năm), cho các ngân hàng thương mại và sau đó, các tổ chức tín dụng này sẽ cho các doanh nghiệp vay vốn để đầu tư vào lĩnh vực có triển vọng cao như năng lượng và môi trường, nghiên cứu và phát triển.

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương nhóm các nước phát triển mới nổi (G20) đã khai mạc tại Busan, Hàn Quốc nhằm kêu gọi hợp tác toàn cầu để đảm bảo sự vững mạnh của tài chính. G20 bác bỏ đề xuất áp thuế ngân hàng. Trước đó, vấn đề áp thuế ngân hàng để trả chi phí cho các cuộc giải cứu trong tương lai đã được Mỹ và châu Âu ủng hộ, song không được Canada và Australia tán thành.

Tờ Financial Times đã đưa ra 4 kịch bản dành cho số phận của đồng tiền chung châu Âu: Kịch bản 1: Trật tự được lập lại. Trong kịch bản này, cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu buộc các chính phủ ở khu vực đưa tài chính công của họ trở về vòng kiểm soát và cải thiện năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế quốc gia. Khối Eurozone trở thành một đầu tàu tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. Khả năng xảy ra của kịch bản này: Không hẳn là bất khả thi, nhưng cũng không nên quá kỳ vọng.
Ảnh hưởng đối với đồng Euro: Nếu kịch bản trên trở thành hiện thực, đồng tiền chung châu Âu sẽ là một đối thủ thực sự của USD ở địa vị đồng tiền dự trữ mạnh và ổn định.

Kịch bản 2: Mớ bòng bong còn đó. Trong kịch bản này, khối Eurozone sẽ bình ổn trở lại, nhưng không thể giải quyết được những sai lầm trong cấu trúc cốt lõi. Khả năng xảy ra kịch bản này: Rất cao. Ảnh hưởng đối với đồng Euro: Triển vọng tăng trưởng kinh tế suy yếu và những lo ngại bị thổi phồng về tình hình chính trị dài hạn, sẽ gia tăng áp lực mất giá đối với đồng Euro.

Kịch bản 3: Vết thương không lành. Theo kịch bản này, khối Eurozone sẽ suy yếu vĩnh viễn, và tương lai dài hạn của đồng Euro bị đặt vào thế nghi ngờ. Khả năng xảy ra kịch bản này: Có thể xảy ra. Ảnh hưởng đối với đồng Euro: Đồng Euro sẽ suy yếu trong dài hạn.

Kịch bản 4: Rã đám. Theo kịch bản này, khối Eurozone sẽ tan rã. Căng thẳng trở nên quá lớn để kiểm soát, một hoặc vài quốc gia nhận thấy là tốt hơn hết nên rút khỏi đồng Euro, hoặc các thành viên của Eurozone quyết định trục xuất một số “người anh em”.         

Sự suy sụp của nền kinh tế Hy Lạp, suy thoái và lạm phát tăng vọt trong khối Eurozone, sự bất mãn ngày càng tăng của người dân châu Âu đối với đồng Euro… sẽ trở thành sự thật nếu những diễn biến xấu tiếp tục xảy ra. Khi đó, kịch bản tồi tệ nhất đối với đồng tiền chung này sẽ cận kề hơn bao giờ hết. Khả năng xảy ra của kịch bản này: Khó xảy ra, nhưng không khó tới mức như người ta nghĩ trước đây.  Ảnh hưởng đối với đồng Euro: Đồng tiền này sẽ mất giá nhanh chóng, ngay trước khi khả năng rã đám của khối Eurozone hiện ra.

Thị trường tài chính thế giới có thêm những biến động sau tin : Hunggari sắp lâm vào khủng hoảng nợ kiểu Hy Lạp? Ngày 4/6, lãi suất trái phiếu của Hunggari tăng vọt và đồng euro tụt xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua so với đồng USD sau khi một quan chức của đảng cầm quyền tuyên bố quốc gia này chỉ có cơ hội mong manh tránh được số phận của Hy Lạp, và người phát ngôn của Thủ tướng nói ông ủng hộ quan điểm này. Nhiều nhà kinh tế tư nhân nhất trí rằng Hunggari chưa đến mức sắp trở thành Hy Lạp. Tỷ lệ thâm hụt và nợ trên GDP chưa đến mức cao như của Hy Lạp; nợ công chiếm khoảng 80% GDP hồi năm ngoái, so với 133% dự kiến cho Hy Lạp trong năm  nay. Khác với Hy Lạp, nền kinh tế Hunggari vừa thoát khỏi suy thoái.

Sau đó, Hungary cam kết cắt giảm để đạt mục tiêu ngân sách. Và hiện nay Hungary cần các biện pháp mạnh mẽ hơn để đặt mục tiêu thâm hụt 3,8% GDP như thống nhất với các nhà tài trợ quốc tế. Thủ tướng Hungary Viktor Orban ngày 8/6 đã công bố kế hoạch phục hồi kinh tế, nhấn mạnh việc hợp lý hoá hệ thống thuế và những cắt giảm trong khu vực nhà nước.

Dự báo về kinh tế toàn cầu, IMF cho biết, kinh tế toàn cầu có thể tăng trưởng 2,5%/năm trong 5 năm tới. Còn Ngân hàng Thế giới (WB) vừa đưa ra cảnh báo cho rằng, suy thoái kép có thể xảy ra ở nhiều quốc gia, nếu các nhà đầu tư mất niềm tin vào những nỗ lực của các chính phủ trong việc ngăn chặn gánh nặng nợ nần gia tăng.

Phương Trâm tổng hợp (website NHNNVN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm