Siết chặt tiền tệ: Giải pháp “quá liều”!

Chiều ngày 25-2, Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn cùng Câu lạc bộ Doanh nghiệp địa ốc tổ chức buổi tọa đàm cho ba “bệnh nhân” là ngành bất động sản, ngân hàng và chứng khoán bàn về các hiệu ứng “sốc” của thị trường vừa qua.

“Thủ phạm” là do “thắt chặt tiền tệ”

Ông Trịnh Kim Quang - Chủ tịch Công ty Quản lý quỹ Ngân hàng ACB cho rằng “những rối ren mấy ngày nay là do giải pháp hơi quá liều, chưa hợp lý, khiến càng chống lạm phát lại càng gây ra rối loạn”.

Giải pháp thắt chặt tiền tệ vừa qua đã khiến các ngân hàng phải tranh thủ hút vốn bằng cách đua nhau tăng lãi suất tiền gửi. “Lãi suất gửi mà 12%/năm thì lãi suất cho vay phải là 15%/năm.

Không doanh nghiệp nào có thể chịu đựng mức lãi suất cao như vậy. Dù muốn dù không thì Chính phủ cũng phải giải quyết sớm, phải chấm dứt tình trạng đột biến lãi suất này trong một, hai tháng tới” - ông Quang khẳng định.

Dù tin tưởng rằng có thể giải quyết đột biến trong vòng vài tháng nhưng ông Quang cảnh báo doanh nghiệp sẽ rất khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng trong năm nay!

Ông Huỳnh Nam Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long cho rằng biện pháp thắt chặt tiền tệ đã làm ảnh hưởng không chỉ lĩnh vực bất động sản mà ảnh hưởng lây đến mọi lĩnh vực, nhất là sản xuất, kinh doanh và chắc chắn sẽ còn “dư âm thuốc” trong một thời gian nữa.

Tuy nhiên, ông cũng tin tưởng rằng biện pháp thắt chặt tiền tệ này không kéo dài lâu. Theo ông Dũng, sẽ đến lúc Ngân hàng nhà nước nghĩ đến chuyện đưa tiền ra cho vay nhiều hơn, nghĩ đến việc phải đảm bảo khả năng thanh khoản.

Các ngân hàng cũng sẽ điều chỉnh trị liệu cho đúng, có thể thắt chặt cho vay về bất động sản nhưng không thắt bốn thị trường, gồm thị trường vay vốn phát triển nhà ở cho dân cư, phát triển khu đô thị mới (không phải dự án nhỏ lẻ), cho vay phát triển khu công nghiệp, cho vay phát triển dự án cao ốc văn phòng cho thuê.

Cần nhiều biện pháp khác

Cụ thể cách giải “sốc”, ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Sacombank cho rằng nhà nước cần thu hồi liều lượng thắt chặt, kéo giãn thời gian ra, không để các ngân hàng “quá hớp”! Ông cho biết cũng chiều hôm qua, các ngân hàng cũng có buổi làm việc với nhau và đã cùng kiến nghị giải pháp trên.

Ông Huỳnh Nam Dũng cũng cho rằng để chữa “sốc” phải có giải pháp giảm tâm lý thiếu thanh khoản của các ngân hàng, đồng thời không được tạo tâm lý khan hiếm tiền mặt.

Ông Huy Nam, chuyên gia kinh tế, cho rằng chính sách thắt chặt tiền tệ vừa qua là quá nhạy cảm, quá nặng. Ông hoài nghi: “Không rõ cơ sở đưa ra giải pháp này có được nghiên cứu kỹ hay chưa?!”.

Theo ông Nam, nếu chỉ dùng biện pháp tiền tệ để chống lạm phát không thôi thì chưa đủ. Biện pháp này có thể giảm sốt bất động sản nhưng cũng ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do đó, cần nghiên cứu giải pháp khác, đặc biệt là phải phối hợp các biện pháp tài chính khác ngoài việc thắt chặt tiền tệ.

Chẳng hạn, có thể vẫn áp dụng thắt chặt nhưng phải giãn thời gian ra và phải điều chỉnh ngay. Ngoài ra, phải tính toán lại vấn đề đôla, giải quyết tiêu thụ nội địa, giảm chi phí liên quan đến đầu tư không hiệu quả, nhất là đầu tư công, giảm đầu tư công xuống...

Về việc giá bất động sản giảm, ông Lâm Văn Chúc - Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Phúc Đức cho rằng liều giải pháp của nhà nước tuy mạnh thật, hiệu ứng tức thì nhưng thị trường sẽ không vì vậy mà xuống giá luôn. “Đây chỉ là một đợt giảm rồi sẽ lên, đơn giản vì cung không đủ cầu!” - ông Chúc phân tích.

QUỲNH NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm