Sở hữu chéo không thể dùng để tái cấu trúc NH

Trong đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, giải quyết tình trạng sở hữu chéo luôn là vấn đề trọng tâm. Nhưng thực tế thời gian qua, việc tái cấu trúc lại sử dụng chính giải pháp sở hữu chéo để xử lý các ngân hàng yếu kém làm cho tình hình trở nên phức tạp hơn.

Khó giải quyết triệt để

Tại hội thảo “Rủi ro từ sở hữu chéo và đầu tư chéo” do Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia tổ chức ngày 31-7, chuyên gia tài chính - TS Nguyễn Xuân Thành, đại diện Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, phân tích nhìn vào nỗ lực tái cấu trúc của các ngân hàng yếu kém thời gian qua có thể thấy ba ngân hàng thương mại (NHTM) đầu tiên hợp nhất (Tín Nghĩa, SCB, Đệ Nhất) lại có cùng một chủ để xử lý sở hữu chéo, cho nên cục nợ xấu vẫn còn đó. Tiếp đến, Tien Phong Bank chỉ tái cấu trúc khi có Doji tham gia, thay vì tái cấu trúc thực sự để giải quyết thanh khoản và nợ xấu thì họ lại tăng cường sở hữu chéo.

“Thực tế thị trường tài chính vẫn còn chấp nhận sở hữu chéo nên việc xóa bỏ là rất khó. Thế nhưng phương án này chỉ có thể giải quyết về thanh khoản trước mắt còn về lâu dài sẽ đem lại nhiều hệ lụy” - ông Thành cảnh báo.

Sở hữu chéo không thể dùng để tái cấu trúc NH ảnh 1

Thực tế thị trường tài chính vẫn còn chấp nhận sở hữu chéo nên việc xóa bỏ là rất khó. Ảnh: HTD

Hiện nay, sở hữu chéo chủ yếu diễn ra theo các hình thức như giữa NHTM với nhau, giữa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) với NHTM, giữa nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước với các công ty chứng khoán và NHTM… Ngoại trừ Agribank, cả bốn NHTM nhà nước còn lại (Vietcombank, VietinBank, MHB, BIDV) đều đã cổ phần hóa với tỉ lệ nắm giữ của Nhà nước chiếm ưu thế. Các NHTM nhà nước chỉ sở hữu một số NHTM cổ phần hoặc ngân hàng liên doanh, một số NHTM nhà nước được sở hữu bởi ngân hàng nước ngoài. Nhìn chung, sở hữu chéo giữa các NHTM phần lớn xuất phát từ chính lịch sử ra đời.

Hầu hết các DNNN lớn đều có sở hữu trong NHTM với động cơ chính là để NHTM cho vay lại. Đổi lại, khi DNNN đầu tư vào sẽ giúp các NHTM lúc nào cũng có một khoản tiền gửi lớn trên bản cân đối kế toán. Tuy nhiên điều này lại khiến cho khả năng thanh khoản thiếu bền vững, bởi có DNNN có phần sở hữu ở NHTM nhưng lại không có vai trò chi phối kiểm soát mà nó thuộc về các nhà đầu tư có cổ phần lớn hơn…

Cần nhà đầu tư chiến lược mạnh

Ông Đinh Tuấn Minh, chuyên gia kinh tế từ MBBank, nhận định việc sở hữu chéo chỉ có thể đem lại hiệu quả thực sự tại các nền kinh tế vốn có truyền thống tôn trọng kỷ luật như Đức hay truyền thống gia đình và danh dự cá nhân cao như Nhật. Còn trong môi trường thông tin kém minh bạch, hệ thống pháp lý yếu kém, biến động thị trường mạnh như ở Việt Nam hiện nay chỉ càng tạo điều kiện cho các bên sở hữu chéo liên quan lợi dụng.

Vì thế, ông Minh cho rằng để hạn chế sở hữu chéo trong dài hạn cần xây dựng thị trường tín dụng và thị trường vốn có chi phí giao dịch thấp; thông tin minh bạch; hệ thống pháp lý tốt hơn như quyền sở hữu rõ ràng; phát mại tài sản dễ dàng; thủ tục phá sản nhanh; năng lực giám sát thị trường tín dụng và thị trường vốn hiệu quả.

Đặc biệt, ông Nguyễn Xuân Thành đề xuất Chính phủ cần chỉ đạo các DNNN thoái vốn dứt điểm khỏi các NHTM. Theo đó, DNNN bán cổ phần cho một công ty quản lý vốn, sau đó bán lại cho các nhà đầu tư bên ngoài theo một lộ trình nhất định. Bên cạnh đó Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các NHTM thực hiện mua bán sáp nhập và để tái cấu trúc thì phải có nhà đầu tư mới có cổ phần chi phối, bảo đảm tính đại chúng.

Bên cạnh đó, ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, bổ sung yếu tố cần hiểu rõ khái niệm sở hữu chéo, đầu tư chéo. Dù thời gian qua sở hữu chéo đã gây ra hệ quả lớn dẫn đến nợ xấu nhưng hình thức sở hữu chéo là đan xen giữa nhiều đối tượng, lại trong bối cảnh Việt Nam đang khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia để xử lý ngân hàng yếu kém. Họ sẽ đóng vai trò nhà đầu tư chiến lược nên đó là điều cần ủng hộ, không nên xem là sở hữu chéo.

“Có nhà đầu tư chiến lược vào sẽ tốt hơn, trừ trường hợp họ sử dụng các công cụ định chế tài chính thực hiện mục đích riêng và vượt ra ngoài quy định của pháp luật” - ông Ngoạn nói rõ.

Ngược với cơ chế thị trường

Hoạt động tái cơ cấu hệ thống ngân hàng vừa qua làm chưa triệt để, nổi bật là vấn đề công khai thông tin. Tôi cho rằng không nên dùng biện pháp sở hữu chéo để tái cấu trúc, bởi yếu tố chặn dòng vốn không đúng địa chỉ vẫn còn.

Ông CAO SỸ KIÊM, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

Mục đích của tổ chức tín dụng là phục vụ đại chúng, đẩy vốn ra nền kinh tế. Còn ở Việt Nam nhiều ngân hàng không phải phục vụ đại chúng mà phục vụ cho những người có nhiều tiền. Ở các nước phát triển, các tổ chức tài chính, đều phải có đảm bảo điều kiện phục vụ đại chúng, nếu tìm thấy dấu hiệu ngân hàng lập cho nhóm nào đó thì không được cấp phép. Ở Việt Nam, vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo đang đi ngược với cơ chế thị trường; đâu đó có hiện tượng các ngân hàng định lãi suất cùng nhau đưa lên cao nhưng lại không có bằng chứng để xử lý triệt để.

Chuyên gia tài chính - TS NGUYỄN TRÍ HIẾU

TRÀ PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm