Sự tái xuất của những đại gia từng lĩnh án tử hình

Hải Robert

Ông Lê Minh Hải, hay còn gọi là Hải Robert bị kêu án tử hình do bán đất cho Phạm Huy Phước trong vụ án Tamexco năm 1995. Cha ông lúc đó là Anh hùng lao động Lê Minh Đức đã viết đơn thỉnh cầu lên Chủ tịch nước xin tha chết cho con, cùng với hàng trăm chữ kí của cán bộ, công nhân viên Nhà máy sửa chữa tàu biển Sài Gòn (nơi trước đây ông Hải làm giám đốc). Trước tình huống đó, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký quyết định giảm hình phạt cho Hải Robert từ tử hình xuống án chung thân. Nhờ cải tạo, lao động tốt, Lê Minh Hải được trả tự do vào ngày 2/9/2005, sau 10 năm bị ngồi tù.

Thời gian ở tù, ông đã nuôi đà điểu, phát triển thành hơn 50 con và để lại cho một người ở Xuân Lộc tiếp tục nuôi và phát triển thành trang trại nhỏ. Ông nuôi cá khoán mỗi năm 2 tấn. Ngoài ra, Hải Robert còn tham gia cải tạo hơn 200 ha đất rừng ở Trà Tàu, cày hơn 1.000 ha đất để trồng cây cho trại.

Sau khi ra tù, ông trở thành kẻ tay trắng. Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục chọn con đường kinh doanh với các dự án lớn như mua ụ nổi về Việt Nam, mua tàu cánh ngầm để khai thác ngọc san hô đỏ, đầu tư nuôi cá tầm...

Người đàn ông 64 tuổi này chia sẻ, từ trước khi vào tù cho tới sau này, ông chưa một ngày nghỉ phép. Bởi lẽ, thời gian 10 năm trong tù là khoảng thời gian nghỉ phép quá dài của đời ông. Hiện, các dự án vẫn chưa đem lại nhiều thành công nhưng chưa bao giờ ông chịu thoái lui và đầu hàng, đồng thời cho biết sẽ làm cái gì đó cho đời và hết năm nay sẽ có kết quả.

su-tai-xuat-cua-nhung-dai-gia-tung-linh-an-tu-hinh

Liên Khui Thìn

Năm 1997, ông Liên Khui Thìn - nguyên Tổng giám đốc Epco bị khởi tố vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của doanh nghiệp hàng ngàn tỉ đồng. Đây là một vụ án kinh tế có quy mô lớn nhất vào thời điểm đó. Ông Thìn cùng với Tăng Minh Phụng đã bị tuyên án tử hình. Tuy nhiên, sau đó, ông làm đơn xin ân giảm từ tử hình xuống chung thân và được Chủ tịch nước chấp nhận.

Tiếp tục cải tạo tốt nên ông được giảm án xuống 20 năm tù. Trong quá trình cải tạo, ông đã bồi thường được trên 500 tỷ đồng (tổng số tiền là hơn 1.000 tỉ đồng). Cùng với việc cải tạo tốt và do bị suy tim, cao huyết áp, Liên Khui Thìn được Chủ tịch nước phê chuẩn quyết định đặc xá dịp 2/9/2009.

Khi thoát cảnh tù tội, ông Thìn đã tìm đến bạn bè, người thân thuyết phục họ tham gia thành lập Quỹ Hòa nhập và Phát triển cộng đồng. Nhiều người cho rằng ý tưởng hay nhưng cũng không ít người nghi ngờ. Dẫu vậy, vẫn có nhiều mạnh thường quân giúp đỡ. Quỹ đã hỗ trợ nhiều chiếc xe bán bánh mì cho những người hoàn lương gặp khó khăn và giúp họ dần ổn định cuộc sống.

Thông qua quỹ này, đã có nhiều trường dạy nghề sẵn sàng dạy miễn phí, nhiều cơ sở kinh doanh bán chịu sản phẩm cho những người mới ra tù nếu họ muốn kinh doanh. 

su-tai-xuat-cua-nhung-dai-gia-tung-linh-an-tu-hinh-1

Nguyễn Văn Mười Hai

Nguyễn Văn Mười Hai, ông chủ của hãng nước hoa Thanh Hương, một trong những đại gia khét tiếng ở Sài thành vào cuối những năm 1980, đi đâu cũng có đoàn vệ sĩ hộ tống, hú còi. Thế nhưng, ông nhanh chóng vướng vào vòng lao lý khi tiến hành "huy động vốn" của nhân dân với số tiền 37 tỉ đồng (một số tiền quá lớn thời kỳ đó) kèm lãi suất "khủng" đến 15% một tháng và đối diện với án tử hình khi mất khả năng chi trả. Sau đó ông được chuyển thành án chung thân vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân, phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế xã hội và đưa hối lộ. Nhờ cải tạo tốt, ông được đặc xá cuối năm 2006.

Trở lại xã hội, nhiệt huyết kinh doanh của ông vẫn tràn trề và ông đã tái khởi nghiệp lại ở tuổi 50. Nguyễn Văn Mười Hai sang nhượng lại một quán cơm bình dân. Mỗi suất bán cho công nhân chỉ có 5.000 đồng, lấy công làm lời. Ông bán cơm để tìm kiếm sự chia sẻ, cảm thông. Sau đó, ông có tham gia một khóa học về CEO, nhận lời tư vấn chuyên tâm giúp các doanh nghiệp tạo ra giá trị thặng dư. Mới đây, đại gia nổi danh ngày nào quyết định quay lại với ngành mỹ phẩm khi tham gia tư vấn, hỗ trợ sản xuất sản phẩm sữa tắm bùn.

Đối tượng khách hàng mà ông nhắm đến vừa là lớp trẻ, vừa là trung niên và cả người lớn tuổi. Để có sản phẩm tốt, ngoài kỹ thuật của riêng ông có được, Nguyễn Văn Mười Hai phải xin nhượng lại công thức của Pháp, châu Âu, học hỏi thêm các nhà khoa học ở các trường đại học y, dược để tạo ra dòng sản phẩm mới. Tới nay, mặc dù ông vẫn chưa tạo được tiếng vang lớn nhưng sự trở lại đầy nỗ lực của ông nhận được nhiều sự quan tâm. 

su-tai-xuat-cua-nhung-dai-gia-tung-linh-an-tu-hinh-2

Theo Hồng Châu/VNE 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm