Suy thoái ở Mỹ nguy hiểm tới mức nào?

Trong 1/4 thế kỷ trở lại đây, nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ trải qua hai lần suy thoái chính thức, vào năm 1990 - 1991 và năm 2001. Cả hai lần đó, suy thoái đều diễn ra trong một thời gian ngắn và không phải là suy thoái sâu.

Suy thoái lần này có gì mới?

Vào năm 2001, tiêu dùng ở Mỹ hầu như chẳng giảm chút nào, còn vào năm 1990 - 1991, dân Mỹ cũng chỉ giảm chi tiêu trong một thời gian ngắn. Được kích thích bởi giá địa ốc bùng nổ và những “phát minh” của ngành tài chính cho phép ngày càng có nhiều người được vay nợ và các khoản nợ mỗi lúc một to thêm, ví tiền nói chung của dân Mỹ hầu như chưa bao giờ bị khóa lại trong suốt hai thập kỷ trở lại đây.

Nhưng điều này có lẽ sắp tới lúc thay đổi. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy, nền kinh tế này đã rơi vào suy thoái, và lần này, vấn đề lớn nhất chính là tiêu dùng sẽ suy yếu.

Người tiêu dùng Mỹ vốn có tiếng là “kiên cường” lúc này đang nằm trong sự “kìm kẹp” của 4 yếu tố, bao gồm “bong bóng” bất động sản vỡ tung, tình trạng thắt chặt tín dụng, giá nhiên liệu và giá thực phẩm tiến “lên trời”, và thị trường việc làm đi xuống. Trong tháng 3 vừa qua, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã tăng lên mức 5,1%, cùng với đó là số lượng việc làm trong lĩnh vực tư nhân đã giảm xuống tháng thứ 4 liên tiếp.

Thấy mình đang nghèo đi và chẳng ai sẵn lòng cho vay tiền, dân Mỹ đang thận trọng hơn với cái ví của mình, bằng chứng là doanh số thị trường xe hơi tại nước này đã giảm hẳn.

Điều cần nhấn mạnh ở đây là tiêu dùng chiếm tới 70% nhu cầu nói chung của nước Mỹ. Bởi thế, sự đi xuống này sẽ có tác động tiêu cực, nhất là khi xuất hiện cùng với đó là sự lao dốc của ngành công nghiệp xây dựng từng một thời hùng mạnh ở nước này. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã chính thức lên tiếng dự báo về một giai đoạn suy thoái của kinh tế Mỹ trong năm nay, và nhiều thành viên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng cho rằng, sản lượng của kinh tế Mỹ đang “teo” lại.

Chỉ là suy thoái nhẹ

Lúc này, cả nước Mỹ và thế giới cùng đặt ra hai câu hỏi lớn là kinh tế Mỹ sẽ suy thoái trong bao lâu, và nghiêm trọng tới mức độ nào?

Đối với câu hỏi thứ hai, người ta có lý do để lạc quan. Thường thì suy thoái kinh tế ở Mỹ luôn khiến người ta lo ngại về kinh tế thế giới. Nhưng suy thoái lần này chưa chắc đã quá nghiêm trọng, đặc biệt là đối với các nền kinh tế mới nổi.

Tuy nhiên, những thử thách đối với kinh tế thế giới lại có thể đến từ độ dài của giai đoạn suy thoái này. Nếu dân Mỹ “thắt lưng buộc bụng” trong vòng nhiều năm, mọi chuyện rắc rối đều có thể xảy ra.

Mặt khác, điều này cũng không có nghĩa là một giai đoạn suy thoái của kinh tế toàn cầu là điều không thể xảy ra. IMF dự báo, khả năng kinh tế thế giới tăng trưởng dưới 3% trong năm 2008 và 2009, có nghĩa là suy thoái.

Cuộc khủng hoảng có nguồn gốc sâu xa nằm ở quả “bong bóng” tài sản to chưa từng có trong lịch sử này đã khiến thị trường tài chính Mỹ đã chịu một cú sốc mạnh nhất trong vòng 80 năm trở lại đây, và nước Mỹ không phải là “nạn nhân” duy nhất. Thị trường địa ốc tại nước Anh đã có những triệu chứng “lâm bệnh” như thị trường địa ốc Mỹ.

Nhưng ít nhất cho tới lúc này, vẫn chưa có những bằng chứng cho thấy kinh tế thế giới đang “gục xuống”.

Tốc độ sụt giảm của thị trường việc làm tại Mỹ hiện tại vẫn ở mức khiêm tốn so với những lần suy thoái trước, và vẫn có một vài lý do để tin rằng, tình trạng này sẽ được duy trì.

Thứ nhất, các nhà hoạch định chính sách Mỹ đang hoạt động rất tích cực. Quốc hội nước này đã sớm bắt đầu việc chi tiền để giải quyết vấn đề, mặt khác việc kích thích tài chính đã được thảo luận, cùng với một kế hoạch hỗ trợ thị trường địa ốc. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã liên tục cắt giảm lãi suất USD và có lẽ sẽ còn tiếp tục hành động như vậy nếu sức khỏe kinh tế Mỹ chưa được cải thiện. Quan trọng hơn, FED còn “dang rộng” đôi tay của mình đối với các tập đoàn tài chính, cho phép các tập đoàn này được vay trực tiếp từ FED - một “ân huệ” trước đây chỉ dành cho các ngân hàng thương mại.

Thứ hai, cấu trúc của nền kinh tế thế giới đã thay đổi. Sự năng động và khả năng “đàn hồi” của các nền kinh tế đang nổi lên có nghĩa là nước Mỹ không còn nhiều ảnh hưởng như trước đây nữa. IMF cho rằng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm từ 4,9% trong năm ngoái, xuống còn 3,7% trong năm nay, và đây rõ ràng chưa phải là thảm họa.

Hơn nữa, thị trường bên ngoài cũng được coi là một tấm nệm để đỡ cho “cú đấm” kinh tế đang giáng vào nước Mỹ. Nhu cầu mạnh của thế giới, cùng với đồng USD yếu đã tạo ra những lợi thế đang kể cho các nhà xuất khẩu Mỹ. Trong khi đó, một phần trong khoản thua lỗ khổng lồ do thị trường địa ốc Mỹ gây ra đang do những đối tượng bên ngoài nước Mỹ phải gánh chịu.

Vấn đề phục hồi

Với sự “chia sẻ” này, nước Mỹ có thể tránh một giai đoạn suy thoái sâu. Nhưng không có nghĩa là kinh tế Mỹ sẽ phục hồi nhanh chóng. Tiêu dùng tại Mỹ sẽ được hỗ trợ bởi những khoản cắt giảm thuế được áp dụng vào nửa sau của năm nay, nhưng tác động của “bong bóng” vỡ trên thị trường địa ốc sẽ còn đeo bám dai dẳng.

Dựa vào kinh nghiệm của các quốc gia giàu có đã từng trải qua khủng hoảng tài chính do bong bóng bất động sản, như Thụy Điển và Nauy vào đầu những năm 1990, lĩnh vực tiêu dùng sẽ ở mức độ yếu trong vòng nhiều năm, thay vì nhiều tháng. Bởi thế, suy thoái năm 2008 sẽ chỉ là suy thoái nhẹ, nhưng sự phục hồi trong năm 2009 sẽ không phải là sự phục hồi rõ nét.

Nếu vấn đề lớn nhất của nền kinh tế thế giới té ra lại là việc kinh tế Mỹ phục hồi “chậm như sên”, nhiều người sẽ thở phào nhẹ nhõm. Nhưng với quy mô của cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay, mọi chuyện sẽ phức tạp hơn nhiều.

Đến đây, những người lạc quan có thể cho rằng sau 5 năm tăng trưởng như vũ bão, sự mềm lại của kinh tế thế giới không phải là điều gì không tốt, vì sẽ giúp hút bớt những áp lực lạm phát tại các nền kinh tế đang nổi lên, và nhu cầu nội địa giảm xuống sẽ giúp thu hẹp thâm hụt thương mại của Mỹ.

Nhưng người ta chỉ có thể lạc quan tới mức đó. Mối đe dọa lớn nhất là việc phần còn lại của thế giới trên thực tế dường như kém “đàn hồi” hơn những gì người ta tưởng.

Chẳng hạn, các nước xuất khẩu nguyên nhiên liệu thô có thể đã ít phụ thuộc vào thị trường Mỹ hơn trước kia, nhưng không thể hoàn toàn cởi bỏ sự phụ thuộc này. Đồng USD yếu cũng sẽ gây ra không ít vấn đề. Chính sách nới lỏng tiền tệ của Mỹ sẽ khiến nhiều quốc gia neo buộc đồng nội tệ vào USD gặp nhiều khó khăn hơn trong việc duy trì sự neo buộc này.

Ngoài ra còn có những tác động qua lại rất lớn giữa kinh tế và chính trị. Nền kinh tế Mỹ “tiêu điều” sẽ là một di sản chẳng mấy dễ chịu mà Tổng thống Bush để lại cho người kế nhiệm ông.

Với khoản thâm hụt ngân sách “phồng” to, những cải cách lớn như mở rộng mạng lưới chăm sóc sức khỏe sẽ khó trở thành hiện thực. Và giả sử ứng cử viên của đảng Dân chủ thắng cử, với một nền kinh tế yếu ớt, vị tân tổng thống này có thể sẽ hủy bỏ chương trình cắt giảm thuế của ông Bush. Thêm vào đó, khả năng điều chỉnh các quy định giám sát đối với ngành tài chính và trừng phạt ngành công nghiệp dầu lửa, các hãng thẻ tín dụng, và tất cả những lĩnh vực bị coi là "tội đồ" góp phần gây ra suy thoái, sẽ mỗi lúc một tăng thêm.

(Theo The Economist)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

ĐHĐCĐ năm 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

(PLO)- Sáng 28-3, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

(PLO)- Thị trường vàng trong nước có phiên tăng giá thứ hai liên tiếp. Đáng nói là trong khi vàng nhẫn tăng không đáng kể thì vàng miếng SJC lại có bước nhảy vọt, vượt mốc 81 triệu đồng/lượng.