Tám doanh nghiệp sữa bất ngờ bị truy thu 1.000 tỉ

Văn bản kiến nghị nêu rõ từ năm 2000 đến nay các DN nhập khẩu mặt hàng có tên thương mại là Anhydrous milkfat (AMF) dùng để phục vụ sản xuất, kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

Theo tài liệu quy chuẩn codex của Ủy ban Tiêu chuẩn hóa thực phẩm quốc tế mà Việt Nam là thành viên, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia Việt Nam… thì tên gọi Anhydrous MilkFat hay Anhydrous Butterfat là như nhau. Sản phẩm này chính là dầu bơ khan hay gọi cách khác là chất béo khan của bơ hay là chất béo khan từ sữa.
Từ đó, tất cả các DN nhập khẩu khai báo tên hàng tiếng Việt là: Dầu bơ tinh chế từ sữa/dầu bơ có nguồn gốc từ sữa/dầu bơ khan/chất béo khan của bơ/dầu bơ/chất béo sữa đã tách nước…; mã số là 0405.90.10.00 (mã 10 số), hoặc  405.90.10 (mã 8 số).
Bên cạnh đó, tất cả các kết quả giám định, phân tích chứng nhận của các cơ quan chức năng, bao gồm cả hải quan đều xác định mặt hàng Anhydrous MilkFat có mã số đúng là 0405.90.10.
Tuy nhiên, ngày 24-11-2014, Trung tâm Phân tích phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu chi nhánh tại TP.HCM có thông báo số 2926 thông báo kết quả phân tích đối với một mẫu hàng thuộc lô hàng Anhydrous MilkFat của Công ty TNHH Néstle Việt Nam nhập khẩu tờ khai 10008799954/A12 ngày 1-8-2014 tại Cục Hải quan Đồng Nai.
Tổng cục Hải quan cũng có thông báo số 14619 ngày 8-12-2014 thông báo về kết quả phân loại đối với mặt hàng Anhydrous MilkFat có mã số 0405.90.90 (loại khác).
Từ đó các Cục Hải quan địa phương mời các DN sữa lên làm việc và yêu cầu điều chỉnh mã số theo thông báo số 14619 nêu trên. Đồng thời đề nghị truy thu thuế đối với tất cả các tờ khai nhập khẩu trước đây.
Điều này cho thấy cơ quan hải quan sử dụng một thông báo có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành (8-12-2014) để hồi tố truy thu các tờ khai nhập khẩu lịch sử.
“Chúng tôi không đồng ý với kết quả phân tích phân loại bất nhất này và việc truy thu thuế mang tính áp đặt là hoàn toàn không có căn cứ. Khi đó, chúng tôi đã lập tức đưa ra các cơ sở nên cơ quan hải quan đã đồng ý dừng lại mọi việc này”, một DN bức xúc.
Sau đó, ngành hải quan lấy mẫu để tiến hành thực hiện phân tích, xác định mặt hàng Anhydrous MilkFat có mã số đúng là 0405.90.10.
Thế nhưng mới đây Tổng cục Hải quan lại ra những văn bản chỉ đạo mang tính cá biệt để chỉ đạo các cục hải quan địa phương sử dụng mã số thuế 040590.90 thay vì sử dụng mã số đúng là 0405.90.10 và thực hiện truy thu thuế (nhập khẩu và VAT) từ năm 2010.
Ngay lập tức, Cục Hải quan các tỉnh, thành đã nhanh chóng mời đại diện tám công ty đến làm việc và các công ty bất ngờ nhận ra con số bị truy thu thuế năm năm sẽ lên đến khoảng 1.000 tỉ đồng.

Theo các DN, việc áp dụng mã số thuế không đúng này của cơ quan hải quan làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của DN với việc phải nộp bổ sung thuế một cách bất hợp lý từ một văn bản chỉ đạo của Tổng cục Hải quan.

Đáng nói hơn nội dung văn bản này không có cớ sở khoa học và tính pháp lý. Mã số thuế đúng là 0405.90.10 áp dụng cho mặt hàng có hàm lượng chất béo : 99,8% và hàm độ ẩm ≤0 1% đều đã được các cơ quan chuyên ngành, Bộ Tài Chính và ngay cả Tổng cục Hải Quan đã ban hành và hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện hàng chục năm nay, điều này phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và cũng là mã số của nước xuất khẩu.

Vì vậy tập thể các DN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng Bộ Tài chính có ý kiến chỉ đạo cơ quan hải quan không ban hành các quyết định ấn định thuế và thu hồi các thông báo yêu cầu nộp bổ sung thuế đối với các DN sữa liên quan đến mặt hàng nói trên.

Tám công ty sản xuất và nhập khẩu sữa phản đối về việc áp dụng mã số không có căn cứ gồm: Vinamilk, Đại Tân Việt, Friesland Campina, Nutifood, Thế hệ mới, Á Châu, Sữa Hà Nội và Thực phẩm Hoàng Lâm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm