Thị trường thế giới chi phối chứng khoán tuần này

Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI)

Thị trường tài chính quốc tế vẫn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Dẫu các biện pháp mạnh đã được thông qua nhưng cần thời gian để các biện pháp đó phát huy hiệu quả.

Trong nước, lạm phát tháng 5 sẽ là thông tin vĩ mô quan trọng nhất trong tuần. Bởi nếu lạm phát ở mức thấp sẽ tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước nới lỏng hơn chính sách tiền tệ, nhằm tăng tín dụng và giảm lãi suất, hỗ trợ sức cầu chứng khoán.

Xu hướng đầu tư theo cơ bản sẽ được quan tâm hơn, nhất là khi một nửa của quý hai đã qua. Kết quả kinh doanh quý hai sẽ được quan tâm hơn trong thời gian sắp tới.

Thị trường tuần này nhiều khả năng sẽ đan xen những phiên tăng giảm với tính thanh khoản có thể sụt giảm. Chiến thuật thận trọng bán cao, mua thấp để trung bình giá vốn sẽ được nhiều nhà đầu tư trung dài hạn áp dụng mạnh. Ngưỡng hỗ trợ 516 điểm đóng vai trò quan trọng để xác định xu hướng tiếp theo của thị trường. Vùng kháng cự cho Vn-Index tuần này ở mốc 525-528 điểm.

Công ty chứng khoán VnDirect

Thị trường đã đi vào xu hướng giảm với thanh khoản thấp và có thể sẽ dao động trong biên độ hẹp 505-525 điểm trong tuần này. Khả năng giảm của thị trường chứng khoán đang cao hơn khả năng tăng do một số nguyên nhân sau:

Rủi ro đến từ ảnh hưởng của kinh tế thế giới: kinh tế thế giới đang diễn biến khá phức tạp liên quan đến khủng hoảng nợ của các nước phát triển. Giới đầu tư đang lo ngại các bất ổn trên thị trường tiền tệ có thể làm chậm lại sự phục hồi của các nền kinh tế lớn.

Sự suy giảm của dòng tiền và lãi suất vẫn ở mức cao: dòng tiền quay vòng trong thị trường chứng khoán đang có xu hướng bị suy giảm do bị thị trường nhà đất và thị trường cổ phiếu OTC hút vốn. Thêm vào đó hiện nay chính sách của Ngân hàng nhà nước là không khuyến khích tăng trưởng tín dụng đối với chứng khoán và bất động sản làm khó khăn cho các nhà đầu tư tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Việc sử dụng công cụ vay cầm cố chứng khoán không thể tiếp sức cho thị trường tăng điểm bền vững.

Rủi ro tiềm ẩn từ vĩ mô: tình hình nhập siêu và lạm phát tuy chưa phải là nỗi lo qua lớn trước mắt nhưng đang có dấu hiệu ra tăng, đặt các nhà hoạch định chính sách vào bài toán nan giải trước mục tiêu đảm bảo tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát.

Trên quan điểm này, trong phiên giao dịch tuần này chiến thuật bán khi thị trường tăng điểm và mua khi thị trường giảm điểm về các mức hỗ trợ là lựa chọn hợp lý. Với mục tiêu trung và dài hạn ở vùng Vn-Index đạt 510+5 điểm là vùng nhà đầu tư nên giải ngân vào các mã có tin tức và chỉ tiêu tài chính tốt.

Công ty chứng khoán TP HCM (HSC)

Các mã nhỏ thuộc nhóm ngành bất động sản và các cổ phiếu mới niêm yết trong thời gian gần đây đã tăng liên tiếp trong bối cảnh các nhà đầu tư bắt đầu tìm cách khơi lại đợt tăng vừa qua.

Thị trường trong giai đoạn lình xình, bởi các nhà đầu tư chờ đợi một xu hướng rõ ràng. Cho đến khi xác định rõ xu hướng, có lẽ thị trường sẽ khó có đột biến trong vài phiên tới. Tuy nhiên, với lượng đặt bán giảm trở lại thì có vẻ như làn sóng bán ra trong tuần qua dần lắng dịu và thị trường có thể tăng trở lại trong tuần này.

Công ty chứng khoán Sacombank (SBS)

Trong giai đoạn hiện tại, tâm lý chung của các nhà đầu tư sẽ là dè dặt, thận trọng đối với quyết định đầu tư của mình. Thâm chí sẽ hạn chế tham gia cho đến khi nhà đầu tư nhận thấy dấu hiệu cải thiện của tính thanh khoản cũng như các chỉ số vĩ mô trong tháng 5 (CPI, nhập siêu..) được công bố.

Tuy nhiên, nếu khối lượng giao dịch không tăng và thị trường chỉ ở xu hướng đi ngang như chu kỳ đầu tháng 4 thì việc dòng tiền quay trở lại với các cổ phiếu penny có khả năng rất cao. Bởi các cổ phiếu penny tăng nóng trong đợt vừa qua sẽ giảm mạnh về mức giá hấp dẫn, thu hút dòng tiền đầu cơ quay lại. Mặc khác, một số mã penny có kế hoạch sản xuất kinh doanh tăng trưởng trong năm. Và nếu khả năng hoàn thành chỉ tiêu đặt ra ở mức cao hoặc có lợi nhuận đột biến mà đang nằm ở vùng giá hấp dẫn, sẽ là một sự lựa chọn cho các nhà đầu tư trong thời gian tới.

Những bất ổn của thị trường thế giới vẫn còn tồn tại. Một số vấn đề kinh tế chưa thể giải quyết trong ngắn hạn, thì sự điều chỉnh của chứng khoán toàn cầu trong một vài phiên vừa qua vẫn là yếu tố tác động đến tâm lý của khối ngoại. Các thông tin vĩ mô như CPI tháng 5 sắp được công bố, nếu tốt, có thể phần nào củng cố tâm lý cho các nhà đầu tư.

Thị trường sẽ tăng trong trung hạn, tuy nhiên trong ngắn hạn, xu hướng đi ngang, tích lũy sẽ là xu hướng chủ đạo của thị trường.

Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS)

Tâm lý bi quan của nhà đầu tư, sự điều chỉnh của nhóm cổ phiếu tăng nóng cùng với áp lực giải chấp được cho là những nguyên nhân khiến cho thị trường chứng khoán Việt Nam sụt giảm mạnh trong tuần qua.

Trong các yếu tố trên thì hoạt động giải chấp chính là yếu tố tác động mạnh nhất đến xu hướng thị trường. Tuy nhiên, những tác động đó có phần dịu bớt trong phiên giao dịch cuối tuần khiến cho tâm lý nhà đầu tư ổn định hơn. Nếu như không có biến động bất ngờ trên thị trường tài chính, chứng khoán thế giới thì nhiều khả năng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục lình xình trước cho đến hết tháng 5.

Nhà đầu tư nên bình tĩnh trước các quyết định gia tăng tỷ lệ cổ phiếu nắm giữ, hạn chế đầu tư vào các cổ phiếu penny trong giai đoạn này.

Công ty Cổ phần Chứng khoán Âu Việt (AVSC)

Tính từ đỉnh cao nhất ngày 6/5 đến ngày 14/5, Vn-Index đã giảm 30,7 điểm, tương ứng -5,5%. Đây là mức giảm khá mạnh trong một thời gian ngắn. Tương tự, HNX-Index cũng giảm 17 điểm (-9,01%).

Việc hai chỉ số giảm điểm mạnh trong tuần chủ yếu là do áp lực chốt lời ở nhiều cổ phiếu nhỏ đã tăng mạnh, cộng với áp lực bán xuất phát từ việc sử dụng đòn bẩy. Ngoài ra, nguy cơ vỡ nợ từ Hy Lạp có thể lan rộng sang các nước khác ở châu Âu cũng tác động không tốt đến tâm lý nhà đầu tư.

Vn-Index tăng điểm trở lại sau một loạt ngày giảm điểm là một dấu hiệu tích cực cho thấy đà giảm điểm phần nào đã được hãm lại. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch giảm xuống mức thấp cho thấy bên mua vẫn rất thận trọng

Giao dịch thận trọng cũng xảy ra với khối nhà đầu tư nước ngoài, tuy họ vẫn mua ròng nhưng giá trị mua ròng rất thấp, chỉ đạt 8,35 tỷ đồng. Như vậy, trong tuần qua khối ngoại giao dịch khá cầm chừng tổng giá trị mua ròng đạt 165 tỷ đồng trên sàn HOSE, đây là mức mua ròng thấp nhất kể từ đầu tháng 3 đến nay.

Kể từ đầu tháng 3, nhóm cổ phiếu nhỏ có sự gia tăng mạnh trong khi đó nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn không những không tăng mà còn giảm mạnh. Vì vậy, khi nhóm cổ phiếu nhỏ bị bán tháo trong những ngày qua cũng đã kéo theo cả nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục đi xuống (bao gồm cả những cổ phiếu vốn hóa lớn bị cầm cố cho đòn bẩy) làm cho hai chỉ số thị trường giảm mạnh.

Hiện tại, nhóm cổ phiếu nhỏ vẫn nằm trong xu hướng giảm, tuy đang chững lại nhưng với khoản chênh lệch quá xa nên nhiều khả năng nhóm này sẽ tiếp tục giảm. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đang ở mức đáy và khó giảm xâu hơn nữa.

Thị trường tuần này sẽ giao dịch giằng co đi ngang và có một phần xác suất tăng điểm. Tuy nhiên nhà đầu tư nên duy trì quan điểm thận trọng và hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính. Việc cải thiện khối lượng giao dịch sẽ là tín hiệu tốt cho khả năng thị trường tăng điểm bền vững.

Theo Nhật Hường ( VNE)

* Bản tin do các công ty chứng khoán cung cấp và chỉ mang tính tham khảo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm