Thiếu minh bạch, phí ngoài luồng cao

Không đọc bài phát biểu đã được in sẵn trong kỷ yếu, ông Lộc trình bày thêm những ý kiến mà ông nghĩ là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Sau khi cảm ơn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với chủ trương xây dựng một Chính phủ kiến tạo với các quan điểm dứt khoát, ông Lộc cho rằng vẫn còn một khoảng cách khá xa về chỉ số môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh và số lượng doanh nghiệp của nước Việt Nam so với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Ông Vũ Tiến Lộc: "Môi trường kinh doanh thiếu minh bạch, chi phí không chính thức còn cao thách thức doanh nghiệp". Ảnh: CHÂN LUẬN

“Nhiều chính sách kinh tế còn bất cập, thanh tra kiểm tra chồng chéo, thủ tục hành chính phiền hà, thực thi chưa nhất quán, sự thiếu minh bạch của môi trường kinh doanh và chi phí không chính thức còn cao… đang là những mối lo ngại lớn của cộng đồng doanh nghiệp” - ông Lộc thẳng thắn.

Dự báo năm 2017 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn đối với cộng đồng doanh nghiệp, ông Lộc liệt kê: “TPP đang trắc trở, xu hướng chống toàn cầu hóa gia tăng, khả năng Quỹ dự trữ Liên bang Mỹ có thể tăng lãi suất và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang ập tới…

Những nhân tố đó có thể dẫn tới sự đảo chiều của thương mại và đầu tư quốc tế, ảnh hưởng lớn đến các nền kinh tế mới nổi, có độ mở cao, coi xuất khẩu và đầu tư nước ngoài là những động lực tăng trưởng chính như Việt Nam”.

Từ đó, ông Lộc đề nghị Chính phủ đẩy mạnh cải cách thể chế, khơi dậy nội lực, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân trong nước và kết nối được khu vực này với các chuỗi giá trị toàn cầu, với các FDI chính là chìa khóa của sự phát triển bền vững.

Cụ thể hơn, ông đề nghị Chính phủ siết chặt kỷ cương thực hiện, tăng cường sự giám sát, phản biện của người dân và doanh nghiệp; thường xuyên sửa đổi các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh; xây dựng ngay chương trình hành động hỗ trợ chuyển đổi các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, sửa đổi những yêu cầu về thủ tục hành chính, chính sách thuế, tín dụng… không phù hợp để khuyến khích và thúc đẩy quá trình này.

Đặc biệt, đối với cải cách hành chính, ông Lộc đề nghị triển khai rộng rãi các mô hình và công nghệ cải cách đã thí điểm thành công ở một số địa phương và bộ, ngành. Đẩy mạnh thực hiện Chính phủ điện tử (như kinh nghiệm của ngành thuế/hải quan). Thực hiện mô hình trung tâm dịch vụ hành chính công và cơ quan xúc tiến và hỗ trợ đầu tư độc lập đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo tỉnh (mô hình Quảng Ninh).

“Tăng cường các kênh đối thoại giữa lãnh đạo chính quyền và doanh nghiệp. Bên cạnh các cơ chế đối thoại chính thức, khuyến khích cơ chế đối thoại không chính thức như “cà phê doanh nhân” có thể là một kinh nghiệm tốt” - ông Lộc nêu.

Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2016 là cơ chế đối thoại thường niên giữa Chính phủ Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có bài phát biểu trong ít phút nữa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm