Thoại miễn phí lấn sân nhà mạng

Ngày 7-3 tại TP.HCM, Line - doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ gọi miễn phí qua Internet đã tổ chức họp báo tuyên bố chính thức “tấn công” vào thị trường viễn thông Việt Nam. Thông tin này có thể khiến các nhà mạng thêm mất vui bởi sự bành trướng của các dịch vụ gọi và nhắn tin miễn phí qua Wi-Fi, 3G như Viber, Tango… và sắp tới là Facebook, đang làm họ bối rối trong việc đưa ra giải pháp cạnh tranh hữu hiệu. Thậm chí, ông lớn Viettel còn đòi chặn dịch vụ này lại.

Viber, Tango, Line là các dịch vụ Over The Top (OTT), đang được phát triển khá mạnh. Không chỉ DN quốc tế, cả DN trong nước cũng nhảy vào kinh doanh như VNG có Zalo, FPT có FPT chat… và đều tạo được sức hút với cộng đồng.

Sợ bị “ăn mòn” doanh thu khủng

Xu hướng sử dụng dịch vụ OTT đang lan tỏa mạnh, thể hiện qua lượng người dùng tăng chóng mặt. Tính riêng tại Việt Nam, mỗi ngày Viber nhận thêm 20.000 người dùng mới và con số tăng thêm vào tháng 2 là 500.000 người, đạt tổng cộng 3,5 triệu người dùng. Hay như Line mới xuất hiện ở Việt Nam từ tháng 9-2012 mà hiện có hơn 1 triệu người dùng. Ngay cả sản phẩm nội địa như Zalo, gần cuối tháng 2 đã đạt gần 1 triệu người dùng.

Thoại miễn phí lấn sân nhà mạng ảnh 1

Các dịch vụ nghe gọi, nhắn tin miễn phí đang được sử dụng rất rộng rãi trên smartphone. Ảnh: BÁ HUY

Nguyên nhân chủ yếu là lượng người dùng điện thoại di động thông minh (smartphone) ngày càng tăng, thao tác cài đặt phần mềm quá đơn giản. Người dùng chỉ cần vào App Store (đối với hệ điều hành iOS) hay Google Play (đối với hệ điều hành Android…) là tải được, sau đó đăng nhập số điện thoại, máy sẽ tự động gửi mã xác thực và tìm kiếm trong danh bạ những người đang cùng dùng ứng dụng. Vậy là xong, mọi người có thể dễ dàng gọi, nhắn tin cho nhau hoàn toàn miễn phí (thông qua Wi-Fi, 3G…).

Và tình hình trên buộc các nhà mạng phải phản ứng. Tại một hội thảo ngành thông tin truyền thông gần đây, đại diện Viettel phân tích, những dịch vụ viễn thông cơ bản như điện thoại, nhắn tin và truyền hình đang chiếm đến 80% doanh thu của các nhà mạng với khoảng 100.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, các dịch vụ này lại đang được các công ty nước ngoài cung cấp miễn phí trên mạng với số lượng người dùng tăng rất nhanh.

Các mạng di động lớn khác như VinaPhone, MobiFone, dù không lên tiếng nhưng cũng bắt đầu có những động thái liên quan. Chỉ khác Viettel một điều là họ không đòi chặn OTT.

Nên bắt tay hơn là chặn

Giải pháp chặn các dịch vụ OTT tại Việt Nam nghe có vẻ bất hợp lý, khó nhận được sự đồng tình từ cộng đồng. Bởi hầu hết các dịch vụ đều đang cho phép người dùng smartphone nhắn tin, nghe, gọi miễn phí. Chẳng hạn, Line tuyên bố sẽ phục vụ người dùng miễn phí, chỉ bán các biểu tượng được thiết kế riêng trong tin nhắn khi có yêu cầu với giá cực rẻ. Tương tự là Tango. Viber thì thông báo trên website riêng ngay từ đầu không kinh doanh bất cứ hình thức quảng cáo nào…

Theo ông Vương Quang Khải, Phó Tổng Giám đốc VNG, các dịch vụ OTT là xu hướng phát triển mới của công nghệ. Các nhà mạng quốc tế cũng chưa có giải pháp thống nhất để cạnh tranh. “Vì đây là xu hướng tất yếu nên giải pháp hợp lý nhất là hợp tác chặt chẽ để mang lại các trải nghiệm tốt nhất cho người dùng. Hướng mở sau khi hợp tác có thể là thu phí bằng cách trừ tiền trực tiếp vào tài khoản thoại, phí tin nhắn SMS gửi cho số điện thoại khác chưa cài ứng dụng...” - ông Khải nói.

“Thực tế, không chỉ với OTT, trước giờ Facebook, Messenger, Yahoo IM và Skype đã góp phần đáng kể làm giảm doanh thu các nhà mạng. Nhưng như tôi đã nói, đây là xu hướng tất yếu nên các quốc gia sẽ phải phát triển chính sách nhằm quản lý phù hợp hơn” - ông phân tích thêm.

Ông Nguyễn Phong Lộc, Giám đốc Game Mobile - Công ty NHN, đại diện Line tại Việt Nam, cho biết ở Nhật Bản, Hàn Quốc, phần lớn các nhà mạng đều hợp tác với Line. Trong đó có sự phân chia kinh doanh gói cước gắn với dịch vụ, điều này có lợi cho nhà mạng lẫn DN và người dùng. “Line đã làm việc với hai nhà mạng lớn của Việt Nam nhưng chưa nhận được phản hồi. Với xu thế xây dựng kênh viễn thông mới, có lợi cho nhiều bên, chúng tôi hy vọng sẽ có sự hợp tác giữa hai bên” - ông Lộc chia sẻ.

Theo đại diện của một nhà mạng lớn, sự ảnh hưởng của OTT đến doanh thu thực tế các nhà mạng là không thể tránh được. Thế nhưng chắc chắn là sẽ không có việc nhà mạng chặn các dịch vụ OTT. Còn việc hợp tác như thế nào thì cần phải theo dõi, nghiên cứu thêm.

Không gì cản nổi OTT

Dẫu chỉ ra đời được 1-2 năm nhưng dịch vụ OTT đang lan rộng khắp thế giới. Đơn cử như Line, ra mắt vào tháng 6-2011 sau thảm họa động đất, sóng thần tại Nhật Bản nhằm đáp ứng nhu cầu liên lạc cấp thiết của người dân nơi đây. Sau đó Line đã nhanh chóng lan tỏa đến 231 quốc gia và chỉ mất hơn 19 tháng để vượt con số 100 triệu người dùng. Hay như Viber, một công ty nhỏ của Israel, tuyên bố chạm mốc 175 triệu người dùng chỉ sau hơn 12 tháng ra mắt. Mỗi tháng có 6 tỉ tin nhắn và 2 tỉ phút gọi được thực hiện qua Viber, tính trung bình có 10 triệu cuộc gọi mỗi ngày.

Trong khi một số nước Ả Rập cấm hoàn toàn việc sử dụng OTT thì các nước phát triển như Mỹ, dù các nhà mạng bị giảm doanh thu khá lớn nhưng vẫn mở cửa đối với OTT.

NHƯ VŨ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm