Thuế về 0%, ngành gỗ sẽ hưởng lợi lớn

Tại hội thảo "Cơ hội từ thương mại Mỹ-Trung giữa hai làn Hiệp định EVFTA/CPTPP và sự hình thành trung tâm đồ nội thất thế giới tại Việt Nam" vừa diễn ra, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết nếu hai hiệp định CPTPP và EVFTA được đưa vào thực thi năm 2019 sẽ có tác động tương đối lớn đến ngành gỗ Việt Nam.

Ông Khánh cho biết như đã biết Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn CPTPP vào ngày 12-11 vừa qua, và ngày 15-11, Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam - ông Phạm Bình Minh đã chính thức trao Chính phủ New Zealand thư thông báo Việt Nam đã hoàn tất phê chuẩn Hiệp định CPTPP.

Như vậy hiệp định có hiệu lực vào ngày 14-1-2019 và chính thức mở ra những thị trường mới đối với Việt Nam như là Mexico, Canada và Peru.

“Năm 2017, chúng ta xuất khẩu vào thị trường Canada trên 129 triệu USD, 10 tháng đầu năm 2018 đã đạt 131 triệu USD, và dự kiến cả năm đạt 140 triệu USD. CPTPP là cơ hội cho ngành gỗ như ván sàn, gỗ thanh bởi mức thuế 3,5% sẽ được xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực.

Các sản phẩm như ván dán, ván ghép, khung tranh, khung cửa và nhất là đồ nội thất cũng sẽ có cơ hội bởi mức thuế nhập khẩu từ 6% đến 9,5% sẽ được xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực. Hàng thủ công mỹ nghệ bằng gỗ cũng sẽ được hưởng lợi khi Canada đồng ý xóa bỏ mức thuế nhập khẩu 7% ngay khi hiệp định có hiệu lực” - ông Khánh nói.

Theo ông Trần Quốc Khánh, Mexico chưa phải là thị trường chính xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam, vì thuế nhập khẩu trên thị trường này khá cao từ 10% đến 15%. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nên bắt đầu tìm hiểu và chuẩn bị phương án tiếp cận thị trường này.

Vì Mexico đã đồng ý xóa bỏ thuế nhập khẩu cho đồ gỗ trong Hiệp định CPTPP cho ván dán, ván thanh, gỗ sàn, đồ nội thất và ngoại thất với lộ trình tối đa lên đến 10 năm và cơ hội lớn dần theo thời gian khi thuế giảm dần về 0% theo lộ trình

Với Hiệp định EVFTA đã kết thúc đàm phán từ năm 2015. Và hai bên đã dành rất nhiều thời gian và công sức để rà soát hết hiệp định. Công việc này đã hoàn tất vào năm 2017. Do vướng mắc nhiều vấn đề nảy sinh cần giải quyết, hy vọng đến đầu quý 1-2019, hiệp định này sẽ trình hội đồng EU và Quốc hội Việt Nam phê chuẩn. Và theo kế hoạch có thể ký kết vào nửa đầu năm 2019. Đây là tin vui đối với ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Bởi EU là thị trường rất quan trọng với ngành gỗ.

Năm 2017, ngành gỗ việt nam xuất khẩu sang EU là 750 triệu USD. Thị trường EU có dư lượng 80-90 tỉ USD. Vậy Việt Nam chỉ chiếm chưa đầy 1% thị trường này. Do đó tiềm năng rất là lớn khi hiệp định này đưa vào thực thi. Đặc biệt là ván dán với thuế hiện nay là 7% sẽ về 0% sau năm năm. Ván dăm thuế hiện hành là 7% cũng sẽ về 0% sau năm năm. Đối với gỗ thanh, thuế hiện hành là 3%-4% sẽ về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Đồ gỗ dùng cho nhà bếp thuế hiện hành là 2% sẽ xóa bỏ ngay hiệp định có hiệu lực, tạo ra cơ hội mới cho ngành gỗ.

Tuy nhiên, theo ông Khánh, vấn đề quan trọng nhất khi tiếp cận thị trường EU chưa phải là Hiệp định EVFTA. Vì người tiêu dùng tại EU hay các thị trường như Hoa Kỳ, Nhật quan tâm về phát triển rừng. Họ đã đặt ra những yêu cầu rất cao sử dụng nguyên liệu gỗ có nguồn gốc hợp pháp trong ngành chế biến gỗ.

Vì vậy Việt Nam phải chú trọng thực thi nghiêm túc Hiệp định FLEGT về kiểm soát nguồn gốc gỗ mới ký với EU vào tháng 10 vừa qua. Nếu thành công thực thi hiệp định này thì cơ hội to lớn cho ngành gỗ việt nam không chỉ là thị trường EU mà cả thị trường Mỹ và Nhật.

“Kinh doanh luôn là sự tổng hòa giữa cơ hội và rủi ro. Có những điều chúng ta tưởng là cơ hội như xung đột thương mại Mỹ-Trung nhưng đi sâu vào phân tích  thấy rủi ro rất lớn, hay ít nhất là cơ hội không lớn như chúng ta tưởng. Có những điều tưởng như là sức ép là thách thức như tuân thủ Hiệp định FLEGT nhưng nhìn vấn đề toàn diện hơn, đây chính là cơ hội.

Từ đây có thể suy ra rằng ngành chế biến gỗ thực sự hiệu quả chất lượng đáp ứng được nguyên tắc xuất xứ Việt Nam, nói không các hành vi lẩn tránh, thật sự quan tâm đến người tiêu dùng đáp ứng yêu cầu thời đại bảo vệ môi trường, biết nói không với gỗ bất hợp pháp chắc chắn là ngành gỗ sẽ phát triển mạnh trong giai đoạn dài hạn, không cần quá để ý cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang làm gì và Hiệp định EVFTA khi nào đưa vào thực thi” - ông Khánh cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm