Tiểu thương "giành" khách hàng với siêu thị

Sự hiện diện của kênh mua bán hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã tác động tiểu thương các chợ tích cực thay đổi phong cách mua bán để giữ khách hàng.

Niêm yết giá rõ ràng

Đến với chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình, TP.HCM) thời gian này, nhiều người sẽ cảm thấy thoải mái khi từ hàng hải sản, rau quả đến hàng thịt hay gia vị đều để bảng giá rất rõ ràng. Anh Võ Văn Đợi, một tiểu thương ở chợ, cho biết trưng bảng giá như vậy để khách hàng dễ chọn lựa, cân nhắc xem có phù hợp với túi tiền hay không rồi mua. Mặt hàng đa dạng, giá rõ “như ban ngày”, khách không cần hỏi, chủ cũng không cần rao nhiều lần như trước.

Một số tiểu thương khác ở chợ này cho biết thấy các quầy kế bên đều có giá cả rõ ràng, khách đến mua nhiều nên họ cũng làm theo.

“Phải thay đổi thôi!” - chị Phạm Thị Cang, tiểu thương ngành hàng mỹ phẩm chợ Hòa Hưng (quận 10), khẳng định. Chị nói: “Mặc dù gian hàng nằm ở lầu một, nhiều khách hàng phải gửi xe nhưng họ vẫn tìm đến. Có lẽ do mình bán đúng giá, hàng chất lượng, vui vẻ, niềm nở dù khách đến nhưng không mua hàng”.

Tiểu thương "giành" khách hàng với siêu thị ảnh 1

Một gian hàng bán rau có để bảng giá rõ ràng ở chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình, TP.HCM). Ảnh: TÚ UYÊN

Ở đây không chỉ quầy của chị mà có đến gần 20 sạp có phong cách bán hàng như vậy theo tiêu chí chương trình “Điểm sáng văn minh” của chợ.

Tự mình nhận thức phong cách mua bán vui vẻ, niềm nở mới là “chiêu” hút khách, chị Lê Thị Ngọc Hoa - tiểu thương ngành chế biến thực phẩm chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) kể: “Trước đây khi mới ra buôn bán cũng dữ dằn lắm, khách đến chọn hàng mà không mua là khó chịu, đốt phong long, cằn nhằn… Sau này mình nhận thấy kiểu bán đó không phù hợp nữa vì người mua họ sợ, một đi không trở lại, mà ở chợ đâu có mỗi quầy của mình”.

Theo quan sát của chúng tôi trong lúc trò chuyện, có khách đến quầy dù chỉ hỏi rồi trả giá rồi đi thì chị và người phụ bán cũng không hề tỏ thái độ khó chịu. “Quan trọng là bán đúng giá, chất lượng hàng đảm bảo như vậy mới giữ được chữ tín” - chị nói thêm.

Cạnh tranh với siêu thị

Qua quá trình thực hiện dự án “Huấn luyện kỹ năng bán hàng cho tiểu thương”, ông Hồ Minh Chính, Giám đốc Trung tâm Đào tạo bán hàng chuyên nghiệp K.A.S, nhận xét trước đây tiểu thương hay bán theo kiểu nói thách, nhìn thấy khách sang thì tiếp không thì thôi, không quan tâm đến việc trưng bày hàng hóa... Thậm chí, doanh nghiệp có đưa chương trình khuyến mãi đến chợ thì họ cũng không chuyển đến người tiêu dùng.

“Nhiều tiểu thương cứ nghĩ đã buôn bán mấy chục năm rồi nên không cần thay đổi gì, tuy nhiên họ cũng rất lo lắng khi nhận thấy áp lực cạnh tranh từ siêu thị và cửa hàng tiện lợi, tình hình buôn bán thì ế ẩm... Sau khi được chúng tôi phân tích, hướng dẫn kỹ năng ứng xử giao tiếp với khách hàng, lợi ích từ việc bán đúng giá, có khuyến mãi cho người mua… hầu hết tiểu thương đều cho biết những điều này không hề khó thực hiện. Thậm chí có tiểu thương còn tự đưa ra chương trình khuyến mãi chứ không đợi doanh nghiệp triển khai. Ví dụ, khách hàng mua 10 kg gạo được tặng 1 kg hay mua nhiều được giao tận nhà…” - ông Chính nói.

Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết kênh phân phối chợ chiếm tỉ lệ lớn trong tỉ trọng ngành hàng bán lẻ. Để cạnh tranh được với kênh phân phối hiện đại thì việc xây dựng phong cách tiểu thương là rất cần thiết. Hằng năm, Sở đều tổ chức lớp huấn luyện bồi dưỡng kỹ năng kinh doanh, vận động tiểu thương chống hàng gian, hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu, tạo uy tín xây dựng thương hiệu ở chợ… Ngoài ra, Sở còn kết hợp với Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tổ chức lớp học nghiệp vụ bán hàng cho tiểu thương theo quận, huyện.

Cũng theo bà Lê Ngọc Đào, hiện nay, các chợ loại 1, 2 và 3 đều tổ chức quản lý theo tổ ngành hàng kiểu mẫu với quy chế hoạt động riêng như niêm yết và bán đúng giá, chấp hành các quy định trong kinh doanh như đảm bảo vệ sinh môi trường… tạo sự cạnh tranh lành mạnh và cảm giác an tâm cho người tiêu dùng. Một khi tiểu thương tự nhận thức được sự thay đổi sẽ làm tăng mãi lực và phối hợp thực hiện cùng ban quản lý chợ thì việc kéo sức mua sẽ thành công.

Các siêu thị có vốn mạnh, phục vụ chuyên nghiệp, hàng hóa lại nhiều. Vì vậy chúng tôi cũng đi xem xem họ làm thế nào và cuối cùng đã tìm ra cách riêng để giữ khách của mình. Ví dụ giá bán của một sản phẩm được in trên chai, khi bán có thể giảm vài ngàn đồng cho người mua hoặc khi công ty có chương trình khuyến mãi cho tiểu thương thì chúng tôi nhường phần đó cho khách và chịu giảm bớt lời một tí.

Chị PHẠM THỊ CANG,tiểu thương ngành hàng mỹ phẩm chợ
Hòa Hưng (quận 10, TP.HCM)

TÚ UYÊN

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Rào chắn bao quanh cửa hàng xăng dầu. ẢNH: TÚ UYÊN

TP.HCM: 18 cửa hàng xăng dầu tạm ngưng hoạt động

(PLO)- Theo Sở Công thương TP.HCM, các cửa hàng xăng dầu này tạm ngưng với các lý do để sữa chữa nâng cấp, do giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu hết hạn, đang thực hiện thủ tục theo quy định.

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

(PLO)- Với doanh thu năm 2023 đạt trên 170.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.800 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tiếp tục giữ ổn định các hệ số tài chính quan trọng và đủ khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.