TP.HCM dành hơn 18.000 tỉ đồng chuẩn bị hàng Tết

Chiều 24-12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải có cuộc họp với Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm về công tác đảm bảo hàng hóa cuối năm 2018 và Tết 2019.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, báo cáo hiện nay tham gia chương trình bình ổn thị trường TP.HCM có 90 DN tham gia. Lượng hàng cung cứng cho người dân TP.HCM là từ ba nguồn gồm DN tham gia chương trình bình ổn chiếm 30%-40% thị phần, ba chợ đầu mối chiếm 70% thị phần, nguồn từ các DN khác 20% thị phần.

Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm phát biểu tại cuộc họp.

Theo bà Trang, thời gian qua Sở Công Thương chủ động phối hợp cùng các sở ngành, Ban ATTP… kiểm tra các đơn vị sản xuất trện địa bàn cũng như các tỉnh về tình hình chuẩn bị nguồn hàng cung ứng Tết cho thấy các DN đã hoàn tất, đảm bảo đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Lượng hàng các DN trong chương trình bình ổn thị trường chuẩn bị tăng 16,9% so kế hoạch thành phố giao, tăng 23%-36% so kết quả thực hiện Tết 2018.

Các DN chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho hai tháng Tết là 18.424,8 tỉ đồng, tăng 3,44% so với nguồn vốn chuẩn bị tết 2018. Trong đó giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là 7.532,6 tỉ đồng. Riêng tháng cao điểm phục vụ tết tổng giá trị hàng hóa của các DN chuẩn bị là 10.812,1 tỉ đồng. Trong đó, DN hàng bình ổn thị trường là 4.211,8 tỉ đồng.

Nhiều nhóm hàng được chuẩn bị lượng lớn, chi phối thị trường 32%-58% nhu cầu thị trường như thịt gia cầm chiếm 55,2%, trứng gia cầm chiếm 51,1%,...

Tại ba chợ đầu mối lượng hàng hóa nhập chợ bình quân trên 9.000 tấn/ngày. Dự kiến, vào cận tết, lượng hàng về chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 15.000-16.000 tấn/ngày....

Các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ Tết với số lượng tăng từ hai đến ba lần so với tháng thường.

Về giá cả phục vụ hàng Tết, các DN tham gia trong chương trình bình ổn thị trường cam kết ổn định giá không tăng giá trước trong và sau tết. Đối với chợ truyền thống, ban quản lý các chợ có phương án tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát về việc chấp hành các quy định pháp luật về giá, niêm yết giá, không kinh doanh hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Đặc biệt trong hai ngày cận tết các mặt hàng thiết yếu trứng gà trứng vịt Ba Huân giảm giá 1.000-2.000/chục.

Ở góc độ DN, bà Phạm Thị Huân, Tổng giám đốc công ty Ba Huân cho biết doanh nghiệp này đã tham gia hơn 10 năm bình ổn tết. Lượng hàng tết năm 2019 công ty dự trữ tăng hơn 20% so với năm 2018.

Ông Nguyễn Phúc Khoa, Phó Tổng giám đốc Satra cho biết lượng hàng dự kiến tăng 20% tương đương 1.500 tỷ đồng. Lượng hàng các DN thành viên tham bình ổn thị trường chuẩn bị 7.300 tấn tương đương 900 tỷ đồng. Tập trung vào các mặt hàng như thịt heo tươi sống do Vissan cung ứng 3.200 tấn, tăng 20% so với tết năm 2018, thực phẩm chế biến 3.250 tấn trong đó Vissan chuẩn bị 2800 tấn…

Theo ông Khoa, ngoài nhóm hàng bình ổn, sản lượng hàng hóa Satra chuẩn bị 500 tỷ đồng, tập trung vào các mặt hàng như bia rượu nước giải khát 150 tỷ đồng, hàng đông lạnh 67 tỷ đồng….Thực phẩm mặn và thực phẩm khô chuẩn bị 84 tỉ đồng; bánh kẹo trà sữa trái cây...chuẩn bị 52 tỷ đồng.

“Tại chợ Bình Điền, dự báo sản lượng hàng hóa về chợ đêm cận tết thì trong 10 đêm cận tết sản lượng về chợ tăng bình quân 20%-205% bình thường 2.800 tấn, năm nay cá biệt có ngày 27-28 tết tăng 4.000 tấn. Đặc biệt, thịt heo, rau củ có thể tăng gấp hai, trái cây tăng gấp bốn lần so với ngày thường. Do sản lượng nhập chợ nhiều, đảm bảo cung ứng cho thị trường, nên giá cả dự báo chung không biến động nhiều” - ông Khoa nói.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cùng lãnh đạo thành phố quan tâm đến vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm nhất trong dịp tết, đặc biệt dịch bệnh tả heo Châu Phi thì TP.HCM thực hiện kiểm soát thế nào…

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, thành phố vẫn duy trì các đoàn liên ngành kiểm tra để kiểm soát tình hình dịch bệnh. Hiện nay có năm trạm kiểm dịch đầu mối kiểm soát nguồn thực phẩm đưa vào thành phố tiêu thụ.

Bên cạnh đó, Sở cũng đang trình UBND TP.HCM để ban hành kế hoạch ứng phó với ba tình huống là chưa có dịch bệnh ở Việt Nam, có dịch bệnh ở Việt Nam và có xảy ra ở TP.HCM…” - đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM thông tin.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban quản lý ATTP cho biết làm sao đảm bảo an toàn thực phẩm thì không chỉ trong dịp tết mà chuyện hàng ngày Ban vẫn làm nhưng tết thì trung tăng cường hơn.

Đối với hệ thống bán lẻ thành phố sẽ tăng cường lấy mẫu ở các hệ thống siêu thị. Hiện nay chiếm 70% thị phần là ở chợ truyền thống nên Ban tăng cường kiểm tra kiểm soát an toàn thực phẩm từ các chợ đầu mối. Theo đó, sẽ có những Đội quản lí ATTP xuống quận huyện hoặc có những đội trực chiến tại chợ đầu mối để kiểm soát nguồn hàng từ tỉnh về thành phố và từ chợ đầu mối về các chợ truyền thống.

“Quan trọng tăng cường thanh kiểm tra các cơ sở. Quan điểm là cơ sở nào không phép sẽ không tồn tại. Người dân cũng phải ủng hộ thực phẩm sạch, muốn có thì mua ở các địa chỉ uy tín. Cơ quan quản lý nhà nước không dang tay ôm được hết. Nếu vừa ngon bổ rẻ an toàn tiện lợi từ vỉa hè, hàng hóa không kiểm soát nguồn gốc... thì sao được” - bà Lan nói.

Thứ trưởng Hải đánh giá cao công tác chuẩn bị hàng tết cũng như các chương trình khác của thành phố dịp cuối năm rất kỹ.

Đối với TP.HCM thì những năm gần đây bộ ngành tin tưởng về chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho thị trường tết vì không chỉ đảm bảo cung cấp cho TP.HCM mà cả phía Nam lẫn toàn quốc.

Ông Hải cũng đề nghị tiếp tục thực hiện theo Chỉ thị số 08/CT-BCT của Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2018 và dịp Tết 2019.

Theo Thứ trưởng Hải, dù các DN có cam kết về giá nhưng lưu ý thành phố không chủ quan về giá thịt heo, do giá cả vẫn phụ thuộc vào thực tế, giữa cung-cầu. TP.HCM cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, nếu có đột biến xảy ra thì kịp thời báo cáo ngay các Bộ ngành liên quan để xử lý tháo gỡ ngay. Cần tăng cường kiểm tra chống hàng giả hàng nhái, vệ sinh ATTP.

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM, tiếp thu các góp ý và khẳng định TP.HCM đảm bảo nguồn hàng tết, các DN cam kết không tăng giá trước trong và sau tết. Thậm chí nhiều DN trên địa bàn thành phố còn thực hiện nhiều chương trình khuyến cho các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết. Tuy nhiên, TP.HCM không chủ quan về vấn đề giá cả và có các biện pháp kịp thời đảm bảo ổn định giá cả...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm