Trái cây Việt thoát cảnh giá bèo

Để tăng cường đầu ra và giữ giá cho quả vải thiều, chiều 16-6, hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ quả vải vùng Đông Tây Nam Bộ năm 2014 tại TP.HCM.

Mở nhiều “cửa ra” nội địa lẫn quốc tế cho nông sản

Ông Bùi Văn Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết mùa vụ năm nay nông dân được mùa vải và giá vẫn giữ ở mức ổn định. Nếu tính trung bình cả vụ giá khoảng 14.000 đồng/kg, đảm bảo nông dân có lãi.

Dự kiến năm nay doanh thu quả vải lên mức hơn 2.000 tỉ đồng. So với cùng kỳ các năm trước đây thì giá vải có lúc rớt giá xuống chỉ còn 5.000-6.000 đồng/kg, nông dân chấp nhận lỗ.

Để thay đổi được vòng luẩn quẩn tắc đầu ra, được mùa mất giá thì những năm trở lại đây Bắc Giang đã cùng tỉnh Hải Dương tổ chức các hội nghị liên kết với các tỉnh cửa khẩu như Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Giang, Quảng Ninh để bàn giải pháp tiêu thụ mặt hàng nông sản này.

Người dân đang cân vải thiều tỉnh Bắc Giang bán cho đại lý. Ảnh: CTV

Ngoài ra, tỉnh còn liên kết với các chính quyền các tỉnh biên giới của Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi thông quan nông sản vào vụ thu hoạch qua cửa khẩu nhanh chóng. Có những trường hợp thiếu giấy tờ hành chính nhưng nếu là hàng vải thiều thì các cửa khẩu vẫn cho thông quan trước rồi yêu cầu bổ sung sau. Tỉnh tạo mọi điều kiện để các thương nhân Trung Quốc vào thu mua và vận chuyển vải tốt nhất. Vì vậy, việc tiêu thụ sang thị trường chính của quả vải là Trung Quốc (chiếm 40% thị phần) rất ổn định, được giá.

Bên cạnh đó, để khai thác thị trường nội địa vốn tiêu thụ tới 60% sản lượng vải mỗi năm nhưng nhiều năm qua đã bị bỏ quên, hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương đã kết nối với TP.HCM để tạo nhiều đầu ra cho quả vải. Cụ thể, lãnh đạo Sở Công Thương các tỉnh đã ký kết về việc hỗ trợ tiêu thụ quả vải. Các huyện của hai tỉnh Bắc Giang, Hải Dương ký kết biên bản thỏa thuận tiêu thụ quả vải với các chợ đầu mối, hệ thống siêu thị và cả doanh nghiệp TP.HCM.

Ông Nguyễn Anh Cương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, cho hay sắp tới sẽ ký kết đẩy mạnh tiêu thụ nhiều loại nông sản đặc sản khác của tỉnh như quả mãng cầu, nhãn, ổi… ở thị trường phía Nam.

Tỉnh sẽ chỉ đạo tới các huyện, xã tạo điều kiện tốt nhất về giao thông cho các DN vận chuyển quả vải. Đồng thời kết nối với các tỉnh, thành phố dọc quốc lộ 1A để thiết lập hệ thống tiêu thụ vải Bắc - Nam. Với ba chợ đầu mối nông sản lớn, hệ thống siêu thị phủ đầy 24 quận, huyện và hơn 200 chợ truyền thống, TP.HCM sẽ có điều kiện tốt nhất đẩy mạnh tiêu thụ nông sản. Ngoài ra, TP.HCM cũng đã ký kết hợp tác với các tỉnh Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long để tạo ra nhiều đầu mối tiêu thụ nông sản hơn.

Công nghệ bảo quản tốt thì giá nông sản cao

Theo đại diện các tỉnh và DN, ngoài giải pháp đảm bảo đầu ra cho nông sản thì công nghệ bảo quản sau thu hoạch chính là yếu tố quan trọng để giúp nông sản giữ được chất lượng, tăng giá trị và tiêu thụ lâu dài.

Ông Bùi Văn Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, chia sẻ: “Hiện nay đã có một vài DN chế biến xuất khẩu quả vải tươi sang Nhật Bản với giá trị rất cao. Chỉ với năm quả vải tươi giá bán tại Nhật lên tới 16 USD. Nhưng hiếm DN làm được điều này.

Các DN muốn bán hàng giá tốt như trên thì phải có công nghệ “đông lạnh tế bào” có thể bảo quản quả vải tươi trong vòng hai năm. Kỹ thuật cao trong cấp đông, rã đông rau quả như vậy giúp quả vải vẫn tươi nguyên, không hề ảnh hưởng đến chất lượng, đảm bảo dinh dưỡng và an toàn thực phẩm. Chính các DN Trung Quốc cũng nhờ công nghệ bảo quản hiện đại, vải nhập từ Việt Nam được chuyển tận Bắc Kinh và làm quà tặng cho các lãnh đạo cao cấp chứ người dân nước họ chưa chắc được thưởng thức.

“Trong khi đó, DN nước ta chỉ bảo quản lạnh cùng lắm là một tháng, nếu xuất khẩu sang thị trường xa, bảo quản làm lạnh không đảm bảo thì sang tới nơi trái cây đã mất màu, hư hỏng, mất giá. Tỉnh cũng đang tạo điều kiện cho các tập đoàn có công nghệ đông lạnh cao cấp của Nhật Bản mở rộng thu mua, chế biến xuất khẩu, còn công nghệ họ vẫn giữ bí mật” - ông Hạnh nói.

Đồng quan điểm với ông Hạnh, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng Bộ NN&PTNT cần nghiên cứu phát triển công nghệ bảo quản nông sản sau thu hoạch, có chính sách khuyến khích nhà khoa học nghiên cứu công nghệ bảo quản cho nông sản Việt. Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ về vốn vay, thuế cho các DN thu mua xuất khẩu những mặt hàng nông sản “nhạy cảm” dễ bị được mùa rớt giá, phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường.

 

“Mềm nhưng rắn” với thương lái Trung Quốc

Chính quyền các địa phương sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất về giao thông và an ninh trật tự cho thương lái Trung Quốc thu mua vải thiều. Tuy nhiên, các địa phương sẽ kiểm soát chặt các đối tượng thương lái Trung Quốc thu mua đến từng điểm cân hàng, nếu có hành vi trái pháp luật sẽ xử lý nghiêm. Nếu xảy ra tình trạng mua nông sản dị biệt như lá vải khô những năm trước, chính quyền địa phương sẽ cảnh báo nông dân và có giải pháp ngăn chặn kịp thời.

Ông NGUYỄN ANH CƯƠNG,
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương

300 mặt hàng Việt vào Tập đoàn bán lẻ hàng đầu Singapore

Hiện nay TP.HCM đã kết nối được với một tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Singapore là FairPrice. Với ký kết hợp tác này, hơn 300 mặt hàng Việt sẽ được vào hệ thống siêu thị lớn nhất đảo quốc sư tử này. Nếu làm tốt khâu bảo quản thì quả vải cũng như các mặt hàng trái cây khác sẽ tăng được giá trị, thêm nhiều đầu ra, thoát khỏi vòng luẩn quẩn lo được mùa rớt giá.

Bà NGUYỄN THỊ HỒNG, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM

QUANG HUY

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Rào chắn bao quanh cửa hàng xăng dầu. ẢNH: TÚ UYÊN

TP.HCM: 18 cửa hàng xăng dầu tạm ngưng hoạt động

(PLO)- Theo Sở Công thương TP.HCM, các cửa hàng xăng dầu này tạm ngưng với các lý do để sữa chữa nâng cấp, do giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu hết hạn, đang thực hiện thủ tục theo quy định.

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

(PLO)- Với doanh thu năm 2023 đạt trên 170.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.800 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tiếp tục giữ ổn định các hệ số tài chính quan trọng và đủ khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.