Trắng tay vì trồng phải giống mắc ca ‘đểu’

  • Trắng tay vì trồng phải giống mắc ca ‘đểu’ ảnh 1

Mắc ca, mặt hàng “hot” nhưng cũng đang gây điêu đứng cho nhiều hộ dân ở Lâm Đồng.

Khốn đốn vì… “cây bạc tỉ”

Anh Trần Chiến Thắng ở xã Tân Hà, huyện Lâm Hà ngậm ngùi kể: “Năm 2009, nghe nói trồng mắc ca có thể thu về bạc tỉ, gia đình tôi đã đốn bỏ 2 ha cà phê trưởng thành để chuyển sang trồng loài cây lạ này. Đến nay, sau 6 năm mòn mỏi đợi chờ, cứ tưởng mình có thể đổi đời, ai ngờ giờ lại trắng tay”.

Anh Thắng cho biết, cây lên cao, cành lá sum suê, tươi tốt nhưng chẳng có dấu hiệu đơm hoa kết trái gì cả, trong khi gia đình an đã bỏ ra rất nhiều công sức, tiền của. Trước đây, với 2 ha cà phê trưởng thành, mỗi năm gia đình anh thu gần 400 triệu đồng, giờ thì mất cả chì lẫn chài.

Anh Huỳnh Văn Giàu ở xã Tà Nung, TP. Đà Lạt cũng đang rơi vào tình trạng dở khóc dở cười tương tự. Anh chia sẻ: “Gia đình tôi bỏ tiền tỉ ra để đầu tư, tới nay chưa thu hoạch được đồng nào, nhiều người bảo trồng mắc ca tới 3 - 5 năm thì cây bắt đầu cho quả, vậy mà gần 3 ha mắc ca của tôi đã 7 năm rồi cũng chỉ lác đác được vài quả. Bỏ thì thương mà vương thì tội, tôi không biết nên tiếp tục chờ đợi hay chặt bỏ để trồng cây khác đây”.

Trắng tay vì trồng phải giống mắc ca ‘đểu’ ảnh 2

Người dân tự ươm cây giống mắc ca để bán.

Khi được hỏi về nguồn gốc giống, anh Thắng cho hay: “Hồi đó, khi hỏi đặt mua cây giống thì Trung tâm dịch vụ khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Ba Vì báo giá hơn 100.000 đồng/cây, nhiều đơn vị khác báo giá vài trăm ngàn đồng/cây. Thấy giá cao quá nên tôi quyết định tự mua hạt về ươm cây làm giống”.

Đó cũng là tình trạng chung của rất nhiều nông dân ở Lâm Đồng hiện nay. Họ phải chặt bỏ hàng loạt vườn mắc ca do tự ươm cây làm giống hoặc mua giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc, chất lượng kém.

Vì sao mắc ca gây “sốt”?

Anh Phạm Văn Ba, ở 40/3 Nguyễn Chí Thanh, thị trấn Thạch Mỹ, huyện Đơn Dương cho biết: 6 sào mắc ca của anh cho 4 tấn hạt/năm. Sản phẩm thu được chủ yếu bán cho người ta ươm giống với giá loại 1từ 400.000 – 500.000 đồng/kg, loại 2 cũng từ 200.000 – 250.000 đồng/kg.

Trong năm qua, gia đình anh thu được hơn một tỉ đồng nhờ cây mắc ca. Trồng vậy cũng chưa đủ bán cho người dân trong vùng, cầu lúc nào cũng vượt cung. Khách hàng muốn mua phải điện thoại trước mới có hàng.

Trắng tay vì trồng phải giống mắc ca ‘đểu’ ảnh 3

Không nhiều người có được niềm vui với mắc ca như thế này.

Ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Lâu nay, người dân tự phát đổ xô trồng mắc ca bằng các loại giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc từ vườn ươm của các cá nhân, đơn vị trong vùng, hoặc tự ươm cây làm giống khiến giá hạt mắc ca cao ngất ngưởng và không có một giá nhất định, tạo ra một thị trường ảo. Điều này khiến chúng tôi hết sức lo ngại”.

Theo ông Sơn, mặc dù Sở NN&PTNT tỉnh đã tuyên truyền, khuyến cáo nhưng người dân dường như phớt lờ những cảnh báo này. Điều này sẽ gây ra những hậu quả khó lường về sau. Thứ nhất, với việc trồng giống không có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng kém, thiệt hại kinh tế là điều dễ hiểu, vì đây là loại cây rừng phải trồng lâu năm. Thứ hai, với việc phát triển ồ ạt thiếu quy hoạch, ai sẽ bao tiêu sản phẩm cho nông dân khi mà hiện nay chưa có sự vào cuộc cụ thể, chiến lược rõ ràng từ các nhà hoạch định chính sách?

“Việc nhiều người dân Đơn Dương phải đổ sữa ra đường do phát triển đàn bò quá nóng chưa nguôi, nay lại tới chuyện người dân đổ xô trồng mắc ca, tôi mong người dân hãy tỉnh táo, đừng quá nóng vội, làm theo phong trào, thiếu cơ sở để rồi lại tự mình hại mình”, ông Sơn cảnh báo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm