Trứng Ba Huân đột ngột muốn 'ly hôn' VinaCapital: Vì sao?

Công ty Cổ phần Ba Huân đã có Công văn số 68/2018 gửi Văn phòng Chính phủ hỗ trợ trong việc chấm dứt hợp tác với Quỹ đầu tư VinaCapital.

"Thỏa thuận một đằng, văn bản một nẻo"

Theo bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty Ba Huân, đầu năm 2018, Ba Huân nhận được đề nghị cùng hợp tác đầu tư từ tổ chức tài chính VinCapital (thông quan quỹ đầu tư Hawke Investment Pte. Ltd) nhằm nâng thương hiệu Ba Huân lên tầm quốc tế bằng thế mạnh vốn và công nghệ quản trị mà VinaCapital đang có.

Trên cơ sở đó, VinaCapital đã đưa ra một số thỏa thuận hợp tác ban đầu bằng ngôn ngữ tiếng Anh để các bên ký kết làm cơ sở cho quá trình hợp tác sau này.

Mặc dù thỏa thuận hợp tác quy định sử dụng hai ngôn ngữ Anh-Việt nhưng hai bên mới chỉ ký bản tiếng Anh.

Tuy nhiên, sau khi đối chiếu các văn bản thỏa thuận bằng tiếng Việt, Công ty Ba Huân nhận thấy thỏa thuận hợp tác đang có nội dung không đúng hoặc không như trao đổi ban đầu của hai bên.

Ba Huân từ chối hợp tác với VinaCapital vì thỏa thuận hợp tác không như ý muốn.

Cụ thể, trong bản tiếng Anh, VinaCapital tự động đưa tỉ suất hoàn vốn đầu tư (IRR) của mình quá cao là 22%/năm, gần gấp ba lần lãi suất vay vốn ngân hàng. Trong khi đó, VinaCapital hạn chế ngành nghề kinh doanh của Ba Huân chỉ gồm sản xuất, kinh doanh gà thịt và trứng gà, loại bỏ toàn bộ các ngành nghề kinh doanh khác của Ba Huân.

Theo bà Huân, yêu cầu này không phù hợp với một doanh nghiệp chuyên hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, vì mục tiêu hỗ trợ cộng đồng, không đặt mục tiêu lợi nhuận trên hàng đầu.

Lo bị chiếm đoạt thương hiệu

Hơn thế, VinaCapital còn yêu cầu nếu Ba Huân không đạt kết quả kinh doanh như quy định sẽ bị phạt, hoặc buộc trả lại vốn đầu tư cộng dồn với lãi suất 22%/năm, hoặc phải chuyển giao cho VinaCapital (hoặc một đối tác do quỹ này chỉ định) số cổ phần tối thiểu 51% tổng số cổ phần của Ba Huân.

Ngoài ra, trong quá trình đàm phán sửa đổi điều lệ công ty, mặc dù chỉ với tư cách là một cổ đông phổ thông nhưng theo bà Huân, quỹ VinaCapital luôn yêu cầu đưa vào điều lệ quyền phủ quyết của VinaCapital đối với tất cả nghị quyết của hội đồng quản trị và đại hội cổ đông chế định có quyền quyết định cao nhất theo Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Ba Huân cho rằng đây là yêu cầu vô lý, vi phạm nghiêm trọng quyền lợi của các cổ đông thiểu số và pháp luật Việt Nam.

“Như vậy, thay vì mục tiêu hợp tác phát triển, hỗ trợ Ba Huân xây dựng thương hiệu quốc tế như ban đầu thì VinaCapital lại muốn chiếm đoạt thương hiệu Ba Huân đã được xây dựng gần 50 năm ở Việt Nam thông qua những đề nghị vô lý và có biểu hiện không tôn trọng luật pháp Việt Nam” - bà Phạm Thị Huân bức xúc.

Theo Công ty Ba Huân, tỉ suất lợi nhuận 22%/năm là con số kỳ vọng của riêng VinaCapital không phù hợp với thỏa thuận ban đầu của hai bên. 

Muốn chia tay

Với mong muốn trước hết bảo vệ một thương hiệu Việt, Công ty Ba Huân đã đề nghị chấm dứt hợp tác đầu tư. Nhưng theo Ba Huân, phía VinaCapital lại đang có các hành động gây trì hoãn, gây khó khăn…

Đặc biệt quỹ này yêu cầu Ba Huân phải thanh toán các khoản phí phát sinh dựa trên lãi suất rất cao ở mức 22%/năm cho các khoản đầu tư mua cổ phần phát hành thêm của Ba Huân. Trong khi thực tế, khoản tiền đầu tư trên vẫn đang được giữ tại tài khoản do VinaCapital kiểm soát.

“Việc VinaCapital yêu cầu trả lãi suất cao gấp ba lần lãi suất vay ngân hàng thương mại cho khoản tiền mà Ba Huân không có quyền sử dụng độc lập và thực tế chưa hề sử dụng là vô căn cứ” - công văn Công ty Ba Huân nêu rõ.

Theo Công ty Ba Huân, tỉ suất lợi nhuận 22%/năm là con số kỳ vọng của riêng VinaCapital không phù hợp với thỏa thuận ban đầu của hai bên. Công ty kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền can thiệp, các hiệp hội liên quan giúp đỡ bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công ty trong quá trình chấm dứt hợp tác, giúp công ty và nông dân Việt giữ lại và phát triển thương hiệu nông nghiệp của quốc gia.

Trước đó, ngày 26-2-2018, Quỹ Vietnam Opportunity Fund (VOF) do VinaCapital quản lý thông báo quỹ này đã đầu tư 32,5 triệu USD để mua lại một số lượng cổ phần thiểu số đáng kể của công ty sản xuất trứng và thịt gia cầm Ba Huân.

Vietnam Opportunity Fund cũng cho biết họ có thể sẽ đầu tư một khoản vốn bổ sung vào Ba Huân trong 12 tháng tới vì công ty đã đạt được những mốc tăng trưởng quan trọng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm