Ứng phó sao trước các thay đổi liên quan đến TPP?

Cho ý kiến về báo cáo hội nhập kinh tế của Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ tỏ ra khá băn khoăn đối với số phận của hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). “Tôi thấy phân vân về TPP, giờ Chính phủ đánh giá vấn đề này thế nào vì trước đây trong quá trình hình thành hiệp định ta tham gia từ đầu đến cuối. Tuy nhiên, tới giờ tổng thống mới của Mỹ tỏ quan điểm không ủng hộ. Tôi xem nhiều nước cũng lo lắng vấn đề này, họ nói Mỹ rút thì khó khăn. Vậy ta ảnh hưởng thế nào, phương hướng tới đây?” - ông Tỵ đặt câu hỏi.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay Chính phủ đang chủ động tìm kiếm nhiều giải pháp để ứng phó với những khả năng thay đổi liên quan đến TPP.  Ảnh: QH

Trước lo lắng của ông Tỵ cũng như nhiều đại biểu khác, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay: “Cho đến bây giờ chưa thể nói về số phận của TPP là như thế nào vì tới ngày 20-1, tổng thống mới trúng cử của Mỹ mới nhậm chức. Hiện Nhật Bản đã phê chuẩn TPP, họ cũng vận động mình phê chuẩn”.

Phó Thủ tướng cũng cho hay hiện Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo rà soát tất cả nghị định, hành lang pháp lý liên quan đến hiệp định với các đối tác, các khu vực kinh tế của thế giới, đặc biệt là EU. Khu vực này có nhiều tiêu chuẩn tương tự với khối TPP. “Nhiều hiệp định thế hệ mới phủ rộng, có tiêu chuẩn cao, trong điều kiện như vậy ta phải sửa lại luật để có thể chủ động hơn trong hội nhập để có thể bắt kịp với một hiệp định khác thay thế TTP chẳng hạn” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Lấy ví dụ như vấn đề sở hữu trí tuệ, Phó thủ tướng cho hay trước đây Việt Nam chỉ xử lý về mặt hành chính, phạm vi chỉ xử trong nước, tuy nhiên các nước khác lại yêu cầu xử lý vi phạm sở hữu trí tuệ cả mặt hình sự, phạm vi ở cả tòa quốc tế… chính vì thế luật pháp trong nước cũng cần thay đổi để thích ứng với yêu cầu hội nhập. “Chính phủ và Ban Chỉ đạo liên ngành đánh giá tính tích cực và chủ động trong thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế mới có mức độ. Tới đây cần cố gắng hơn, lựa chọn xem mình tham gia cuộc chơi nào một cách chủ động hơn” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Còn phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế khu vực

Theo báo cáo của Chính phủ, Việt Nam có tới 10 tồn tại vướng mắc nếu không được khắc phục thì nền kinh tế của nước nhà có khả năng tụt hậu, “thua ngay trên sân nhà”. Trong đó nổi lên là vấn đề sản phẩm của nền kinh tế thiếu sức cạnh tranh, chưa có mũi nhọn. Việc phát triển thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa còn nhiều bất cập, đôi khi lúng túng trong việc xác định hướng đi… Vai trò kinh tế tư nhân thấp; đã xuất hiện các nút “cổ chai” về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực... gây cản trở cho quá trình phát triển. Kinh tế trong nước phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế lớn trong khu vực, nhập siêu tăng cao từ một số đối tác trong khu vực Đông Á….

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm