Vàng phi SJC có được tái xuất-nhập?

Mở đầu phiên giao dịch ngày 27-12, giá vàng miếng trong nước quay đầu giảm mạnh về sát ngưỡng 46 triệu đồng/lượng.

Thị trường vàng không màng đến giá

Lúc 16 giờ, SJC niêm yết giá mua 45,45 triệu đồng/lượng, giảm hơn 400.000 đồng/lượng; bán ra 46,25 triệu đồng/lượng, giảm 200.000 đồng/lượng so với chiều hôm trước. Ở ngưỡng này giá vàng trong nước vẫn cao hơn thế giới khoảng 4 triệu đồng/lượng. Điều này cho thấy giá vàng trong nước tiếp tục đi lệch nhịp so với giá vàng thế giới đang rơi vào ngưỡng 1.658,2 USD/ounce, giảm vài USD/ounce so với hôm trước.

Tình hình trên không có gì lạ vì đây không phải là lần đầu giá vàng trong nước đi quá nhanh hoặc quá chậm so với chiều giảm/tăng của thế giới. Tuy nhiên, khác thường là lần đầu tiên khoảng cách giá vàng giữa chiều mua và bán chênh nhau 800.000 đồng/lượng. Hiện tượng này trước nay chưa từng có.

Vào ngày 21-12, giá vàng trong nước cũng giảm sát về mốc 46 triệu đồng/lượng. Dù trong ngày này giá vàng trong nước đắt hơn thế giới trên 5 triệu đồng/lượng nhưng khoảng cách giữa mua và bán chỉ là 150.000 đồng. Theo dõi bảng niêm yết giá mua-bán của các doanh nghiệp vàng suốt mấy tháng qua cho thấy khoảng cách giá giữa mua và bán cũng thường được niêm yết 150.000-200.000 đồng mà thôi. Việc các doanh nghiệp chấp nhận mua vàng vào giá cao, lời ít rồi niêm yết khoảng cách giá mua-bán thấp là dấu hiệu cho thấy nguồn cung đang thực sự khan hiếm.

Vậy tại sao khoảng cách này đột ngột được kéo dài tới 800.000 đồng/lượng trong ngày hôm qua?

Vàng phi SJC có được tái xuất-nhập? ảnh 1

Giá vàng miếng trong nước giảm mạnh nhưng vẫn cao hơn thế giới khoảng 4 triệu đồng/lượng. Ảnh: HTD

Sẽ tăng cung

Mới đây, Tổng cục Thống kê đã công bố số liệu thống kê kinh tế-xã hội. Theo đó, năm 2012 là năm đầu tiên Việt Nam xuất siêu hàng hóa kể từ năm 1993 (đạt 284 triệu USD). Thông tin tốt lành này cho thấy nguồn USD dồi dào hơn và đã tác động không nhỏ đến thị trường vàng.

Trước đây, khi nói đến việc nhập khẩu vàng đều có sự lo ngại sẽ ảnh hưởng đến ngoại tệ và tác động đến tỉ giá. Thế nhưng trong khi giá vàng trong nước ngày càng đắt hơn giá thế giới, nguồn ngoại tệ lại đang dương thì việc nhập một lượng vàng nào đó để rút ngắn khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới cũng sẽ không ảnh hưởng đến tỉ giá. Và việc nhập khẩu này, dù nhiều hay ít, đều tác động đến thị trường vàng. Khi nguồn cung tăng, khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới sẽ ngắn lại.

Một lý do khác là thị trường mấy ngày nay dấy lên dư luận về việc tái xuất nhập khẩu vàng phi SJC. Hiện nay, số vàng phi SJC được phép chuyển đổi thành vàng SJC còn rất nhiều. Số vàng này nếu được chuyển đổi hết sẽ tăng cung cho thị trường. Vấn đề làm ách tắc tiến trình này là khâu kiểm định chậm và một số lượng vàng được cho là không đủ tuổi.

Để giải quyết vấn đề, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể cho các đơn vị này tái xuất-nhập vàng. Nghĩa là doanh nghiệp đó còn bao nhiêu vàng chưa được chuyển đổi thì được phép xuất đi và dùng chính ngoại tệ đó mua vàng nguyên liệu về. Giải pháp này sẽ nhanh chóng giải quyết được số vàng chuyển đổi.

Tuy nhiên, theo quy định của Bộ Tài chính, nếu vàng xuất khẩu trên 80% hàm lượng vàng sẽ phải chịu thuế 10%. Như vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu phải đóng thuế 10%. Vậy thì một lượng vàng phải mất thuế hơn 4 triệu đồng. Con số này quá lớn nhưng nếu không thu thì Nhà nước thất thoát, còn ngược lại thì doanh nghiệp không chịu nổi vì lỗ nặng. Trong trường hợp này, chỉ có thể giải quyết bằng cách xin một cơ chế đặc biệt tái xuất-nhập vàng cho số vàng này. Và nếu việc tái xuất-nhập thành công thì nguồn cung sẽ dồi dào hơn. Đây là thông tin quan trọng đang tác động mạnh mẽ đến thị trường vàng hôm qua.

Vì thế, nếu bây giờ doanh nghiệp mua vàng vào với giá cao, thời gian tới khi có vàng nhập khẩu về thì giá vàng rớt mạnh, doanh nghiệp sẽ lỗ. Bởi vậy để tránh rủi ro, các doanh nghiệp niêm yết khoảng cách mua và bán chênh nhau. Còn sở dĩ giá bán vàng ra vẫn cao là vì ở ngưỡng này người dân tiếp tục mua vào. Nếu giá bán ra thấp hơn nữa, cảnh xếp hàng mua vàng là khó tránh khỏi.

YÊN TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm