Vay tiền mua ô tô dễ, vay đầu tư máy móc rất khó

Mới đây, trong một chương trình gặp gỡ doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, ông Đào Gia Hưng, Phó Giám đốc khối DN vừa và nhỏ của VPbank, thừa nhận những khúc mắc về tài sản thế chấp hiện hữu khiến ngân hàng và DN khó tìm tiếng nói chung.

Đó là lý do vì sao có đến 70% DN vừa và nhỏ không tiếp cận được với khoản vay chính thức từ ngân hàng nên đã phải tìm đến các khoản vay phi chính thức.

Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong số 97% DN nhỏ và vừa, có đến 85%-90% là DN nhỏ và siêu nhỏ. Theo cơ quan này, chỉ có khoảng một nửa trong số này là những DN vô cùng khó khăn trong việc tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng.

Thấm thía nỗi vất vả khi gõ cửa các ngân hàng, ông Lý Thành Sinh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần May thêu Minh Long Hưng, cho biết: Với những DN làm ăn đàng hoàng thì cái họ quan tâm nhất không phải là giảm lãi suất mà là làm sao để DN có thể tiếp cận vốn ngân hàng. Bởi có một thực tế là vay tiền mua nhà, đất, ô tô thì dễ nhưng vay tiền mua cái máy để in, thêu… không đơn giản. Trong khi đó máy móc mới là phương tiện để DN giải quyết bài toán về giảm chi phí, tăng năng lực cạnh tranh.

Đó là chưa kể thời gian cho vay để sản xuất, kinh doanh rất nghiệt ngã, dài lắm thì được vay chín tháng, còn bình thường thì chỉ được sáu tháng. Nhiều khi khoản vốn vay chưa tạo ra hàng hóa, sản phẩm đã phải lo đáo hạn.

“Nhiều lúc không thể vay được từ ngân hàng nên chúng tôi phải vay bên ngoài với mức lãi suất lên đến 3%/tháng, có khi phải vay nóng 4%-5%/tháng. Mà phải có uy tín mới vay được, chứ không thì đừng nằm mơ. Do vậy, cái mà DN nhỏ như chúng tôi cần ở các ngân hàng là tạo điều kiện vay dễ dàng hơn” - ông Sinh chia sẻ.

Hiểu được những khó khăn này của DN, thời gian gần đây nhiều ngân hàng đã triển khai khác các sản phẩm cấp vốn tín chấp cho các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Như Ngân hàng An Bình công bố DN không cần tài sản thế chấp hoặc thiếu một phần tài sản vẫn có thể vay đến 3 tỉ đồng hoặc 10% doanh thu.

PVComBank đưa ra gói cho vay lên đến 1.500 tỉ đồng, trong đó cho phép DN thế chấp tài sản bằng tài sản của người thân (bất động sản, sổ tiết kiệm, ô tô...) thay vì chỉ cho phép thế chấp bằng tài sản của chủ DN.

VPBank cũng đang triển khai khác với các sản phẩm đang được cung cấp trên thị trường thời gian qua. Cụ thể, cấp vốn tín chấp cho các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Ngoài ra, cho vay vốn nếu là DN phát triển từ hộ kinh doanh.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, cho rằng việc các ngân hàng đẩy mạnh cho vay tín chấp là một trong những biện pháp hiệu quả nhằm hỗ trợ phát triển DN từ hộ kinh doanh.

Và tất nhiên vay tín chấp lãi suất sẽ cao hơn so với vay thế chấp và hiện lãi suất vay tín chấp có thể lên tới hơn 16%, kỳ hạn vay thông thường chỉ rơi vào mức 6-9 tháng. Tuy nhiên, đây hiện được đánh giá là một công cụ huy động vốn hữu hiệu dành cho khu vực DN vừa và nhỏ.

Đối với ngân hàng thì đây cũng là một cách để phân tán rủi ro. Thay vì cho vay số ít DN lớn, tín dụng được phân bổ cho rất nhiều DN vừa và nhỏ. Theo chuyên gia, đây có thể là xu hướng thời gian tới. Quan trọng nhất là các DN nhỏ cần biết cách thể hiện dòng tiền minh bạch.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Rào chắn bao quanh cửa hàng xăng dầu. ẢNH: TÚ UYÊN

TP.HCM: 18 cửa hàng xăng dầu tạm ngưng hoạt động

(PLO)- Theo Sở Công thương TP.HCM, các cửa hàng xăng dầu này tạm ngưng với các lý do để sữa chữa nâng cấp, do giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu hết hạn, đang thực hiện thủ tục theo quy định.

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

(PLO)- Với doanh thu năm 2023 đạt trên 170.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.800 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tiếp tục giữ ổn định các hệ số tài chính quan trọng và đủ khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.