Việt Nam có bị rúng động theo?

Thị trường bong bóng nhà đất tại Mỹ rơi vào khủng hoảng sau khi BNP Paribas - một ngân hàng lớn nhất của Pháp đình chỉ hoạt động ba quỹ đầu tư trị giá khoảng 3,8 tỷ USD. Việc này đã tạo ra cơn bão khủng hoảng tài chính lan tỏa ra toàn cầu và tạo ra những lo ngại đối với nhiều ngân hàng Việt Nam. Hiện nay, lợi nhuận có được từ hoạt động kinh doanh bất động sản, chứng khoán của một số ngân hàng chiếm khoảng hơn 50% tổng lợi nhuận. Cơn khủng hoảng tài chính đang làm cho một số ngân hàng lo ngại, dẫn đến việc cắt giảm vốn rót vào bất động sản.

Tâm lý bị lung lạc

Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, cho biết nền kinh tế nước ta đang hội nhập vào các nền kinh tế trên toàn cầu và đang hình thành một thế giới kinh tế phẳng nên ảnh hưởng là tất yếu. Nó sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam ở cả góc độ tâm lý lẫn kỹ thuật.

Ở góc độ kỹ thuật, thị trường tài chính nước ta đang chịu sự tác động trực tiếp lãi suất USD. Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất xuống còn 4,75% đã tác động đến thị trường tiền tệ trong nước, làm cho tỷ giá hối đoái đồng USD/VND cũng suy giảm. Đồng thời, nó cũng làm thay đổi luồng tiền lưu thông. Các ngân hàng trong nước cũng đang cắt giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm VND, đã đẫn đến hiện tượng người dân đổ tiền vào chứng khoán để kiếm lời cao.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính từ Mỹ chỉ tác động đến các ngân hàng lớn đang hoạt động ở Mỹ. Trong đó, phần lớn là những ngân hàng lớn của các nước phát triển ở châu Âu và Nhật Bản... vì họ đã có mạng lưới rộng khắp toàn cầu. Đối với các ngân hàng thương mại Việt Nam mới chỉ hoạt động trong nước thì sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.

Theo ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB, sự liên thông giữa thị trường tài chính Việt Nam với thế giới chưa phát triển rộng rãi nên mức độ ảnh hưởng không đáng kể. Mức độ ảnh hưởng đến các ngân hàng cũng chỉ liên quan đến lãi suất và tỷ giá của đồng USD so với đồng nội tệ. Thế nhưng khi FED cắt giảm lãi suất tiền USD thì mặt bằng lãi suất của ngân hàng trong nước vẫn không giảm mà ngược lại, một số ngân hàng còn tăng. Lý do xuất phát từ nhu cầu thực tế của thị trường Việt Nam mà các ngân hàng trong nước đã có sự chuẩn bị dự báo trước đó mấy tháng. Chịu tác động nhiều nhất có lẽ là ở việc lưu chuyển nguồn vốn, làm cho nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI đổ vào nước ta tăng lên.

Đất, chứng khoán bị tác động lớn

Ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng VIBBank, cho biết cơn khủng hoảng từ Mỹ đang là mối quan ngại đối với thị trường tài chính Việt Nam. Vốn đầu tư nước ngoài chủ yếu rót vào chứng khoán và bất động sản. Về lý thuyết, khi khủng hoảng xảy ra, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ rút vốn khỏi Việt Nam để đem đến nơi cần chữa cháy. Thế nhưng điều này sẽ không xảy ra đối với Việt Nam, do nền kinh tế đang có tốc độ tăng trưởng cao, đầu tư vào Việt Nam cho lợi nhuận cao nên lợi nhuận cao cũng là bức tường chặn không cho nguồn vốn ra đi. Thông thường khi có khủng hoảng tài chính lớn xảy ra, các nhà đầu tư nước ngoài cũng chỉ rút vốn ở những nơi lợi nhuận thấp.

Tuy nhiên, theo ông Tùng, cơn khủng hoảng tài chính thế giới kéo dài sẽ tác động tiềm ẩn lĩnh vực bất động sản. Cũng vậy, thị trường chứng khoán mới “ấm” trở lại cũng rất dễ rủi ro. Trong khi đó, thị trường địa ốc vẫn còn đang đóng băng và chỉ sốt cục bộ ở thị phần căn hộ, văn phòng cho thuê. Trong thời gian khoảng hai năm nữa sẽ tạo ra lượng cung lớn hơn cầu, dẫn đến giá cao ốc cho thuê giảm, gây khó khăn cho doanh nghiệp và gây khủng hoảng cho các ngân hàng.

Các chuyên gia cũng cho rằng cơn bão khủng khoảng bất động sản Mỹ thực sự là một bài học cho các ngân hàng thương mại Việt Nam. Bởi lẽ ngân hàng vừa thích cầm cố bất động sản mỗi khi cho vay tín dụng, mặt khác họ lại đang bơm vốn rất mạnh vào bất động sản. Khi tính thanh khoản của thị trường bất động sản thấp sẽ là nguy cơ khủng hoảng đối với các ngân hàng. Thị trường nhà đất của Mỹ đã sụp đổ có nguyên nhân do người dân không có đủ tiền để trả các món nợ do mua nhà trả góp. Từ đó dẫn đến việc các chủ nhà đất siết nợ bằng nhà nhưng mang về lại không thể bán được, trong khi vẫn phải trả lãi suất vay ngân hàng.

VŨ HƯNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm