VN sẽ thành cường quốc trong khu vực

Hội nghị là cơ hội để đại diện hơn 70 doanh nghiệp hàng đầu thế giới và hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam đối thoại với Chính phủ. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo các bộ, ngành sẽ trực tiếp đối thoại với các doanh nghiệp về những thách thức và cơ hội trong quá trình duy trì tăng trưởng và phát triển kinh tế, giải quyết nạn tham nhũng, tối đa hóa tiềm lực kinh tế của Việt Nam...

Pháp Luật TP.HCM ghi nhận ý kiến của đại diện lãnh đạo một số tập đoàn nước ngoài đến tham gia hội nghị.

VN sẽ thành cường quốc trong khu vực ảnh 1Ông Justin Wood, Giám đốc Corporate Network, Singapore:

Triển vọng tăng trưởng lớn

Theo tôi, với tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, Việt Nam vẫn có nhiều triển vọng tăng trưởng mạnh trong những năm tới. Có nhiều nhân tố tích cực để Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng tốt như lao động trẻ và đang phát triển, chi phí nhân công thấp hơn các nước láng giềng và trình độ công nghệ ngày càng phát triển.

Cam kết của Chính phủ về việc tự do hóa nền kinh tế và việc đưa ra các cải cách trên nền tảng thị trường nhất định sẽ đem lại những tác dụng tích cực. Việc cải cách được tính toán ổn định và vững chắc nhưng cần tính đến tốc độ cải cách cũng như các yếu tố vĩ mô khác như tỷ lệ tiết kiệm của nền kinh tế. Trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế, Chính phủ cũng cần trao quyền nhiều hơn cho khu vực tư nhân, thực hiện đầy đủ các cam kết gia nhập WTO, đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước...

VN sẽ thành cường quốc trong khu vực ảnh 2Ông Thomas Tobin, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam:

Sẽ thiếu hụt nhân sự trong lĩnh vực ngân hàng

Chúng tôi trông đợi năm 2008 và những năm kế tiếp sẽ bùng nổ ngành tài chính ngân hàng với những cải cách không ngừng của Chính phủ. Xu hướng phát triển nhanh chóng của hệ thống ngân hàng sẽ dẫn đến việc phát triển mạng lưới cũng như tạo sự cạnh tranh và mang đến các dịch vụ tốt hơn cho khách hàng. Việt Nam đã và đang điều chỉnh các quy định về quyền thương mại, thủ tục quan thuế giúp các nhà đầu tư nước ngoài cùng được hưởng chế độ như các công ty nội địa. Điều này sẽ kéo theo sự gia tăng về đầu tư và tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít những thách thức như là sự khan hiếm nguồn nhân lực có chuyên môn cao. Số lượng nhân viên ngân hàng có chuyên môn và kinh nghiệm vẫn còn hạn chế. Phải mất nhiều thời gian và công sức cho đào tạo và phát triển để có được một chuyên viên ngân hàng chuyên nghiệp. Trong những năm tới, sự thiếu hụt lực lượng chuyên viên ngân hàng sẽ ngày càng rõ rệt hơn.

VN sẽ thành cường quốc trong khu vực ảnh 3Ông Kamlash Patel, Giám đốc Chiến lược và Phát triển kinh doanh khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Nokia Siemens Network:

Cần phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông

Trong năm 2007, Việt Nam đã có 33 triệu thuê bao điện thoại và hiện khoảng hơn 18 triệu người thường xuyên sử dụng Internet. Đây là những con số tăng trưởng ấn tượng cho thấy Việt Nam đang tiến rất nhanh trong việc thu hẹp khoảng cách về kỹ thuật số với các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, chúng tôi lưu tâm Chính phủ đẩy nhanh cải thiện cơ sở hạ tầng. Trong những năm qua, Chính phủ đã có những nỗ lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở khu vực thành thị. Tuy nhiên, khi nền kinh tế phát triển rộng hơn thì việc cải cách cơ sở hạ tầng sẽ không chỉ tập trung ở những khu vực trung tâm phát triển mà phải cả những vùng nông thôn. Khi các doanh nghiệp nước ngoài quyết định đầu tư vào đây họ sẽ quan tâm đến vấn đề cơ sở hạ tầng, trong đó có hạ tầng viễn thông.

VN sẽ thành cường quốc trong khu vực ảnh 4Ông Peter Ryder, Giám đốc điều hành Indochina Capital:

Việt Nam sẽ là một Nhật Bản thứ hai

Việt Nam sẽ trở thành một cường quốc kinh tế của khu vực Đông Nam Á bởi vị trí địa lý thuận lợi. Tôi cho rằng Việt Nam có thể phát triển thành một Nhật Bản thứ hai vì sự bền vững và ổn định.

Tôi ấn tượng bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp cũng như gián tiếp của nước ngoài đổ vào Việt Nam gia tăng nhanh chóng trong năm qua. Năm 2007, Việt Nam thu hút hơn 20 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 15 năm qua đạt 84 tỷ USD. Điều quan trọng nhất là làm thế nào sử dụng đồng vốn hiệu quả nhất cho phát triển kinh tế.

LINH XUÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm