Xếp hạng môi trường kinh doanh: VN tăng 10 bậc

Kết quả của Báo cáo môi trường kinh doanh 2011 do Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp với Công ty Tài chính Quốc tế thực hiện vừa được công bố sáng 4-11 tại Washington DC. Cuộc họp báo được truyền hình trực tiếp ở bốn nước liên quan là Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan và Philippines. Theo báo cáo này, Việt Nam tăng 10 bậc về xếp hạng môi trường kinh doanh.

Cơ chế một cửa được đánh giá cao

Theo báo cáo, xét về độ thuận lợi của môi trường kinh doanh, Việt Nam đã thăng hạng từ vị trí 88 của giai đoạn 2009-2010 lên vị trí 78, giai đoạn 2010-2011, trên tổng số 183 nền kinh tế được khảo sát. Đứng đầu bảng năm 2011 cũng như năm 2010 là Singapore. Cũng ổn định ở vị trí thứ hai là Hong Kong. Thái Lan từ hạng 16 sụt một chút xuống 19 và Malaysia từ 23 lên 21. Cả Hong Kong, Thái Lan và Malaysia đều lọt vào tốp 30 nền kinh tế dẫn đầu về mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh.

Việt Nam tuy không ở trong danh sách này nhưng lại là một trong 10 nền kinh tế có nhiều cải thiện nhất về môi trường kinh doanh cùng một đại diện châu Á khác là Brunei. Từ Washington DC, ông Karim Belyachi, đồng tác giả của báo cáo, chúc mừng Việt Nam về điểm này. Ông Karim cho biết báo cáo đánh giá và xếp hạng căn cứ vào số lượng thủ tục quy định, chi phí và thời gian làm thủ tục trong chín lĩnh vực như thành lập doanh nghiệp, tuyển dụng lao động, nộp thuế, thương mại quốc tế… Trong số này, Việt Nam cải thiện đáng kể môi trường kinh doanh trong ba khâu: thành lập doanh nghiệp, cấp giấy phép xây dựng và vay vốn tín dụng.

Xếp hạng môi trường kinh doanh: VN tăng 10 bậc ảnh 1

Đơn giản hóa thủ tục trong việc thành lập doanh nghiệp là một trong những cải cách đáng kể trong môi trường kinh doanh.Trong ảnh: Doanh nghiệp đang làm thủ tục giấy tờ tại Sở Kế hoạch và Đầu Tư TP.HCM. Ảnh: HTD

Báo cáo nhận xét: “Việt Nam tạo thuận lợi cho việc thành lập doanh nghiệp bằng cách áp dụng cơ chế một cửa, kết hợp thủ tục chứng nhận đăng ký kinh doanh với đăng ký mã số thuế và bỏ quy định xin giấy phép khắc dấu. Việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với nhà và chuyển việc chứng nhận quyền sở hữu nhà cho Sở Tài nguyên và Môi trường đã làm cho việc cấp phép xây dựng thuận lợi hơn nữa. Hệ thống thông tin tín dụng được cải thiện: người đi vay được phép kiểm tra báo cáo tín dụng của mình và được quyền sửa các thông tin sai lệch”. Trong đó, các tác giả báo cáo tỏ ra đặc biệt đánh giá cao những cải thiện, đơn giản hóa thủ tục trong việc thành lập doanh nghiệp.

Trả lời Pháp Luật TP.HCM về các lĩnh vực còn chậm cải cách và cần được cải thiện nhất, Giám đốc khu vực của Công ty Tài chính Quốc tế tại Việt Nam, ông Simon Andrews, cho biết căn cứ theo báo cáo, đó là “bảo vệ nhà đầu tư” và “giải thể doanh nghiệp”. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định: “Việt Nam đã duy trì cải cách một cách nhất quán và bền bỉ trong suốt năm năm qua”.

Đánh giá đúng và đầy đủ

Tiến sĩ Ngô Hồng Phan, Quyền Phó Giám đốc Đề án 30 về cải cách thủ tục hành chính, cũng tỏ ra lạc quan. Thậm chí, ông còn cho rằng báo cáo phản ánh chưa hết những nỗ lực và thành công của Việt Nam thời gian qua. Ông nói: “Tính đến tháng 5 năm sau, Việt Nam đã có rất nhiều cải cách, về cả hình thức lẫn nội dung, ở tất cả các khâu liên quan đến hoạt động cụ thể của doanh nghiệp. Ví dụ về thuế, chúng ta đã cải cách mạnh mẽ về hóa đơn, hướng tới việc kê khai theo quý thay vì tháng như hiện nay, tiết kiệm được khoảng 650 tỉ đồng mỗi năm. Về giấy phép xây dựng, chúng ta bỏ nhóm thủ tục về gia hạn giấy phép, phân cấp việc cấp giấy phép. Về thủ tục vay vốn, ta bãi bỏ việc công chứng, giảm thiểu gánh nặng hành chính và thời gian cho doanh nghiệp”.

Ông Phan cho rằng nếu báo cáo đánh giá đúng và đầy đủ, Việt Nam có thể tăng thêm tới 10 bậc nữa trong bảng xếp hạng.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, lại có ý kiến khác. Ông nói: “Kể ra, tăng 10 bậc thì cũng vui, có lẽ từ năm 2004 tới nay thì đây là lần đầu tiên Việt Nam xếp hạng cao như thế. Nhưng báo cáo chỉ xét có chín lĩnh vực, mỗi lĩnh vực cũng chỉ chọn khoảng 3-4 chỉ tiêu nên tổng cộng họ chỉ xét khoảng 36 trên tổng số hàng trăm, hàng ngàn chỉ tiêu cần tính đến. Cho nên mừng thì mừng, không vì thế mà nói là môi trường kinh doanh của ta tiến nhiều so với trước”.

Ông Cung lấy ví dụ, riêng lĩnh vực thủ tục vay vốn, bản báo cáo mới đề cập tới khả năng người đi vay tiếp cận thông tin, mà không nhắc tới nhiều yếu tố khác như điều kiện vay, tình trạng được đối xử, lãi suất, thế chấp...

Đặc biệt, nửa cuối năm nay, lạm phát và biến động giá cả chắc chắn là một yếu tố có ảnh hưởng vĩ mô đối với nền kinh tế và độ thuận lợi của môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp ở Việt Nam. Tuy nhiên, điều này không được phản ánh trong báo cáo. Các nhà kinh tế dự buổi công bố báo cáo đều thừa nhận như vậy và nhất trí rằng Việt Nam cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn để tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi, đặc biệt cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ.

HOÀNG THƯ

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

ĐHĐCĐ năm 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

(PLO)- Sáng 28-3, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

(PLO)- Thị trường vàng trong nước có phiên tăng giá thứ hai liên tiếp. Đáng nói là trong khi vàng nhẫn tăng không đáng kể thì vàng miếng SJC lại có bước nhảy vọt, vượt mốc 81 triệu đồng/lượng.