Xin phép một lần, xả rác thoải mái

Điều đáng bàn ở dự thảo này là việc gửi thư, nhắn tin quảng cáo phải xin phép ai? Xin phép người nhận tin hay xin phép nhà nước?

Người nhận sẽ chịu hết xiết!

Theo dự thảo, tổ chức, cá nhân gửi e-mail quảng cáo, tin nhắn quảng cáo phải xin phép người nhận thư trước rồi mới bắt đầu gửi. Việc xin phép trước được gọi bằng thuật ngữ trong ngành là Opt-In.

Ngược với Opt-In là Opt-Out, tức người gửi sẽ được gửi quảng cáo, kèm trong thư có nút nhấn với chức năng từ chối nhận thư. Nếu người nhận từ chối thì người gửi không được gửi nữa.

Điều lạ là dự thảo nghị định chống thư rác vừa có Opt-In, vừa có Opt-Out. Tổ chức là nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo thì khỏi cần xin phép trước khi gửi quảng cáo. Các “ông lớn” này có quyền tống thư rác, tin nhắc rác cho đến khi nào người nhận chịu hết xiết, phải trả lời từ chối mới thôi.

Trong khi việc gửi thư, nhắn tin ảnh hưởng trực tiếp đến hàng loạt người nhận thì các nhà cung cấp này chỉ phải xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông. Theo dự thảo, nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo bằng thư điện tử, nhà cung cấp dịch vụ tin nhắn (qua mạng thông tin di động) và nhà cung cấp dịch vụ tin nhắn qua mạng Internet phải nộp hồ sơ đăng ký để Bộ xem xét cấp mã số quản lý, sau khi có mã số này rồi thì... mặc sức mà xả rác.

Doanh nghiệp sản xuất muốn quảng cáo riêng sản phẩm của mình thì phải xin phép người nhận (việc này không dễ dàng). Trong khi đó, doanh nghiệp chuyên quảng cáo sẽ gửi rất nhiều quảng cáo các loại sản phẩm khác nhau thì chỉ cần một lần xin phép Bộ là xong.

Đồng ý rằng mỗi đối tượng cần có cách quản lý khác nhau. Tuy nhiên, phân biệt kiểu này rất dễ gây tâm tư.

Nhận tin quảng cáo: Không có qua có lại

Theo dự thảo, người gửi thư, tin nhắn quảng cáo chỉ được gửi tối đa năm thư, năm tin mỗi ngày và chỉ được gửi tin trong khoảng 7 giờ đến 22 giờ. Nếu không xin phép trước mà gửi quảng cáo có thể bị phạt đến 40 triệu đồng. Gửi thư, tin vượt “hạn ngạch” thì bị phạt tới 60 triệu đồng.

Theo dự thảo, sau 24 giờ kể từ khi người nhận “phản ứng” thì người quảng cáo, nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo mới phải dừng quảng cáo lại. Việc từ chối nhận quảng cáo và việc chấm dứt gửi quảng cáo chỉ áp dụng chính xác với “loại thông điệp quảng cáo”. Như vậy, nhà cung cấp chỉ phải ngưng gửi loại thông điệp bị từ chối nhưng vẫn có quyền tiếp tục gửi quảng cáo có nội dung khác, quảng cáo sản phẩm khác.

Ở một số nước mà loại hình quảng cáo qua thư, tin nhắn di động phát triển thì các thuê bao sẽ được hưởng một số lợi ích nào đó. Ví dụ khi nhận tin quảng cáo sẽ được miễn phí nhắn tin. Nhờ vậy mà các thuê bao mới chấp nhận bị quảng cáo làm phiền. Trong khi đó, dự thảo hoàn toàn không đề cập đến việc các nhà cung cấp phải “có đi có lại” cho thuê bao bị nhận quảng cáo. Thậm chí cũng không đưa ra cách giải quyết cho những thuê bao hoàn toàn không muốn nhận bất cứ thư rác, tin nhắn rác nào.

Một doanh nghiệp quảng cáo cho rằng nội dung dự thảo như vậy là chưa thể hiện được việc chống thư rác mà chỉ có tác dụng hạn chế liều lượng rác mà thôi. Thậm chí cũng chưa thể hiện ý định bảo vệ người tiêu dùng trước thư rác. Việc buộc doanh nghiệp xin phép người nhận, trong khi nhà cung cấp không phải xin phép chỉ gây khó cho doanh nghiệp khiến “tập trung quyền lực” vào tay các “đại gia” chứ không có giá trị bảo vệ người nhận thư, nhận tin!

Theo dự thảo, nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo bằng thư điện tử phải sử dụng trang thông tin điện tử có tên miền “.vn”, máy chủ gửi thư phải đặt tại Việt Nam. Nhà cung cấp dịch vụ tin nhắn phải có biện pháp giới hạn số lượng và tốc độ nhắn tin của một thuê bao. Còn nhà cung cấp dịch vụ tin nhắn qua mạng Internet thì phải có điều kiện vừa kể trên của cả hai “nhà”.

Trước đây, Bộ Thương mại cũng soạn thảo thông tư về quảng cáo trên các phương tiện điện tử (gồm cả thư điện tử và tin nhắn điện thoại di động), cũng đề cập đến các nội dung tương tự như dự thảo nghị định chống thư rác. Sau đó thông tư này được “giản lược” thành thông tư bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi sử dụng thư điện tử. Sau nữa thì được đổi thành quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quảng cáo thương mại bằng thư điện tử. Đến nay thì quy định này cũng chưa tới đâu.

Quỳnh Như

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm